Cuộc chiến giá dầu tác động thế nào tới các nền kinh tế châu Á?

07:02' - 19/03/2020
BNEWS Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ hai thế giới và là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, hầu như không hưởng lợi gì từ việc giá dầu giảm.
Cơ sở khai thác dầu thô. Ảnh: Benzinga/TTXVN

 Theo tờ Nikkei Asia Review, thông thường, mức giảm lịch sử hơn 30% của giá dầu do sự thiếu thống nhất trong liên minh các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt sẽ là một cú hích đối với các nền kinh tế mới nổi ở châu Á đang "khát" năng lượng và phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu. Việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) không đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng với Nga có thể dẫn tới sự gia tăng mạnh mẽ của nguồn cung.

Tuy nhiên, điều này không xảy ra tại thời điểm hiện nay khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc vào đầu năm nay và đã đang lan rộng ra khắp thế giới trở thành đại dịch.

Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ hai thế giới và là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, hầu như không hưởng lợi gì từ việc giá dầu giảm. Do phần lớn các ngành công nghiệp, thương mại và du lịch ở trong và ngoài nước đang bị tê liệt vì các biện pháp cách ly và phong tỏa. Nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc đã giảm 15% (khoảng 2 triệu thùng/ngày).

Hàn Quốc - một nước láng giềng của Trung Quốc – cũng đang bị tác động mạnh bởi dịch COVID-19 khi có số lượng người nhiễm virus SARS-CoV-2 nằm trong nhóm cao trên thế giới.

Trong khi đó, hoạt động sản xuất, thương mại và du lịch đang bị gián đoạn ở khắp Đông Nam Á, khu vực vốn có sự phụ thuộc lớn vào Trung Quốc và các chuỗi cung ứng của nước này. Giá dầu thấp có thể sẽ giúp giảm bớt áp lực đối với các nền kinh tế này, nhưng lại không phù hợp với tình hình hiện nay khi dịch COVID-19 đang gây ra nhiều hậu quả nặng nề.

Các nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ như Australia, Indonesia, Malaysia, Brunei và Việt Nam sẽ bị thiệt hại do nguồn thu giảm, ngân sách cạn kiệt, trong khi các công ty khai thác dầu cũng bị thiệt hại.

Trong bối cảnh các nền kinh tế bị tác động mạnh nhất ở châu Á đang mạnh tay nới lỏng chính sách tiền tệ và thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế khác nhằm hạn chế các tác động của dịch bệnh, sự kết hợp giữa chính sách tiền tệ lỏng và giá dầu thấp có thể làm cho áp lực thiểu phát trở nên tồi tệ hơn.

Bên cạnh đó, việc giá dầu giảm có thể sẽ không giúp kích thích chi tiêu cá nhân khi mà đà tăng trưởng kinh tế đang suy yếu.

Nguy cơ dài hạn của cuộc chiến giá dầu là các công ty dầu mỏ trên khắp thế giới có thể sẽ cắt giảm hơn nữa các khoản đầu tư cho thăm dò dầu khí sau khi đã giảm ngân sách cho các hoạt động này kể từ sau cú sốc giá dầu giai đoạn 2014-16.

Sự gia tăng về nguồn cung dầu thô và khí đốt từ Mỹ, vốn đang giúp châu Á giảm bớt các rủi ro về địa chính trị ở Trung Đông, có thể sẽ mất đi khi các công ty dầu đá phiến của Mỹ buộc phải cắt giảm chi tiêu.

Với tư cách là trung tâm tiêu thụ dầu mỏ với tốc độ tăng trưởng nhanh, châu Á sẽ phải hứng chịu thiệt hại lớn nhất trong vòng một hoặc hai thập kỷ tới nếu năng lực sản xuất dầu mỏ của thế giới giảm nhanh hơn so với tốc độ gia tăng của các nguồn cung năng lượng thay thế.

Cuối cùng, hiện tại, vẫn chưa rõ liệu Nga và Saudi Arabia có thực sự dấn thân vào một cuộc chiến về giá hay sẽ quay lại bàn đàm phán. Những kịch bản khác nhau sẽ mang lại kết quả khác nhau. Các chính phủ ở châu Á vẫn chưa biết chính xác giá dầu sẽ biến động như thế nào để đưa ra ước tính về ngân sách.

Mặc dù Saudi Arabia và Nga đã bước vào cuộc chiến toàn diện về giá dầu một vài ngày sau khi các bộ trưởng hai nước không đạt được thỏa thuận ở Vienna hôm 6/3, nhưng hai nước có thể sẽ thay đổi ý kiến. Cả hai đang phải hứng chịu áp lực từ các nhà sản xuất dầu mỏ khác trong liên minh đòi đưa ra một chiến lược điều hành thị trường và phối hợp trong việc cắt giảm sản lượng.

Các nước có ảnh hưởng lớn đã nỗ lực hình thành một liên minh không chính thức giữa OPEC và 10 nước sản xuất dầu mỏ ngoài OPEC kể từ năm 2017 nhằm đối phó với tình trạng dư cung trên toàn cầu và mang lại sự ổn định cho thị trường dầu mỏ.

Liên quan tới các cuộc họp ở cấp bộ trưởng vào tuần trước, nhiều người đã dự báo trước các khác biệt về quan điểm giữa Saudi Arabia và Nga. Mặc dù vậy, họ không dự báo được lập trường cứng rắn của các bên.

Saudi Arabia và các nước thành viên OPEC đã nhất trí cắt giảm 1 triệu thùng dầu/ngày với điều kiện Nga và các nước khác ngoài OPEC phải cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày trong thời gian từ nay tới cuối năm 2020. Saudi Arabia cho rằng đó là giải pháp thích hợp để đối phó với sự sụt giảm về nhu cầu dầu mỏ do tác động của dịch COVID-19.

Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ đề xuất đó và chỉ đồng ý tiếp tục duy trì hạn mức khai thác hiện nay tới quý II/2020 với lý do vẫn chưa rõ về dịch bệnh và tác động của nó tới nền kinh tế.

Sự khác biệt về quan điểm này khiến cho hai bên không đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, khác với các lần trước đó, khi hai bên nỗ lực thương lượng để đạt được sự thỏa hiệp, lần này, họ đã lao ngay vào một cuộc chiến và kết quả là liên minh này đã chấm dứt.

Thị trường dầu mỏ đã rơi vào tình trạng hoảng loạn, các nhà đầu tư bắt đầu bán tháo mặc dù giá dầu thô đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi từ các mức thấp, với hy vọng rằng có thể có sự thay đổi về quan điểm.

Tại sàn giao dịch hàng hóa New York, giá dầu West Texas Intermediate giao tháng Tư kết thúc phiên ngày 17/3 ở mức 26,95 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng Năm cũng đóng cửa ở mức 28,73 USD/thùng tại Sàn London ICE Futures.

Nếu giá dầu tiếp tục duy trì ở mức hiện nay hoặc giảm trong một giai đoạn nhất định, các nhà hoạch định chính sách ở châu Á cần phải cảnh giác. Tình hình này đòi hỏi phải có cái đầu lạnh và sự ứng phó một cách thận trọng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục