Cuộc chiến giữa tiền điện tử và tiền pháp định đã bắt đầu?

06:30' - 29/05/2021
BNEWS Trong bài viết trên trang thông tin Tài chính-Đầu tư của Cộng hòa Czech, chuyên gia phân tích Zbyněk Kalousek nhận định, những ngày gần đây thị trường tiền điện tử xuất hiện sự hỗn loạn.

Những phát biểu của tỷ phú Elon Musk đã ảnh hưởng tiêu cực đến giá các đồng tiền điện tử, sau đó Trung Quốc nhanh chóng đưa ra các biện pháp kiểm soát giao dịch tiền kỹ thuật số, khiến tình hình trở nên xấu đi. Các quan chức của Mỹ cũng công bố các quy định liên quan đến tiền điện tử.

Mỗi động thái đều phản ánh lên giá trị của tiền điện tử trên thị trường mặc dù các hạn chế của Mỹ có ảnh hưởng ít nhất. 

Điều này là do quy định mới của Mỹ không can thiệp trực tiếp vào giao dịch tiền điện tử, nhưng yêu cầu Sở Thuế vụ nước này (IRS) báo cáo tất cả các giao dịch vượt quá 10.000 USD. Biện pháp này được những người sở hữu tiền điện tử coi là nỗ lực để thiết lập giám sát hoạt động giao dịch của họ và ngăn chặn chức năng chính của tiền điện tử là tính độc lập.

Giá trị của đồng Bitcoin, cùng với các đồng tiền điện tử khác, đã giảm mạnh trong tuần trước. Bitcoin hiện được giao dịch với giá khoảng 39.000 USD. Tâm lý của nhà đầu tư bị ảnh hưởng mạnh bởi các tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc về việc cấm các hoạt động khai thác và giao dịch tiền điện tử ở nước này. Việc này đã được Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tuyên bố tại cuộc họp của Ủy ban Ổn định và Phát triển Tài chính của Quốc vụ viện.

Việc Trung Quốc có các biện pháp hạn chế hoạt động khai thác Bitcoin trên lãnh thổ nước này có thể tiếp tục góp phần làm giảm giá đồng Bitcoin. Vào đầu tuần, tỉnh Tứ Xuyên đã ban hành một sắc lệnh yêu cầu các công ty và hộ gia đình giảm tiêu thụ năng lượng. Hiện chưa biết khi nào quy định này sẽ hết hiệu lực.

Ấn Độ cũng đang chuẩn bị các hạn chế đối với lĩnh vực tiền điện tử, trong đó đề xuất án tù cho việc khai thác, buôn bán, chuyển tiền và đặc biệt là sở hữu tiền điện tử. Theo một số dự đoán, những người vi phạm luật này có thể phải đối mặt với án tù 10 năm. 

Ngay từ tháng 4/2021, Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã cấm sử dụng tiền điện tử trong thanh toán với lý do đồng tiền kỹ thuật số có độ rủi ro cao, không ổn định, đồng thời kêu gọi các nền tảng giao dịch cung cấp thông tin về người dùng. Mặc dù luật này liên quan đến vấn đề chính trị và kinh tế ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng cũng gây ra ảnh hưởng đến thế giới tiền điện tử và người sử dụng chúng.

Liên minh châu Âu (EU) chọn một chiến thuật hoàn toàn khác trong cuộc chiến về quy định tiền điện tử. EU đặt ra mục tiêu không chỉ chuẩn bị một loạt quy định toàn diện về tiền điện tử vào năm 2024 mà còn sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) để giành quyền kiểm soát và đảm bảo thanh toán xuyên biên giới nhanh hơn và rẻ hơn. EU cũng bổ sung thêm một ý nghĩa khác về blockchain, đó là sử dụng phân quyền để chia sẻ dữ liệu.

Hành động của Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ hay Mỹ và EU đều nhằm một mục tiêu là kiểm soát thị trường tiền điện tử. Bên cạnh những mối quan ngại về biến động lớn, nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố..., các nhà quản lý lo ngại một phần thị trường bị bóp méo. 

Các quốc gia đang mất đi một công cụ để tác động đến thị trường tiền tệ và lạm phát, đó là tiền giấy và tiền xu. Với các đồng tiền quốc gia, nhà nước có quyền kiểm soát rất lớn, có thể thu thuế và đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội. 

Các quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề này bằng cách phát hành tiền điện tử quốc gia. Trong khi đó, EU và Mỹ lựa chọn giải pháp là liên kết thị trường tiền điện tử với thị trường tài chính của họ. 

Cho đến nay, thị trường tài chính có lợi thế hơn thị trường tiền điện tử ở chỗ thanh toán không dùng tiền mặt phổ biến hơn nhiều và thanh toán bằng tiền mặt có sẵn ngay cả khi không có Internet. Tuy nhiên, tiền điện tử có tiềm năng trở thành một giải pháp thay thế tương đương trong thanh toán không dùng tiền mặt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục