Cuộc chiến chống chuyển giá - Bài 1: Diễn biến tinh vi và không ngừng gia tăng

16:37' - 16/10/2018
BNEWS Theo các chuyên gia kinh tế, thời gian gần đây, hoạt động chuyển giá ở Việt Nam diễn ra hết sức tinh vi, phức tạp với nhiều hình thức khác nhau và khó phát hiện.
Cơ quan quản lý phải thích ứng và thay đổi một cách linh hoạt để “bắt kịp” với những hành vi chuyển giá ngày càng tinh vi của các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: TTXVN

Lâu nay, cụm từ chuyển giá được các chuyên gia kinh tế và nhà khoa học nhắc đến khá nhiều tại các hội nghị, hội thảo và thu hút sự quan tâm của dư luận. Thực tế cho thấy, đây không phải là vấn đề mới nhưng cũng chưa bao giờ mất đi tính thời sự.

Thời gian qua, nhiều giải pháp đã được thực hiện nhằm quản lý hoạt động chuyển giá trước bối cảnh hoạt động này diễn ra ở mọi quốc gia, ngành nghề, lĩnh vực và tác động tiêu cực tới mọi nền kinh tế không phân biệt quy mô và trình độ phát triển. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó và không còn cách nào khác là các cơ quan quản lý phải thích ứng và thay đổi một cách linh hoạt để “bắt kịp” với những hành vi chuyển giá ngày càng tinh vi của các doanh nghiệp.

Bài 1: Gian nan cuộc chiến

Theo các chuyên gia kinh tế, thời gian gần đây, hoạt động chuyển giá ở Việt Nam diễn ra hết sức tinh vi, phức tạp với nhiều hình thức khác nhau và khó phát hiện. Điều đáng nói hoạt động này không chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà còn có cả sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước.

Với chủ trương mở cửa hội nhập, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam ngày càng tăng, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước; trong đó, các công ty đa quốc gia luôn chiếm một tỷ trọng đáng kể.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến hết tháng 9/2018, Việt Nam có 26.646 dự án FDI có hiệu lực với tổng vốn đăng ký 334 tỷ USD ở 19/21 ngành nghề; trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tỉ trọng lớn nhất với 57,1% trong tổng vốn đầu tư nước ngoài. Hiện có 129 quốc gia và vùng lãnh thổ đang hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Đến nay, khu vực doanh nghiệp FDI đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, với mức đóng góp khoảng 20% GDP, khoảng 45% sản lượng công nghiệp và 1/4 tổng đầu tư xã hội hàng năm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, khu vực FDI hiện chưa tạo được sức lan tỏa, mức độ đóng góp vào ngân sách nhà nước còn thấp, nhất là các doanh nghiệp FDI luôn báo lỗ và có dấu hiệu lạm dụng chính sách giá chuyển giao nội bộ để chuyển giá quốc tế.

Với việc báo cáo lỗ, đa phần các doanh nghiệp này không phải đóng thuế và hơn thế còn lợi dụng những kẽ hở trong các quy định dành cho doanh nghiệp FDI để đề nghị hoàn thuế… Không dừng lại ở đó, các doanh nghiệp vẫn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh và trở thành thách thức lớn đối với cơ quan thuế.

Theo báo cáo gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có đến 37,9% doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ trong năm 2017. Tình trạng kê khai lỗ tập trung ở các ngành nghề như: chế biến chế tạo, sản xuất hàng may mặc, da giày, sản xuất các mặt hàng gia dụng, bán lẻ, nước giải khát…

Thông tin của Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh cho biết, các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực siêu thị, bán lẻ, nước giải khát đứng đầu danh sách các doanh nghiệp báo lỗ.

Một số báo cáo khác cho thấy có đến 90% số doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực may mặc ở Tp. Hồ Chí Minh có báo cáo tài chính lỗ, trong khi đó hầu hết các doanh nghiệp nội địa hoạt động cùng ngành lại có lãi.

"Điều này thật mâu thuẫn khi nhìn chung các doanh nghiệp nội địa thường được đánh giá có năng lực và lợi thế cạnh tranh thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp FDI cùng ngành”, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Đại học Fulbright Việt Nam nhận định.

PGS, TS Lê Xuân Trường, Trưởng Khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính nhận định: "Không phải ngẫu nhiên trong giai đoạn 2015 – 2017, có khoảng 50% doanh nghiệp FDI đang hoạt động kinh doanh ở Việt Nam kê khai lỗ; trong đó có nhiều doanh nghiệp kê khai lỗ nhiều năm liền. Tất nhiên có thể có trường hợp lỗ thật và số lỗ này có nhiều nguyên nhân, nhưng không loại trừ khả năng chuyển giá. Bởi nếu đó là lỗ thực sự thì không thể có chuyện các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục gia tăng đầu tư vào Việt Nam”.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của “kinh tế chia sẻ” và Cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh hưởng trực tiếp đến phương thức sản xuất và phân phối giữa các chủ thể kinh tế, hoạt động chuyển giá đang diễn biến tinh vi, phức tạp và không ngừng gia tăng, TS Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết.

Không chỉ các doanh nghiệp FDI mà đến nay có khá nhiều doanh nghiệp nội địa có dấu hiệu của việc chuyển giá làm thất thu ngân sách nhà nước, điển hình như trường hợp của Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco)

Theo ông Trần Khánh Hòa, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Kiểm toán Nhà nước, qua kiểm toán đã phát hiện các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về chuyển giá hoặc sử dụng chuyển giá để trốn thuế. Kiểm toán Nhà nước kiến nghị truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt của Sabeco cho niên độ ngân sách năm 2013 là 408 tỷ đồng; Habeco cho niên độ ngân sách 2014 và 2016 là 1.361 tỷ đồng.

Ngoài ra, dựa trên kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan thanh tra khác đã tiến hành kiểm tra và đến nay con số kiến nghị truy thu đối với Sabeco lên tới hơn 4.700 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước xác định, Sabeco và Habeco tiêu thụ bia thông qua các công ty con và đại lý các cấp đến nhà hàng trước khi đến tay người tiêu dùng và sử dụng giá bán cho các công ty con thấp hơn so với giá bán đến tay người tiêu dùng để kê khai tính thuế tiêu thụ đặc biệt.

“Dưới góc độ pháp lý, việc kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Sabeco có thể xem như đã gián tiếp chỉ ra một lỗ hổng trong việc quản lý thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định hiện hành”, TS Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước nhận định.

PGS, TS Lê Xuân Trường, Trưởng Khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính cho rằng, có thể có một số không nhỏ các doanh nghiệp khác cũng đã thực hiện hành vi chuyển giá nội địa, nhưng chưa được kiểm tra, phát hiện và xử lý bởi các quy định về thuế suất ưu đãi và miễn giảm thuế có thời hạn là cơ sở để các doanh nghiệp trong nước thực hiện hành vi chuyển giá.

Theo đó, hình thức chuyển giá tại nhóm công ty liên kết trong nước là công ty mẹ sau khi trúng thầu, ký hợp đồng có giá sản xuất, dịch vụ cao đã giao lại phần lớn giá trị hợp đồng (giá cao) cho các công ty con đang hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp do mới thành lập hoặc đang hoạt động ở địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn./.

>>> Cuộc chiến chống chuyển giá - Bài 2: Hệ lụy khó lường

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục