Chống chuyển giá: Bài 1 - Cuộc chiến mới

09:39' - 21/02/2017
BNEWS Chuyển giá không chỉ làm thất thu ngân sách Nhà nước, mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Bên cạnh những doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách pháp luật thuế, vẫn còn tình trạng doanh nghiệpkê khai không đúng nghĩa vụ thuế phát sinh, có dấu hiệu chuyển giá để tránh thuế. Ảnh:Hoàng Hùng/TTXVN

Bài 1: "Cuộc chiến" mới

Hà Nội là địa phương có số lượng lớn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ở nhiều lĩnh vực. Theo Cục Thuế Hà Nội, trên toàn địa bàn thành phố có 3.164 doanh nghiệp FDI với tổng vốn đầu tư 70.019 tỷ đồng.

Phần lớn các doanh nghiệp FDI tuân thủ tốt chính sách thuế, đóng góp tích cực số thu cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách pháp luật thuế, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp kê khai không đúng nghĩa vụ thuế phát sinh, có dấu hiệu chuyển giá để tránh thuế.

Thủ đoạn tinh vi

Theo Chuyên gia, Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Minh Phong, về bản chất, chuyển giá là hành vi thực hiện chính sách khai giấu chi phí, doanh thu và lãi thực để giảm thu nhập chịu thuế và nghĩa vụ nộp thuế, tối đa hoá lợi nhuận của doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, hiện nay có rất nhiều thủ đoạn tinh vi để doanh nghiệp chuyển giá. Một số tập đoàn kinh tế trong nước và liên doanh đã lợi dụng chính sách ưu đãi thuế theo ngành nghề và địa bàn đầu tư, thành lập một số công ty con hoạt động tại nhiều địa bàn khác nhau để chuyển lợi nhuận trước thuế từ nơi không được ưu đãi thuế sang nơi được ưu đãi thuế, làm giảm hiệu quả chính sách quản lý nhà nước và méo mó thị trường.

Cách khác, các nhà đầu tư nước ngoài thường góp vốn vào doanh nghiệp trong nước bằng máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu hoặc đã khấu hao hết nhưng được đẩy giá lên rất cao so với giá trị thực. Bằng cách này đã giúp nâng khống giá trị vốn góp, gây thất thu cho ngân sách và bất lợi cho doanh nghiệp trong nước.

Một hình thức chuyển giá khác được các doanh nghiệp FDI áp dụng là bán hàng hóa, nguyên vật liệu cho các bên có quan hệ liên kết với giá thấp hơn nhiều so với giá bán cho các bên không có quan hệ liên kết.

Đây là hành vi phổ biến nhất, bởi với lợi thế nắm giữ phần vốn lớn tại các doanh nghiệp Việt Nam, bên liên kết nước ngoài có quyền định đoạt giá chuyển giao hàng hóa, nguyên liệu để chuyển được nhiều lợi nhuận trước thuế ra nước ngoài.

Cục Thuế Hà Nội cho biết, có một số nguyên nhân dẫn đến hoạt động chuyển giá của doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn Hà Nội. Đó là, có sự chênh lệch về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp giữa Việt Nam với một số quốc gia trên thế giới; có ưu đãi thuế giữa các ngành nghề, lĩnh vực trong cùng quốc gia tạo ra những “vùng trũng” khi thực hiện nghĩa vụ thuế.

Mặt khác, các doanh nghiệp FDI lợi dụng quyền tự định đoạt giá mua, giá bán, nên đã xuất hiện tình trạng mua lỗ của các công ty không có quan hệ liên kết nhằm giảm số thuế phải nộp.

Điển hình như vụ việc Công ty TNHH Keangnam Vina (Hàn Quốc) mấy năm trước, khi xây dựng một số công trình trên địa bàn Hà Nội nhưng liên tục kêu lỗ, không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trước sự bất thường này, Cục Thuế Hà Nội và Tổng cục Thuế đã đưa doanh nghiệp trên vào "tầm ngắm". Từ đó lần lượt đưa ra những chứng cứ, chứng tỏ doanh nghiệp chuyển giá. Kết quả, doanh nghiệp này đã phải nộp cả trăm tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp cho nhà nước.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn khi đối phó với nhiều mánh khóe, thủ đoạn để chống chuyển giá, nhưng thời gian qua Cục Thuế Hà Nội đã tích cực đấu tranh với hình thức gian lận thuế mới. Kết quả trong 3 năm qua, tính từ năm 2013 Cục Thuế Hà Nội đã kiểm tra 119 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá. Theo đó, truy thu, xử phạt và giảm lỗ 761 tỷ đồng.

Cục Thuế Hà Nội nhìn nhận, yếu tố quyết định trong đấu tranh để điều chỉnh giá các giao dịch liên kết phụ thuộc rất lớn vào cơ sở dữ liệu về giá các loại hàng hóa, dịch vụ giao dịch thông thường trên thị trường, về tỷ suất lợi nhuận trong cùng lĩnh vực, ngành nghề và quan hệ hợp tác quốc tế về thuế trong việc phối hợp quản lý và chia sẻ thông tin.

Bên cạnh đó, kỹ năng phân tích, đánh giá và mức độ am hiểu về ngành nghề, lĩnh vực của cán bộ làm thanh tra là rất quan trọng.

Thiếu cơ sở dữ liệu quản lý doanh nghiệp

Cục Thuế Hà Nội cho biết, để chống chuyển giá thì phải nhận diện, xây dựng cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp tập trung để quản lý. Tuy nhiên, việc xác định các doanh nghiệp có quan hệ liên kết thực sự gặp nhiều khó khăn do việc thu thập thông tin.

Bởi hiện tại, việc này chủ yếu phải dựa vào thông tin trên hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp. Song thực tế, thông tin về doanh nghiệp trên hệ thống cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế rất hạn chế.

Với số doanh nghiệp FDI lên tới hơn 3.000, nhưng Cục Thuế Hà Nội mới quản lý trên 1.000 doanh nghiệp có kê khai thông tin giao dịch liên kết.

Quá trình thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp, khi thấy có dấu hiệu chuyển giá thì các đoàn thanh tra mới bắt đầu đi thu thập tìm kiếm các giao dịch độc lập và tỷ suất lợi nhuận để so sánh. Điều này đặc biệt khó khăn khi giao dịch liên kết là giao dịch với bên nước ngoài và sản phẩm dịch vụ có tính chất đặc thù.

Về việc này, ông Nguyễn Thế Mạnh, Phó Tổng cục trưởng kiêm Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội chia sẻ, có một cái khó là kiến thức kinh tế ngành, kỹ năng của cán bộ thuế trong đấu tranh chống chuyển giá còn hạn chế.

Để lựa chọn được phương pháp xác định giá phù hợp đòi hỏi cán bộ phải có kinh nghiệm, kỹ năng, phải có kiến thức ngoại ngữ, tin học, kiến thức kinh tế ngành. Nhưng hiện nay hầu hết các cơ quan thuế chưa có những chuyên gia kinh tế, kĩ thuật giỏi, hiểu biết sâu rộng về các ngành kinh tế, đặc biệt là những ngành đặc thù, phức tạp, sản phẩm dịch vụ có hàm lượng chất xám cao.

Cùng với đó là chưa có nhiều cán bộ thanh tra vừa có kiến thức sâu về nghiệp vụ thuế vừa có trình độ về công nghệ thông tin nên khi thực hiện việc phân tích hoạt động, phân tích việc xác định giá chuyển nhượng của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết còn nhiều khó khăn. Đây là vấn đề rất cần chú trọng trong giải pháp đào tạo cán bộ thanh tra trong lĩnh vực này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục