“Cuộc đời thứ hai” của những chiếc tuabin gió

06:06' - 10/02/2024
BNEWS Một công ty khởi nghiệp của Mỹ đã "thổi hồn" vào những chiếc cánh tuabin gió hết niên hạn sử dụng, biến chúng thành các tác phẩm nghệ thuật công cộng vừa độc đáo vừa hữu dụng.

Thoạt nhìn, những chiếc ghế dài bên ngoài Trung tâm Khoa học Great Lakes ở trung tâm thành phố Cleveland, bang Ohio, Mỹ dường như không có gì nổi bật, nhưng nếu xem kỹ, lớp vỏ hình giọt nước của chiếc ghế này lại không làm từ gỗ hay kim loại thông thường, mà được chế tạo từ một vât liệu khác. Khi người dùng quét mã QR in trên đó, nguồn gốc của những chiếc ghế này được hiển thị từng là cánh tuabin gió.

Tái sử dụng những chiếc cánh tuabin gió hết niên hạn thành các tác phẩm nghệ thuật công cộng vừa độc đáo vừa hữu dụng là cách mà một công ty khởi nghiệp của Mỹ đã làm để giải quyết vấn đề khủng hoảng chất thải tại bãi rác.

Với trọng lượng khoảng 230 kg và được trang trí bởi các nghệ sĩ địa phương, những chiếc ghế này là sản phẩm của Canvus, một công ty khởi nghiệp được thành lập vào năm 2021 có trụ sở tại Rocky River, Ohio, Mỹ.

Ông Parker Kowalski, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Canvus chia sẻ rằng: “Canvus đang mang đến cơ hội sống thứ hai cho những chiếc tuabin gió”. 

Theo ước tính của Hiệp hội thương mại WindEurope, đến năm 2025, châu Âu sẽ có tới 25.000 tấn cánh tuabin gió bị thải bỏ mỗi năm, tương đương hơn 6.000 chiếc xe SUV Hummer. Điều này đã thúc đẩy nhu cầu tìm kiếm giải pháp thân thiện với môi trường nhằm xử lý những cánh tuabin gió khổng lồ.

Ở cuối vòng đời mỗi cánh quạt gió, khoảng 85% bộ phận như tháp thép, dây đồng và bánh răng dễ dàng tái chế thông qua một quá trình xử lý kim loại. Thách thức đặt ra là phần cánh tuabin gió vốn được phủ lớp nhựa epoxy rất bền chắc, chất liệu chủ yếu từ sợi thủy tinh và chứa ít vật liệu dễ tái chế. Điều này dẫn đến tình trạng phần lớn cánh tuabin gió đều bị thải ra các bãi rác hoặc bị đốt cháy, gây nên vấn đề nghiêm trọng đối với môi trường trên toàn cầu.

 

Để giải quyết cuộc khủng hoảng chất thải, các công ty đang nỗ lực hỗ trợ sản xuất các sản phẩm bền vững. Từ năm 2021, đơn vị tuabin gió của Siemens SA đã giới thiệu một cánh quạt làm từ vật liệu có thể tái chế và cam kết sản xuất 100% tuabin có thể tái chế vào năm 2040. Vestas Wind Systems của Đan Mạch, nhà sản xuất tuabin lớn nhất thế giới, đã phát triển một giải pháp hóa học cho phép các tuabin gió thông thường có thể tái chế được, mặc dù vẫn chưa được chứng minh trên quy mô lớn.

Song có nguy cơ các nỗ lực này sẽ bị đình trệ trong bối cảnh ngành công nghiệp điện gió đang đối mặt với nhiều thách thức lớn hơn. Chẳng hạn, chi phí vật liệu và lắp đặt tăng cao, cùng với các hợp đồng cố định bán điện với mức giá thấp, buộc các nhà phát triển điện gió phải trì hoãn hoặc thậm chí hủy bỏ các dự án lớn.

Trước bối cảnh đó, nhiều nhà sản xuất tuabin gió nỗ lực thực hiện quá trình tái chế sản phẩm, trong khi đó, Kowalski và hai nhà đồng sáng lập khác của Canvus lại quyết định thử nghiệm một giải pháp xử lý cánh tuabin điện gió khác.

Thay vì cố gắng tìm cách cắt nhỏ cánh tuabin cũ để làm nhiên liệu cho sản xuất xi măng, Canvus đã tập trung vào độ bền của vật liệu để đưa vào sử dụng cho các mục đích hoàn toàn mới. Nhóm của Canvus đã đưa ra 150 ý tưởng về sản phẩm tạo ra từ cánh tuabin trước khi quyết định chọn 11 sản phẩm, chẳng hạn như chậu trồng cây, bàn dã ngoại hay ghế dài là các vật dụng có thể sản xuất trên quy mô lớn.

Tại nhà máy rộng 10.200 m2 của Canvus ở Avon, bang Ohio, sau khi nhận những cánh tuabin gió đã được cắt xẻ, một nhóm hơn 30 người thợ sẽ chế tạo chiếc cánh tuabin gió cũ thành các sản phẩm bền và thân thiện hơn với môi trường. Từ năm 2022, Canvus đã nhận hơn 1.000 cánh quạt điện gió cũ và chuyển đổi thành hàng trăm sản phẩm tái chế khác nhau.

Bằng cách thổi sức sống mới vào những vật liệu đã cũ, Canvus không chỉ khơi dậy trí tưởng tượng và sự sáng tạo mà còn nuôi dưỡng sự kết nối trong cộng đồng. Cách tiếp cận sáng tạo này nhằm mục đích thay đổi quan điểm về vật liệu và không gian, truyền cảm hứng cho mối quan hệ sâu sắc hơn với môi trường xung quanh.

Canvus không phải là doanh nghiệp duy nhất có ý tưởng thay đổi diện mạo cho cánh quạt điện gió cũ. Một số doanh nghiệp khác như Công ty BladeBridge có trụ sở tại Ireland đã xây cầu cho người đi bộ bằng cánh quạt gió, còn Cảng Aalborg ở Đan Mạch lại sử dụng chúng làm mái che cho khu vực để xe đạp, trong khi Superuse Studios của Hà Lan lại tận dụng chúng để chế tạo thiết bị sân chơi…

Nhưng không giống các công ty này, Canvus lại có mô hình kinh doanh khá độc đáo. Canvus chủ yếu phục vụ khách hàng doanh nghiệp muốn tặng sản phẩm tái sử dụng cho những không gian công cộng. Mỗi sản phẩm đóng vai trò như một phương tiện quảng bá cho doanh nghiệp khi được gắn bảng tên và mã QR dẫn đến website của doanh nghiệp đó. 

CEO của Canvus cho biết, việc thuê một bảng quảng cáo ở Mỹ sẽ tiêu tốn của một công ty ít nhất 250 USD mỗi tháng. Thay vào đó, khách hàng của Canvus chỉ cần trả ít nhất là 3.500 USD để trưng bày thương hiệu của họ tại trường học hoặc công viên cộng đồng, tức khoảng 11 USD mỗi tháng trong khoảng thời gian 25 năm. Do vậy, đây là giải pháp phải chăng và khá hiệu quả để doanh nghiệp vừa quảng bá, vừa góp phần vào các hoạt động bền vững.

Từ khi bắt đầu sản xuất thương mại, Canvus cho biết đã bán hơn 200 sản phẩm hiện được lắp đặt tại hàng chục địa điểm. Ngoài ra, Canvus cũng kiếm tiền bằng cách tính phí thải bỏ đối với các nhà điều hành trang trại điện gió.

Trong khi các trang trại điện gió gây ra nhiều ý kiến phản đối về mặt thẩm mỹ tại Mỹ, các sản phẩm của Canvus lại nhận được nhiều đánh giá tích cực.

Dù vậy, không phải tất cả "đời sau" của cánh tuabin gió đều tạo ra các sản phẩm giống nhau. Canvus đã tích hợp nhiều loại vật liệu tái chế bên trong các sản phẩm của họ và hiện công ty vẫn đang tiếp tục đánh giá vòng đời sản phẩm cũng như chưa tính toán được hết lượng năng lượng sử dụng trong quá trình vận chuyển và chế tạo cánh tuabin.

Trong khi đó, bà Jennifer McKinley, chuyên về quản lý chất thải năng lượng tái tạo tại Đại học Queen's Belfast cho biết, tuabin gió thường hoạt động trong khoảng 25 năm, nhưng tuổi thọ có thể được kéo dài dưới bàn tay của con người hoặc bị rút ngắn bởi các sự cố hoặc sét đánh. Đây có thể sẽ là thách thức đối với những doanh nghiệp đeo đuổi xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm này ổn định.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục