Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Châu Âu chịu trận?

06:30' - 12/04/2025
BNEWS Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên tiếng cảnh báo: Trung Quốc có thể chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu.
Báo Le Figaro cho biết, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ đối với nền kinh tế châu Âu: Trung Quốc có thể chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang. Các ngành chủ chốt như ô tô, thép và bán lẻ đang đứng trước nguy cơ bị tổn thương nặng nề.

Sau khi Tổng thống Donald Trump thay đổi chiến lược, nhắm mục tiêu chủ yếu vào Trung Quốc, xuất khẩu từ cường quốc châu Á sang Mỹ sắp đối mặt với cú sốc giá hàng hóa gần như cao gấp đôi giá hiện tại. Điều này được dự báo sẽ đóng băng thương mại song phương giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới và buộc Bắc Kinh phải tìm kiếm thị trường thay thế cho phần lớn trong số khoảng 500 tỷ USD hàng hóa mà Mỹ mua từ Trung Quốc mỗi năm.

Kịch bản này khiến châu Âu lo ngại. Hiện khối này đang thâm hụt thương mại gần 250 tỷ USD với Trung Quốc. Tuần trước, Tổng thống Macron đã đưa ra cảnh báo rằng: “Trên nhiều lĩnh vực, châu Âu sẽ đối mặt với tình trạng dư thừa năng lực sản xuất ở Nam Á và luồng hàng hóa sẽ chuyển hướng sang châu Âu. Điều này có thể tác động rất lớn đến một số ngành công nghiệp của châu Âu”.

 

Trong những năm gần đây, tiêu dùng nội địa của Trung Quốc trì trệ do khủng hoảng bất động sản kéo dài, do đó, nước này đã đẩy mạnh xuất khẩu. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tăng 7,1%, đạt mức kỷ lục 3.400 tỷ USD – phản ánh đà tăng năng lực sản xuất liên tục của nước này. Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), Trung Quốc hiện chiếm tới 1/3 sản lượng hàng hóa toàn cầu.

Châu Âu trước đây chỉ tập trung vào một mối đe dọa duy nhất từ Trung Quốc là xe điện và Ủy ban châu Âu (EC) đã thực hiện áp thuế 35% đối với mặt hàng này. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Elie Cohen, Giám đốc nghiên cứu danh dự tại CNRS, điều này sẽ không đủ để đối phó với lượng xe lớn đang chờ xuất khẩu tại các cảng biển của Trung Quốc.

Từ tháng 1/2024 đến tháng 1/2025, thị phần xe điện Trung Quốc tại châu Âu tăng từ 2,4% lên 3,7%. Nhận thấy tiềm năng của thị trường này, một số tập đoàn Trung Quốc đã chọn đầu tư trực tiếp, xây dựng nhà máy tại châu Âu, thay vì xuất khẩu từ Trung Quốc. Hãng BYD sẽ khởi động dây chuyền sản xuất tại Hungary vào cuối năm nay, trong khi Chery chọn Tây Ban Nha làm điểm đến.

Câu hỏi đặt ra là liệu châu Âu có thể đảm bảo cạnh tranh công bằng? Các nhà cung cấp phụ tùng ô tô trong nội khối EU - nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính – đang đề xuất áp dụng tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu từ 75–80%. Pháp đã đi trước với quy định: chỉ xe điện “sản xuất thực sự tại châu Âu” mới được hưởng ưu đãi môi trường. Tuy nhiên, những nỗ lực này đang bị lung lay bởi căng thẳng thương mại do chính quyền Tổng thống Trump khơi mào.

Ngày 7/4, Chủ tịch EC, Ursula von der Leyen đã có cuộc thảo luận với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, đề xuất một “giải pháp đàm phán” nhằm tránh xáo trộn hệ thống thương mại toàn cầu. Tại cuộc gặp này, bà von der Leyen đã đề nghị Trung Quốc hành động nhằm ngăn chặn việc chuyển hướng dòng hàng hóa xuất khẩu từ Mỹ sang châu Âu, đặc biệt là trong các lĩnh vực đang dư thừa công suất như thép và nhôm.

Thực tế, ngành thép châu Âu đã chịu áp lực cạnh tranh từ Trung Quốc trong nhiều năm. EU mới đây vừa công bố kế hoạch hành động để hỗ trợ các nhà sản xuất thép nội khối. Dù kế hoạch trung hạn được đánh giá tích cực, nhưng giới công nghiệp vẫn lo ngại phản ứng của EC chưa đủ nhanh. Ông Alexandre Saubot, Chủ tịch France Industrie nhấn mạnh: “Ủy ban cần nhanh chóng có biện pháp hạn chế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc”.

Ông dẫn ví dụ từ chính công ty Haulotte của ông, khi Mỹ áp thuế cao lên thiết bị giàn nâng từ Trung Quốc vào năm 2021. EU phải mất 2 năm mới thiết lập được các hàng rào thuế quan riêng (20–60%). Nhưng, hàng rào này vẫn thấp hơn nhiều so với mức thuế của Mỹ (110–420%). Kết quả là, các công ty Trung Quốc hiện chiếm tới 25–30% thị phần thiết bị giàn nâng tại châu Âu.

Một nguồn tin từ EC cho biết, cơ quan này đang nghiên cứu cơ chế giám sát chặt chẽ hơn các dòng nhập khẩu. Nếu có sự gia tăng quá nhanh, châu Âu có thể kích hoạt “biện pháp phòng vệ” theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Trong lĩnh vực bán lẻ, các doanh nghiệp truyền thống của châu Âu đang vất vả đối phó với sự trỗi dậy của các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc như Temu và Shein – những “người khổng lồ” bán hàng giá rẻ. Với chiến lược giảm giá cực mạnh, các nền tảng này được dự báo sẽ tiếp tục mở rộng tại châu Âu.

Hiện nay, các hiệp hội thương mại tại châu Âu đang kêu gọi hành động. Họ đề nghị các nhà chức trách EC sử dụng công cụ thuế quan để bảo vệ thị trường nội khối. Năm 2023, EC từng đề xuất bãi bỏ chính sách miễn thuế với các đơn hàng giá trị nhỏ dưới 150 euro (169,83 USD) – hình thức được các nền tảng Trung Quốc tận dụng triệt để. Tuy nhiên, đến nay, 27 quốc gia thành viên EU vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về đề xuất này do lo ngại tạo gánh nặng cho các cơ quan hải quan.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục