Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu: Những cơ hội bị bỏ lỡ

05:30' - 10/12/2024
BNEWS Các nhà đàm phán tại COP29 đã không đưa ra được một khuôn khổ có ý nghĩa để loại bỏ dần trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch.

Trang tin của Viện các vấn đề quốc tế AIIA mới đây đăng bài viết nhận định, các cuộc đàm phán tại Hội nghị lần thứ 29 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra tại Baku đã kết thúc trong bối cảnh tình trạng bãi công, biểu tình vẫn đang diễn ra, cùng cảm giác thất vọng quá quen thuộc về những lời hứa tài trợ khí hậu chưa được thực hiện.

Hội nghị thượng đỉnh năm nay đã làm bộc lộ những vấn đề sâu xa trong việc huy động nguồn lực để ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển.

Sự thiếu hụt trong tài trợ khí hậu

Việc các nước phát triển không thể đáp ứng cam kết tài trợ khí hậu phản ánh những khiếm khuyết về mặt cấu trúc trong khuôn khổ COP. Cam kết về việc mỗi năm tài trợ 100 tỷ USD để giải quyết vấn đề khí hậu đã được thống nhất tại COP15 hồi năm 2009. Dù được ca tụng khá nhiều, nhưng những cam kết này chỉ bắt đầu được thực hiện vào năm 2022. Điều đáng nói là gần 70% số tiền này một lần nữa được cung cấp dưới dạng các khoản vay.

 

Tại COP29, các quốc gia giàu có cam kết rằng đến năm 2035, họ sẽ huy động được 300 tỷ USD mỗi năm. Mặc dù con số này đánh dấu sự gia tăng so với các mục tiêu trước đó, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức 1.300 tỷ USD cần thiết để giảm thiểu và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu. Trong khi đó, các quốc gia dễ bị tổn thương - chẳng hạn như các quốc đảo nhỏ - phải đối mặt với thiệt hại do khí hậu gây ra lên tới tương đương 5-10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mỗi năm. Các nước đang phát triển cần tới 900 tỷ USD tiền tài trợ công để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu đang ngày một trầm trọng. Điều này làm nổi bật sự khác biệt giữa kế hoạch của các quốc gia giàu có hơn và nhu cầu tài chính cấp bách của các quốc gia dễ bị tổn thương nhất.

Sự phụ thuộc vào các khoản vay để tài trợ cho thích ứng với biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm những thách thức kinh tế đối với các quốc gia dễ bị tổn thương. Trong thập kỷ qua, các khoản nợ (được sử dụng để giải quyết vấn đề khí hậu) của các quốc gia kém phát triển nhất và các quốc đảo nhỏ đã tăng theo cấp số nhân, khiến nhiều quốc gia rơi vào vòng luẩn quẩn của việc trả nợ, tiêu tốn các nguồn lực dành cho thích ứng và phục hồi. Gánh nặng tài chính này làm gia tăng bất bình đẳng giữa Bắc Bán cầu và Nam Bán cầu, làm suy yếu nguyên tắc công lý khí hậu.

Những cơ hội bị bỏ lỡ

Một trong những thất bại rõ ràng nhất tại COP29 là sự thiếu tiến triển trong việc chuyển hướng các khoản trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch sang tài chính khí hậu. Trợ cấp nhiên liệu hóa thạch toàn cầu hiện lên tới hơn 1.000 tỷ USD mỗi năm, trong khi đầu tư vào hạ tầng nhiên liệu hóa thạch vẫn tiếp tục tăng. Những khoản tiền này có thể được tái sử dụng để thu hẹp khoảng cách về tài chính khí hậu và hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, nhưng ý chí chính trị để thực hiện sự thay đổi này vẫn còn thiếu.

Bất chấp những lời kêu gọi ngày càng tăng từ xã hội dân sự và các quốc gia đang phát triển, các nhà đàm phán tại COP29 đã không đưa ra được một khuôn khổ có ý nghĩa để loại bỏ dần trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch. Các quốc gia giàu có tiếp tục tập trung vào tài chính tư nhân và các giải pháp do thị trường thúc đẩy, vốn không giải quyết được nhu cầu của những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Sự miễn cưỡng trong việc giải quyết tình trạng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch này cho thấy ảnh hưởng cố hữu của các nhóm vận động hành lang ưu tiên lợi nhuận ngắn hạn hơn là sức khỏe lâu dài của hành tinh.

Đô thị hóa và phát thải ngành là những chủ đề chính tại COP29, với các thành phố chiếm gần 80% mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu và hơn 60% lượng khí thải nhà kính. Tuyên bố về Lộ trình hành động đa ngành nhấn mạnh đến quy hoạch đô thị bền vững và hợp tác liên ngành, nhưng lại thiếu các cơ chế thực thi hoặc nguồn tài trợ chuyên dụng. Do đó, các thành phố ở các nước đang phát triển vẫn thiếu vốn, không thể triển khai các biện pháp cơ sở hạ tầng và khả năng phục hồi cần thiết để thích ứng với tác động của khí hậu.

Tương tự, các ngành như giao thông vận tải và du lịch - vốn "đóng góp" đáng kể vào lượng khí thải toàn cầu - không có đủ cam kết tài chính. “Tuyên bố về hành động tăng cường trong ngành du lịch” thừa nhận nhu cầu về tính bền vững, nhưng không nêu rõ các bước thực tế hoặc phân bổ nguồn lực để đạt được các mục tiêu này.

Việc không có lộ trình tài chính rõ ràng làm suy yếu tác động tiềm tàng của những sáng kiến ngành này, khiến nhiều kế hoạch đầy tham vọng bị đình trệ từ giai đoạn khái niệm.

Con đường phía trước của tài chính khí hậu

Những thất bại của COP29 cho thấy nhu cầu cấp thiết phải cải cách hệ thống trong cách huy động và phân bổ tài chính khí hậu. Tài chính công từ các quốc gia giàu phải tăng đáng kể, tập trung vào các khoản tài trợ thay vì các khoản cho vay để tránh làm trầm trọng thêm gánh nặng nợ ở các nước đang phát triển. Cần ưu tiên tài trợ cho việc thích ứng và giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo rằng các nguồn lực đến được với các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất mà không bị chậm trễ.

Các cơ chế sáng tạo như chuyển hướng trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và hoán đổi nợ khí hậu có thể “mở van” nguồn quỹ. Các đề xuất như “Sáng kiến Bridgetown” đưa ra lộ trình thực tế để định hướng lại các hệ thống tài chính toàn cầu theo hướng công bằng và bền vững. Các ngân hàng phát triển đa phương cũng có vai trò quan trọng và tài chính khí hậu của họ phải được mở rộng đáng kể vào năm 2030 để đáp ứng nhu cầu toàn cầu.

Việc tiếp cận tài chính khí hậu cũng phải được hợp lý hóa đối với các quốc gia đang phát triển. Các quy trình quan liêu kéo dài và các điều kiện hạn chế từ lâu đã cản trở việc sử dụng hiệu quả các khoản tiền cam kết. Việc đơn giản hóa quyền tiếp cận và đảm bảo tính minh bạch có thể trao quyền cho các quốc gia dễ bị tổn thương thực hiện các chiến lược khí hậu hiệu quả hơn.

Tương tự, sự tham gia của khu vực tư nhân vẫn rất quan trọng nhưng phải được điều hướng dưới sự giám sát của công chúng để điều chỉnh các khoản đầu tư theo hướng công bằng. Ngoài ra, các mô hình tài chính hỗn hợp có thể bổ sung cho nguồn tài trợ công, nhưng chúng phải ưu tiên các dự án có tác động cao trong năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững và các lĩnh vực quan trọng khác.

Kết quả của COP29 ngụ ý rằng cách tiếp cận hiện tại đối với tài chính khí hậu là không đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng đang leo thang. Một quỹ hàng năm trị giá 300 tỷ USD có thể hoạt động một phần nếu các khoản tiền được giải ngân đúng hạn và đầy đủ.

Để COP30 thành công, cộng đồng quốc tế phải chấp nhận những thay đổi mang tính chuyển đổi. Tài chính khí hậu phải trở thành nền tảng của một phản ứng toàn cầu công bằng và hiệu quả hơn, một phản ứng ưu tiên nhu cầu của những người dễ bị tổn thương nhất, trong khi vẫn buộc các quốc gia giàu có phải chịu trách nhiệm về lượng khí thải trong quá khứ của họ. Đã đến lúc cần có một tầm nhìn mới. Một tầm nhìn đặt công lý, tính cấp bách và trách nhiệm giải trình vào trọng tâm của hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.                                                                                                

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục