Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: ASEAN cần biến thách thức thành cơ hội

06:30' - 08/07/2019
BNEWS Nhóm các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam và Thái Lan (CLMVT) đang được hối thúc nhanh chóng phát triển chuỗi giá trị mới nhằm biến thách thức từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung thành cơ hội.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: ASEAN cần biến thách thức thành cơ hội. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Tờ Bangkok Post dẫn nhận định của ông Kishore Mahbubani – Cố vấn cao cấp và là Giáo sư chính sách công thuộc Đại học Quốc gia Singapore - nói rằng quan hệ Mỹ-Trung trong quá khứ đã giúp củng cố ASEAN, nhưng giờ đây mối quan hệ này lại đang “xé toang” ASEAN và buộc khối phải đưa ra một quyết định đầy đau đớn ở giữa cuộc xung đột. 

Giáo sư Mahbubani nhấn mạnh: “Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ là nguy cơ đặc biệt lớn đang tác động đến ASEAN nhiều hơn bất kỳ điều gì trong lịch sử 52 năm của tổ chức này. Cuộc chiến tranh thương mại này chỉ là một mặt trong cuộc tranh giành quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc. Đó không chỉ là thương mại, mà còn là một điều gì đó sâu xa hơn. Đó là một cuộc tranh giành quyền lực khi một cường quốc đang nổi lên là Trung Quốc thách thức cường quốc số một hiện nay là Mỹ”.

Giáo sư Mahbubani đặt câu hỏi liệu vấn đề thực sự là kinh tế hay chính trị và chỉ ra những nhân tố chủ chốt cần được cân nhắc, bao gồm quân sự, văn hóa và tình cảm. Ông Mahbubani khuyên các nhà lãnh đạo ASEAN bắt đầu chuẩn bị cho cuộc đấu tranh tâm lý bằng cách tổ chức thêm các cuộc đối thoại để làm việc cùng nhau một cách gần gũi hơn nhằm vượt qua những thách thức.

Bà Lee Chen Chen, Giám đốc các chương trình về chính sách thuộc Viện Các vấn đề Quốc tế ở Singapore, nói rằng hành động “ăn miếng, trả miếng” hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc không đơn thuần là một cuộc chiến tranh thương mại, đồng thời nhận xét Trung Quốc không thể lùi bước trong cuộc xung đột vì chủ quyền quốc gia và phẩm giá của họ có nguy cơ bị đánh mất.

Bà Chen nói thêm: "Các nước ASEAN là những người chiến thắng nhưng cũng đồng thời là những kẻ thua cuộc. Những lợi ích của việc di chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc đã tồn tại trước khi có cuộc chiến tranh thương mại. Về lâu dài, cuộc chiến tranh thương mại sẽ tác động tiêu cực đến ASEAN, vì sự đổ vỡ sẽ làm chậm đà tăng trưởng kinh tế. ASEAN sẽ buộc phải đưa ra một quyết định. ASEAN phải tiếp tục lộ trình kết nối của tổ chức này, đặc biệt là kết nối cơ sở hạ tầng – nơi mà vẫn còn một khoảng cách lớn cần lấp đầy và khu vực tư nhân nên đóng một vai trò lớn hơn trong việc giải quyết vấn đề này”.

Theo bà Chen, ASEAN nên tăng cường tự quảng bá mình như là một trung tâm sản xuất hàng đầu để khu vực này không bị bỏ lỡ làn sóng tăng trưởng tiếp theo. Bà Chen cho rằng, các ngành công nghiệp tự động và công nghệ cao vốn có thể tạo ra giá trị kinh tế lớn hơn nên là trọng tâm. ASEAN cũng phải vững vàng trong việc thực hiện các chính sách thương mại tự do và cởi mở.

Somprawin Manprasert, Phó Chủ tịch điều hành Ngân hàng Ayudhya, nói rằng những tác động của cuộc chiến tranh thương mại đối với ASEAN sẽ trầm trọng hơn so với trước kia. Trong khi có những tác động tích cực từ cuộc chiến tranh thương mại liên quan đến các thị trường thay thế, thì những tác động tiêu cực là lớn hơn, vì ASEAN là một phần của chuỗi cung ứng cho cả Mỹ và Trung Quốc và phần lớn hàng xuất khẩu tới hầu hết các nước trừ Mỹ sẽ bị ảnh hưởng gián tiếp bởi sự đổ vỡ chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, theo ông Manprasert, các cơ hội sẽ đến khi các nước ASEAN làm việc với nhau để chuỗi giá trị bổ sung cho nhau bởi mỗi thành viên ASEAN đạt những cấp độ khác nhau trong chuỗi cung ứng. “Chúng ta có thể bổ sung cho nhau rất tốt trong chuỗi cung ứng và chúng ta cần nói chuyện với nhau nhiều hơn. Hợp tác chính là chìa khóa,” ông Somprawin nói.

Montri Mahaplerkpong, Phó Chủ tịch Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan, cảnh báo rằng mối đe dọa của chủ nghĩa bảo hộ khu vực đang dần hiện ra, cho rằng khu vực kinh doanh nên tái cơ cấu danh mục sản phẩm để chuẩn bị cho thách thức này, đặc biệt là về trung và dài hạn.

Ông Mahaplerkpong nói rằng tuyên bố của ASEAN hoàn tất Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong năm nay là thông điệp chủ chốt gửi tới Mỹ. Theo ông Mahaplerkpong, các thành viên ASEAN nên hành động theo nhóm khi tham gia bất kỳ cuộc đàm phán thương mại quốc tế nào, thay vì hành động một mình, nhất là tiến trình đàm phán về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Điều này sẽ cho phép các nước giành được quyền mặc cả nhiều hơn. Các nước ASEAN cũng nên hợp tác để tìm ra những thế mạnh của họ và tập trung vào điều mà họ làm tốt để các thành viên không phải cạnh tranh với nhau.

“Nếu chúng ta cạnh tranh với nhau để sản xuất các vật dụng, thì điều đó không đủ tốt, chúng ta có thể sụp đổ trong vòng 10 năm tới. Ví dụ, Campuchia nên đặt vào vị trí là một cơ sở chế biến nông nghiệp, Lào là trung tâm hậu cần hoặc kết nối đường bộ, Myanmar tập trung vào dầu mỏ và khí đốt, Thái Lan chú trọng vào ô tô và Malaysia là đồ điện tử,” ông Mahaplerkpong nhận xét.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Thái Lan Veerathai Santiprabhob cho rằng tăng trưởng kinh tế của nhóm các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam và Thái Lan (tiểu vùng CLMVT), những đổi mới công nghệ nhanh chóng và những căng thẳng địa chính trị ngày càng tăng sẽ dẫn đến những thay đổi căn bản trong các chuỗi giá trị của tương lai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục