Cái giá của cuộc chiến giá dầu đối với kinh tế thế giới

05:00' - 16/03/2020
BNEWS Nếu cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Saudi Arabia tiếp tục diễn ra, hậu quả đối với kinh tế toàn cầu và các thị trường thế giới có thể tồi tệ hơn tác động do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung gây ra.
Nhà máy lọc dầu ở Haradh, Saudi Arabia. Ảnh: AFP/TTXVN

Tờ Straits Times đăng bài bình luận của tác giả Ovais Subhni nhận định, việc giá dầu rớt mạnh dường như không chắc chắn có thể giúp thúc đẩy mạnh mẽ sự lan rộng nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ trên toàn cầu.

Thay vào đó, bất kỳ lợi ích về mặt chi phí nào mà các nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn - các nền kinh tế hoặc các tập đoàn doanh nghiệp - có được sẽ nhanh chóng bị cuốn phăng bởi những biến động thị trường tín dụng và sự mất giá của tiền tệ.

Nếu cuộc “chiến tranh” giá dầu mỏ giữa Nga và Saudi Arabia tiếp tục diễn ra, những hậu quả đối với kinh tế toàn cầu và các thị trường trên toàn thế giới có thể sẽ chuyển sang tình trạng thậm chí còn tồi tệ hơn những hậu quả do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc gây ra.

Những phản ứng của thị trường ngày 9/3 trên khắp các thị trường chứng khoán toàn cầu khi giá dầu thô Brent sụt giảm kỷ lục chỉ trong một ngày đã là minh chứng rõ nét cho vấn đề này. Cổ phiếu của Toyota Motor đã sụt giảm 4,4%, trong khi cổ phiếu của hãng hàng không Singapore Airlines mất đi 4,5%. Cả hai công ty này thường đều được hưởng lợi lớn từ việc giá dầu hạ thấp.

Giá nhiên liệu thấp sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng các phương tiện chạy bằng xăng, trong khi giá nhiên liệu chiếm phần chi phí lớn nhất của các hãng hàng không. Tuy nhiên, khi nhu cầu đi lại và du lịch đang trong tình trạng “tụt áp” - thủ phạm hàng đầu hiện nay là dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 - thì không có sự tiết kiệm chi phí nào có thể bù đắp được.

Đối với Toyota, đây là sự bắt đầu, khởi nguồn của nhiều vấn đề đồng thời xảy ra. Hãng chế tạo ô tô Nhật Bản này - thuộc trong số những nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới - đã phải chịu sức ép ngày càng lớn hơn khi mà sự tăng giá trị gần đây của đồng yen Nhật đối với đồng USD diễn ra ngày càng nhanh hơn.

Tháng trước, giá đồng USD đã đảo chiều đi xuống trong bối cảnh sự bùng phát dịch COVID-19 bắt đầu lan rộng ra bên ngoài Trung Quốc. Đồng đôla Mỹ đã đi xuống hơn nữa sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản tới 50 điểm cơ bản. Từ ngày 20/2 đến nay, đồng yen Nhật Bản đã tăng tới 10% so với đồng USD.

Đồng USD được định giá tương đối cao - tương tự như đầu năm nay - được xem là điều kiện thuận lợi cho những nước xuất khẩu châu Á bị ảnh hưởng nặng nề từ những sự gián đoạn chuỗi cung ứng và những thiệt hại, mất mát từ yếu tố tiêu dùng cá nhân trong bối cảnh bùng phát dịch COVID-19. 

Sự gia tăng giá trị đồng tiền nội tệ trên toàn khu vực châu Á - một trung tâm trung chuyển của các quốc gia xuất khẩu - xuất phát từ việc đồng USD yếu đi sẽ cuốn phăng tất cả những lợi ích kinh tế của việc nhập khẩu dầu mỏ giá rẻ.

Châu Á là khu vực nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, trong đó Trung Quốc là nước tiêu thụ lớn nhất, sau đó đến Nhật Bản và Ấn Độ. Sự rớt giá của đồng đô la Mỹ có thể diễn ra nhanh chóng hơn, nếu cú sốc giá dầu sụt giảm “chạm tới” thị trường trái phiếu lợi suất cao của Mỹ, nơi lãi suất cao hơn nhiều so với trái phiếu tiêu chuẩn trong thời gian đáo hạn tương tự.

Những người vay dễ bị tổn thương nhất trong thị trường này - hay còn được gọi là thị trường trái phiếu rủi ro cao - chính là các công ty năng lượng quy mô nhỏ hơn của Mỹ đã và đang phải vay nợ để “tiếp sức” cho các hoạt động khai thác dầu mỏ sử dụng kỹ thuật công nghệ nứt vỡ thủy lực (fracking) của mình. Những rủi ro tín dụng hoặc nguy cơ phá sản trong lĩnh vực năng lượng - do yếu tố giá dầu giảm - có thể thúc đẩy những nhu cầu tín dụng trong ngắn hạn.

Điều đó có thể dẫn đến việc khiến cho chi phí vay ngắn hạn trở nên “đắt đỏ” đối với các công ty vẫn đang ổn định và cần có sự hỗ trợ về dòng vốn lưu động và dòng tiền để vượt qua những thách thức hiện tại.

Viễn cảnh như vậy sẽ làm tăng nguy cơ diễn ra một đợt suy thoái kinh tế toàn diện. Đồng thời nó cũng làm tăng khả năng (Fed) cắt giảm lãi suất sâu hơn, khiến "đồng bạc xanh" dễ bị tổn thương hơn đối với xu hướng suy giảm.

Sự biến động tỷ giá các đồng tiền có thể được ví như một cú đánh mạnh khác đối với khu vực châu Á. Điều này diễn ra vào thời điểm đã có những tín hiệu chưa thực sự rõ nét cho thấy sự bùng phát dịch bệnh đang được giảm bớt trong khu vực.

Tốc độ lây nhiễm được nhìn nhận như là đã đạt đỉnh ở Trung Quốc và Hàn Quốc, trong khi đó Trung Quốc cũng đang khôi phục lại sản xuất và phục hồi các chuỗi cung ứng. Tỷ lệ lây nhiễm được coi là cao nhất ở Trung Quốc và Hàn Quốc - và Trung Quốc cũng đang nối lại hoạt động sản xuất và khôi phục chuỗi cung ứng.

Ngay cả những hành động chính sách được định hướng tốt cũng đã gây ra những lo sợ đối với người dân nói chung và các nhà đầu tư nói riêng hơn cả những tác động thực sự về nguy cơ đảm bảo sức khỏe mà dịch bệnh này gây ra.

Những phản ứng ban đầu khá nhiệt tình của Chính phủ Trung Quốc để ngăn chặn dịch bệnh là một trường hợp điển hình. Việc đưa một khu vực 60 triệu người dân vào vùng kiểm dịch cách ly được coi là rất hà khắc, bởi biện pháp này là sự tự cắt giảm năng lực sản xuất công nghiệp và hạn chế tiêu dùng tư nhân.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ngay sau khi công bố quyết định hạ lãi suất khẩn cấp, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng "cắt giảm lãi suất sẽ không làm giảm tỷ lệ lây nhiễm" và nó sẽ "không giải quyết được chuỗi cung ứng đã bị phá vỡ”.

Có thể nói, Nga và Saudi Arabia đã chọn thời điểm không thể tồi tệ hơn để “chiến tranh” đối với các đề xuất cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ, sau gần 4 năm đồng tâm hiệp lực ổn định giá dầu. Người ta kỳ vọng hai nước sản xuất dầu mỏ lớn này sẽ sớm nhận ra cái giá phải trả từ cuộc chiến giá dầu này và đi tới một sự thỏa hiệp trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục