Cung vượt cầu, khó khăn vẫn đeo bám ngành xi măng

17:09' - 09/04/2025
BNEWS Cung vượt cầu khiến các dây chuyền sản xuất xi măng trong cả nước chỉ hoạt động khoảng 77% tổng công suất thiết kế. Khó khăn vẫn tiếp tục đeo bám ngành này và cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện cả nước đầu tư 92 dây chuyền, với tổng công suất trên 122 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, năm 2024, tổng sản lượng xi măng và clinker tiêu thụ chỉ khoảng 95 triệu tấn (trong nước khoảng 65,3 triệu tấn và xuất khẩu khoảng 29,7 triệu tấn). Như vậy, các dây chuyền sản xuất xi măng chỉ hoạt động trung bình khoảng 77% tổng công suất thiết kế. Khó khăn vẫn tiếp tục đeo bám ngành sản xuất này và cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

 

Chiếm hơn 36% thị phần trong ngành nhưng Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) cũng chung cảnh khó khăn này. Ông Nguyễn Quốc Việt - Chủ tịch HĐTV VICEM cho biết, thị trường xi măng trong nước tiếp tục khó khăn, thách thức do cung vượt xa cầu. Các công ty xi măng cạnh tranh gay gắt về giá bán. Dự báo, năm 2025, nguồn cung xi măng khoảng 124,78 triệu tấn, nhưng nhu cầu xi măng trong nước chỉ khoảng 62,5-63,5 triệu tấn.

Trong khi đó, thị trường xuất khẩu xi măng cũng gặp khó khăn. Nhiều quốc gia gia tăng rào cản thương mại như: Đài Loan (Trung Quốc) điều tra chống bán phá giá xi măng xuất khẩu từ Việt Nam. Philippines ngoài áp thuế chống bán phá giá xi măng xuất khẩu từ Việt Nam, đang xem xét áp thuế tự vệ để bảo hộ ngành sản xuất trong nước. Cùng đó, hoạt động xuất khẩu sang thị trường châu Âu cũng gặp khó khăn do chính sách bảo vệ môi trường, rào cản thuế và quy định nghiêm ngặt về phát thải carbon…

Để tháo gỡ khó khăn từ nguồn cung và phát huy hết công suất thiết kế những dự án xi măng đang hoạt động, đang đầu tư xây dựng nhằm đảm bảo cho ngành sản xuất này phát triển bền vững, hiệu quả, đại diện VICEM kiến nghị, ngừng các dây chuyền công suất nhỏ gây ô nhiễm; không đầu tư thêm nhà máy, dây chuyền mới tại khu vực, vùng miền đã có mật độ dây chuyền sản xuất xi măng lớn hoặc nằm xa vùng nguyên liệu…

Bộ Xây dựng ước tính, nhu cầu tiêu thụ xi măng trong năm 2025 sẽ tăng khoảng 2-3% so với năm 2024, đạt mức 95 - 100 triệu tấn; trong đó, tiêu thụ nội địa dao động từ 60 - 65 triệu tấn, xuất khẩu dự kiến đạt khoảng 30 - 35 triệu tấn. Với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, hàng loạt dự án hạ tầng, đô thị được đầu tư, kỳ vọng ngành xi măng sẽ tăng trưởng trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, để đảm bảo không đầu tư lãng phí, thiết nghĩ việc dừng đầu tư thêm nhà máy xi măng trong giai đoạn này là cần thiết.

Việc cảnh báo dư thừa nguồn cung nhiều lần được Bộ Xây dựng đề cập đến. Điển hình, trước tình hình các nhà máy xi măng có xu thế tăng nhanh, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 (tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg, ngày 18/8/2020); trong đó, đưa ra lộ trình đầu tư các nhà máy xi măng. Cụ thể, tổng công suất thiết kế đến năm 2025 không vượt quá 125 triệu tấn/năm; đến năm 2030 không vượt quá 150 triệu tấn/năm.

Hay từ năm 2021, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản gửi UBND các địa phương yêu cầu trước khi xem xét, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án sản xuất xi măng cần cân nhắc tránh đầu tư tràn lan, dẫn đến cung vượt cầu, gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Bởi tổng mức tài chính đầu tư xây dựng các nhà máy xi măng rất lớn, ước tính theo giá trị hiện nay lên đến 500.000 tỷ đồng (tương đương 20 tỷ USD); trong đó, ước tính nguồn tài chính từ các ngân hàng trong nước và vốn Nhà nước chiếm 75% tổng mức đầu tư này.

Giải pháp được các nhà sản xuất trông đợi là năm 2025 và những năm tiếp theo, Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng nhiều dự án hạ tầng lớn như đường cao tốc, đường sắt đô thị, bệnh viện, trường học, công trình năng lượng… Yếu tố này sẽ giúp tăng mức tiêu thụ vật liệu xây dựng tại thị trường nội địa thông qua việc đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước. Cùng đó, xuất khẩu cũng là bài toán cần cân đối.

Theo ông Lê Văn Kế - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Môi trường và VLXD (Bộ Xây dựng), trong năm 2025 và các năm tới, nước ta sẽ tiếp tục triển khai các dự án giao thông trọng điểm như hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam với mục tiêu đạt 3.000 km vào năm 2025, 5.000 km vào năm 2030 và 9.000 km vào năm 2050, các công trình quan trọng như đường Hồ Chí Minh, Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3, 4 TP. HCM, đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Bên cạnh đó, hàng loạt dự án về năng lượng, thủy lợi, khu công nghiệp, khu kinh tế, công trình hạ tầng xã hội đô thị và khu vực nông thôn như trường học, bệnh viện, trung tâm vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng cũng được triển khai. Đồng thời, chương trình xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và các dự án xây dựng nhà ở khác sẽ góp phần làm gia tăng nhu cầu vật liệu xây dựng trong nước; trong đó có xi măng.

Tiến sỹ Lương Đức Long - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam chỉ rõ, hiện có 2 nhóm vướng mắc lớn nhất đối với ngành xi măng hiện nay là thị trường tiêu thụ sản phẩm và các yếu tố tác động đến quá trình sản xuất. Trong chiến lược dài hạn, ngành xi măng vẫn tập trung vào tiêu thụ trong nước.

Để kích cầu, Hiệp hội Xi măng Việt Nam cùng một số Hội, Hiệp hội ngành nghề đã kiến nghị Chính phủ có biện pháp thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng thông qua phát triển nhà ở, kết cấu hạ tầng, đường giao thông và ứng dụng các giải pháp công nghệ mới. Việc tăng cường sử dụng xi măng trong xây dựng không chỉ giúp nâng cao chất lượng và tuổi thọ công trình mà còn hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Kịp thời nhập cuộc để tháo gỡ vướng mắc cho lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 28/CT-TTg về “Một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng”. Đây được kỳ vọng là động lực quan trọng giúp thị trường xi măng phục hồi và phát triển bền vững.

Theo ông Long, bên cạnh thị trường nội địa, xuất khẩu cũng là một hướng đi quan trọng. Tuy nhiên, chính sách đánh thuế xuất khẩu clinker đang trở thành điểm nghẽn lớn nhất. Hiệp hội Xi măng Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị lên Chính phủ, Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính về việc bãi bỏ thuế xuất khẩu clinker để phù hợp với quy định pháp luật và cam kết quốc tế trong các hiệp định thương mại tự do (FTA). Việc tháo gỡ chính sách thuế này sẽ giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.

Ngoài vấn đề thị trường, các yếu tố tác động đến quá trình sản xuất cũng đang đặt ra nhiều thách thức. Một trong những vấn đề lớn nhất là nguồn nguyên liệu đầu vào. Hiện nay, nhiều nhà máy xi măng gặp khó khăn trong việc cấp phép hoặc gia hạn mỏ nguyên liệu phục vụ sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khai thác và cung ứng clinker.

Cùng đó, thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép khai thác nguyên liệu vẫn còn nhiều bất cập. Một số địa phương và Bộ, ngành có quan điểm chưa thống nhất về việc sử dụng mỏ khoáng sản để sản xuất clinker và xi măng, gây ra những rào cản pháp lý khiến doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn nguyên liệu ổn định...

Do đó, để tháo gỡ khó khăn cho ngành xi măng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, các bộ, ngành và doanh nghiệp. Việc đẩy mạnh đầu tư công, phát triển hạ tầng và xem xét lại chính sách thuế xuất khẩu sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời, cải cách thủ tục hành chính trong việc cấp phép khai thác mỏ nguyên liệu là giải pháp quan trọng để đảm bảo nguồn cung ổn định, giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục