Cuộc cạnh tranh lợi ích quyết liệt ở Bắc Cực

06:30' - 18/04/2019
BNEWS Phó Giáo sư tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ Rebecca Pincus nhận định Trung Quốc và Nga có mối quan hệ phức tạp ở Bắc Cực và những chi tiết cụ thể trong mối quan hệ này rất quan trọng đối với Mỹ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP/TTXVN

Bà Rebecca Pincus đã tham dự phiên điều trần hồi tháng Ba vừa qua trước Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung (USCC). Theo đó, bà Pincus đã nêu bật các mục tiêu khác nhau của Trung Quốc và Nga trong khu vực.

Theo bà Pincus, Nga và Trung Quốc có lợi ích đan xen ở Bắc Cực. Đối với Trung Quốc, Nga là “một phương tiện” phục vụ tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, đối với Nga, Trung Quốc đã trở thành “một phương thức” nhằm ứng phó với chiến lược cô lập của phương Tây.

Bà Pincus nêu rõ: " Do đó, dường như có thiên hướng mối quan hệ này chỉ thể hiện ở văn bản giấy tờ và ngôn từ, hơn là đầu tư trên thực tế cho đến nay. Trong khi một số thỏa thuận đã được thực hiện, các cuộc đàm phán khác đã đổ vỡ do những bất đồng quan điểm giữa Trung Quốc và Nga về mối quan hệ song phương ở Bắc Cực.

Sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc là một chương trình quan trọng của Chủ tịch Tập Cận Bình, trong khi Bắc Cực là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Sự kết hợp của hai lĩnh vực trọng tâm này có ý nghĩa quan trọng và có tiềm năng thúc đẩy các mục tiêu quốc gia của hai nước.

Bà Pincus cho hay: "Liệu Nga sẽ cấp cho Trung Quốc quyền ưu đãi trong tiếp cận Tuyến đường biển phía Bắc (NSR) hay không? Và Trung Quốc sẽ đóng vai trò về cơ sở hạ tầng thiết yếu để phát triển NSR?". Tuy nhiên, bất chấp thỏa thuận cấp cao về hợp tác tại Bắc Cực giữa hai nước, vẫn xuất hiện tình trạng quan liêu trong thực hiện sáng kiến này. Bà Pincus nhấn mạnh: “Đến nay, chúng ta chưa nhận thấy mối quan hệ đặc biệt nào phát triển".

Về mặt quân sự, một nghi vấn chủ yếu là mức độ mà Nga sẽ tạo điều kiện để Trung Quốc thâm nhập vào phần phía dưới lớp băng bề mặt của Bắc Cực. Mặc dù Nga đã cung cấp cho Trung Quốc một số vũ khí và kinh nghiệm chuyên môn, nhưng Nga đã cảnh giác khi chuyển giao các công nghệ cao cấp cho phía Trung Quốc. 

Tuy nhiên, các tàu ngầm của Trung Quốc có thể tuần tra Bắc Cực trong thập kỷ tới, và điều đó có thể gây ra căng thẳng trong quan hệ Trung-Nga. Bà Pincus cũng lưu ý rằng nếu một tàu ngầm Trung Quốc xuất hiện ở Bắc Cực trong thời gian tới, có thể trong vòng từ 5 đến 10 năm nữa, điều này sẽ thực sự làm thay đổi cuộc chơi. Đối với Nga, đó sẽ là một môi trường mới thực sự và gây quan ngại với Moskva.

Về mặt chính trị, Trung Quốc đang xây dựng mối quan hệ với tất cả 8 nước Bắc Cực để tăng cường ảnh hưởng đối với các quyết sách trong tương lai của khu vực. Trong khi đó, Nga ít bị tổn thương hơn bởi vì nước này đã trở thành siêu cường Bắc Cực. 

Tuy nhiên, nền kinh tế Nga kém phát triển và mong manh, do đó, điều này sẽ hạn chế sự tự do hành động của Moskva. Bất kỳ sự bất ổn nội tại nào của Nga cũng sẽ liên quan trực tiếp tới việc quản trị Bắc Cực, đây sẽ thực sự là một thách thức đối với “xứ Bạch Dương”.

Đối với Mỹ, Washington can dự vào khu vực Bắc Cực thông qua việc tham gia Hội đồng Bắc Cực và thể hiện vai trò của mình trong việc thành lập Diễn đàn Cảnh sát biển Bắc Cực như một không gian quan trọng để các đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga hợp tác. Tuy nhiên, Mỹ cũng có lợi ích tại Bắc Cực đơn giản là vì Mỹ có lãnh thổ ở khu vực này, điều mà ban đầu các Ủy viên của Hội đồng Bắc Cực chưa được nhận thức đầy đủ.

Bà Kenneth Lewis đặt câu hỏi: "Vai trò của chúng tôi tại Bắc Cực là gì và chúng tôi theo đuổi vai trò của mình như thế nào, bởi vì phải chăng chúng tôi không có lãnh thổ ở Bắc Cực?". Câu hỏi này nhanh chóng được các đồng nghiệp của bà đính chính rằng Mỹ có lãnh thổ tại Bắc Cực và vùng lãnh thổ này nằm tại Alaska. Phó Chủ tịch Hội đồng Bắc Cực Robin Cleveland nói rằng bà cũng dự định tìm hiểu và phân tích về lợi ích của Mỹ ở Bắc Cực, đồng thời nhấn mạnh rằng bà "rất vui khi biết Mỹ có quyền lợi tại Bắc Cực".   

Theo chuyên gia Pincus, một trong những bước đi tiếp theo quan trọng để Mỹ thúc đẩy lợi ích của mình ở Bắc Cực, đó là tài trợ đầy đủ cho chương trình sản xuất tàu phá băng cho Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ. Bà Pincus nhận định rằng nếu không có sự hiện diện thường xuyên tại Bắc Cực, Mỹ sẽ rơi vào thế bất lợi. Chuyên gia này cũng đề nghị tăng cường hợp tác quốc trong khu vực.

Bà Pincus nói: "Điều này rất quan trọng để củng cố mối quan hệ với các đồng minh Bắc Âu của chúng ta trong khu vực, cũng như Canada, để xây dựng một sự đồng thuận và đối thoại chung về Trung Quốc ở Bắc Cực. Chúng ta cần đóng một vai trò định hình trong khu vực này. Đó là sân sau của chúng ta. Chúng ta có lợi ích quốc gia quan trọng sống còn đang bị đe dọa"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục