Cuộc chiến chống chuyển giá - Bài 3: “Sống chung”... nhưng không khoan nhượng

17:03' - 16/10/2018
BNEWS Chuyển giá được xem như cuộc đấu tranh giữa một bên là mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận, giá trị cổ đông của các doanh nghiệp và một bên là các cơ quan thuế với mục tiêu bảo vệ quyền lợi của quốc gia.

Theo các chuyên gia, cuộc đấu tranh này sẽ khó kết thúc khi vẫn còn những lỗ hổng, bất cập trong chính sách thuế hoặc thiếu kiểm soát vốn của các quốc gia.

Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài Chính, Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh, khi luật pháp còn kẽ hở, các doanh nghiệp sẽ tận dụng kẽ hở đó để tối thiểu hóa số thuế phải nộp cũng không thể coi là phạm pháp, vì phạm pháp luật. Cuộc chiến này phải thực hiện hàng ngày và các ngành chức năng phải nghiên cứu, rà soát hay nói khác, luật "hở" chỗ nào thì "vá" chỗ đó, thường xuyên bổ sung, sửa đổi để nâng cao tính nghiêm minh của pháp luật. Tiếp đến là câu chuyện chấp hành pháp luật bởi luật đã chặt chẽ thì việc chấp hành cũng phải nghiêm và không có vùng cấm.

Phải có chế tài xử phạt theo hướng tăng mức phạt và hình thức phạt so với quy định hiện hành. Ảnh minh họa: TTXVN

Để làm được điều này, đối với các trường hợp chuyển giá phải có chế tài xử phạt theo hướng tăng mức phạt và hình thức phạt so với quy định hiện hành để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Hiện nay, nhiều quốc gia có chế tài xử phạt nặng đối với hành vi chuyển giá.

Ví như ở Australia, số tiền phạt bằng 50% số thuế tránh được nếu công ty trả thuế sử dụng giá chuyển nhượng với mục đích nhằm giảm thiểu số thuế phải nộp; phạt 25% số thuế tránh được nếu công ty trả thuế sử dụng giá chuyển nhượng nhằm các mục đích khác.

Tại Ấn Độ, cơ quan thuế địa phương có thể ấn định mức phạt lên đến 300% so với mức chênh lệch về số thuế phải nộp (giữa số thuế do công ty trả thuế khai báo và số thuế do cơ quan thuế tính lại).

Các công ty trả thuế được yêu cầu tính trước thu nhập chịu thuế trong một năm và có nghĩa vụ phải nộp thuế trước. Trường hợp không hoàn thành nghĩa vụ này thì khoản chậm nộp phải chịu lãi suất 18%/năm.

Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị Tài chính quốc tế, Khoa Tài chính quốc tế, Học viện Tài chính, các doanh nghiệp có nhiều cách thức khác nhau và có nhiều cách chuyển giá.

Các hình thức chuyển giá thường khó phát hiện. Ví như đi vay cũng có thể là chuyển giá, cho vay cũng phát sinh chuyển giá, chuyển giá trong hoạt động đầu tư mua bán... Các hình thức chuyển giá này rất khó phát hiện vì đó là hoạt động diễn ra hàng ngày trong cuộc sống.

Đơn cử, một doanh nghiệp mua, bán hàng hóa và hóa đơn mua bán được nâng lên khiến thương vụ đó có thể lỗ, nhưng lỗ chỗ này thì doanh nghiệp lại thu được lãi chỗ khác do hoạt động chuyển giá. Đặc biệt, khi cộng dồn các thương vụ có lãi, doanh nghiệp sẽ giảm thiểu tối đa số tiền thuế phải đóng.

Vị chuyên gia kinh tế này cho rằng, chống chuyển giá là cuộc chiến lâu dài và khó khăn, không chỉ các nước chậm phát triển mà ngay cả các nước phát triển vẫn “sống chung với chuyển giá”.

“Sống chung” bằng cách phải từng ngày, từng giờ hoàn thiện, phát hiện các hình thức chuyển giá khác nhau thông qua giám sát hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

“Sống chung không có nghĩa là chúng ta chấp nhận nó”, ông Thịnh nói.

Thực tế, tại Việt Nam, thời gian qua cơ quan thuế các cấp đã nỗ lực trong kiểm soát hoạt động chuyển giá và đã đạt được những kết quả quan trọng. Năm 2017, cơ quan thuế các cấp đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 734 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt 2.270,58 tỷ đồng; giảm lỗ 7.416,54 tỷ đồng; điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 4.134,73 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài Chính, từ đầu năm đến tháng hết 7/2018, cơ quan thuế cả nước đã thực hiện trên 30.200 cuộc thanh tra, kiểm tra thuế, kiến nghị xử lý thu vào ngân sách nhà nước gần 5.800 tỷ đồng (số đã nộp vào ngân sách nhà nước là 2.600 tỷ đồng); chống chuyển giá giảm lỗ trên 9.000 tỷ đồng.

Theo PGS, TS Lê Xuân Trường, Trưởng Khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính, nỗ lực đầu tiên đáng ghi nhận của các cơ quan quản lý nhà nước thời gian qua là việc đã thiết lập và dần dần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chống chuyển giá, tạo những cơ sở nhất định cho hoạt động của ngành thuế trong đấu tranh chống chuyển giá của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI.

Sự ra đời của Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ hơn, chặt chẽ hơn và tiến gần hơn với các thông lệ quốc tế trong kiểm soát chuyển giá.

Trên nền tảng pháp lý đó, về mặt tổ chức, đến nay đã thành lập Phòng thanh tra giá chuyển nhượng (Vụ Thanh tra Tổng cục Thuế) và Phòng thanh tra giá chuyển nhượng tại một số Cục thuế như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai.

Một trong những biện pháp quan trọng trong thực tiễn chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI là tập trung thanh tra các doanh nghiệp liên tục kê khai lỗ kéo dài mà vẫn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Hiện nay, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) cũng đang được thảo luận và xin ý kiến các Bộ, ngành, doanh nghiệp, chuyên gia...

Theo dự thảo, cơ quan thuế sẽ ấn định thuế trong trường hợp doanh nghiệp thực hiện các giao dịch không đúng với bản chất kinh tế, không đúng thực tế phát sinh; doanh nghiệp sẽ bị xử phạt 20% trên số tiền thuế khai thiếu, số tiền thuế được hoàn trong trường hợp đã lập hồ sơ xác định giá thị trường hoặc đã lập tờ khai giao dịch liên kết theo đúng quy định về xác định giá thị trường đối với giao dịch liên kết, nhưng cơ quan quản lý thuế, cơ quan có thẩm quyền khi thanh tra, kiểm tra kết luận số liệu thanh tra, kiểm tra khác với số liệu đã khai của người nộp thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp…

Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cho biết, một trong những nội dung nổi bật của Dự thảo Luật là đưa các quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết để phòng, chống chuyển giá.

Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã luật hóa một số nguyên tắc cơ bản về giao dịch liên kết đã được quy định tại Nghị định số 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Cụ thể, bổ sung nguyên tắc quản lý thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết; nguyên tắc áp dụng cơ chế đơn giản hoá trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết đối với người nộp thuế có quy mô nhỏ, rủi ro thấp; nghĩa vụ cung cấp hồ sơ, thông tin dữ liệu đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết; quy định về trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế Việt Nam và cơ quan thuế nước ngoài phục vụ công tác quản lý giá chuyển nhượng đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết.

Ông Hoàng Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam cho rằng, hiện nay quá trình xây dựng hành lang, cơ sở pháp lý về giá chuyển nhượng đã phù hợp hơn so với yêu cầu thực tiễn và các thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, để xây dựng một hệ thống quản lý thuế hiện đại, hiệu quả, minh bạch, cần thiết phải có sự phối hợp và thực hiện hiệu quả các giải pháp từ phía doanh nghiệp cũng như cơ quan thuế.

Cơ quan thuế cần thiết xây dựng quy trình tranh tra, kiểm tra giá chuyển nhượng bài bản, xem xét tăng thời gian của mỗi cuộc thanh tra, kiểm tra lên 90 ngày (thay vì 30 ngày như hiện nay), xây dựng, áp dụng hệ thống cơ sở dữ liệu nội bộ và cơ sở dữ liệu thương mại minh bạch, thống nhất giữa các cơ quan chức năng của Việt Nam để tăng cường sự phối hợp đồng bộ cho mục đích quản lý rủi ro cũng như trong quá trình tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra vấn đề giá chuyển nhượng, ông Dương kiến nghị.

Đồng thời, các cơ quan quản lý cần thực hiện các chính sách quản lý giá chuyển nhượng thận trọng và xem xét quy trình nội bộ về quản lý giao dịch liên kết trong quá trình đưa ra quyết định đầu tư.

Về phía doanh nghiệp, để hạn chế rủi ro cần tuân thủ các quy định về việc lập và lưu giữ Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết, các kê khai đầy đủ các giao dịch liên kết và đề cao vấn đề chất lượng trong việc chuẩn bị những tài liệu này.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đánh giá cấu trúc doanh nghiệp và các rủi ro tiềm ẩn liên quan đến nguyên tắc mới cũng như xem xét phương pháp xác định giá tính thuế như một lựa chọn thay thế cho các quy định về việc lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết theo Nghị định Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (Nghị định 20)."/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục