Indonesia ưu tiên tăng sức đề kháng của nền kinh tế trong năm 2026

15:55' - 02/07/2025
BNEWS Định hướng chính sách kinh tế và tài khóa của Indonesia trong năm 2026 sẽ tập trung vào việc xây dựng và củng cố khả năng phục hồi quốc gia trong bối cảnh bất định toàn cầu.

Tại Phiên họp toàn thể lần thứ 21 của Hạ viện (DPR) ngày 1/7, Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati nhấn mạnh: “Chúng ta không thể và sẽ không bao giờ có thể kiểm soát các điều kiện toàn cầu. Do đó, điều quan trọng là phải tăng cường khả năng tự chủ và sức đề kháng nội tại của nền kinh tế quốc gia”.

Theo bà Sri Mulyani, các chính sách năm 2026 của Indonesia sẽ ưu tiên một số lĩnh vực chiến lược như: tăng cường an ninh lương thực và năng lượng, cải thiện chất lượng giáo dục, thúc đẩy công nghiệp hóa và đạt được các mục tiêu phát triển dài hạn khác. Những ưu tiên này được xem là nền tảng để tăng cường quốc phòng và khả năng thích ứng trong một thế giới ngày càng đa cực và biến động.

 
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng khả năng phục hồi không thể chỉ trông chờ vào các cơ chế thị trường. Trong khi vai trò của khu vực tư nhân là rất quan trọng, chính phủ vẫn cần can thiệp một cách hợp lý để khắc phục những thất bại thị trường, thúc đẩy công bằng xã hội và nâng cao phúc lợi công cộng. Bà nhấn mạnh nguyên tắc cốt lõi là tạo ra lợi ích lớn nhất cho số đông, và các chính sách phải mang lại tác động tích cực đến đời sống của càng nhiều người dân càng tốt.

Chính phủ cũng đặt mục tiêu ngăn chặn việc tập trung quá mức quyền lực kinh tế vào một nhóm nhỏ và bảo đảm rằng tăng trưởng kinh tế được phân phối công bằng, góp phần vào sự thịnh vượng chung.

Về định hướng đối ngoại, bà Sri Mulyani cho biết Tổng thống Prabowo Subianto đã tái khẳng định cam kết duy trì một nền kinh tế mở và thực thi chính sách đối ngoại chủ động. Indonesia sẽ tiếp tục giữ lập trường không liên kết, bảo vệ chủ quyền quốc gia và không đứng về bất kỳ khối quyền lực nào trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục