Cuộc đua của các nền kinh tế trong "thập kỷ mất mát"

05:30' - 14/04/2023
BNEWS Việc đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm phụ thuộc phần lớn vào việc đầu tư vào con người, cơ sở hạ tầng và công nghệ, cũng như năng lực quản lý kinh tế và các thể chế kinh tế.
Người dân tập trung trên cầu Brooklyn ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuần báo Al-Ahram Weekly của Ai Cập vừa đăng bài viết của chuyên gia Mahmoud Mohieldinm, Giáo sư kinh tế tại Đại học Cairo (Ai Cập) đồng thời là Đặc phái viên của Liên hợp quốc (LHQ) về Tài trợ cho Chương trình Nghị sự Phát triển Bền vững 2030, trong đó tác giả đánh giá việc đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm phụ thuộc phần lớn vào việc đầu tư vào con người, cơ sở hạ tầng và công nghệ, cũng như năng lực quản lý kinh tế và các thể chế kinh tế.

Theo các báo cáo quốc tế, 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay theo thứ tự là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Ấn Độ, Anh và Pháp. Bảng xếp hạng này dựa trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa, cụ thể là tổng lượng hàng hóa và dịch vụ mà một quốc gia sản xuất trong một năm tính theo giá thị trường hiện tại. Mỹ dẫn đầu với GDP đạt 23.000 tỷ USD, Trung Quốc đứng thứ hai với 18.000 tỷ USD, Nhật Bản xếp ở vị trí thứ ba với 5.000 tỷ USD. 

Tuy nhiên, việc xác định những quốc gia giàu nhất và nghèo nhất lại sử dụng một thang đo khác: Tỷ lệ GDP bình quân đầu người. Luxembourg dẫn đầu với khoảng 108.000 USD, tiếp đến là Ireland, Thụy Sỹ, Na Uy, Quần đảo Cayman, Singapore và Mỹ. Ở chiều ngược lại, Burundi là quốc gia nghèo nhất thế giới với thu nhập bình quân đầu người là 261 USD, thấp hơn 400 lần so với thu nhập bình quân đầu người của quốc gia giàu nhất. Cộng hòa Trung Phi, Malawi, Afghanistan, Madagascar, Congo và Niger được đánh giá là ít nghèo hơn so với Burundi.

Cách duy nhất để một nước vượt lên trong cuộc đua giữa các quốc gia là thông qua tăng trưởng kinh tế thực tế, bền vững và bao trùm. Điều này phụ thuộc phần lớn vào việc đầu tư vào con người, cơ sở hạ tầng và công nghệ, cũng như năng lực quản lý nền kinh tế và các thể chế kinh tế để đảm bảo khả năng phục hồi trước những cú sốc và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng.

Một nghiên cứu công bố mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) về triển vọng tăng trưởng dài hạn cho thấy, tăng trưởng GDP ngày càng trở thành một công cụ để đánh giá sự phát triển kinh tế toàn cầu. Giai đoạn từ những năm 1990 đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã chứng kiến năng suất gia tăng, và nhờ đó GDP và thu nhập quốc gia cũng tăng lên.

Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng năm 2008, năng suất toàn cầu đã giảm ở hầu hết các quốc gia đang phát triển. Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, tăng trưởng kinh tế thế giới cũng sụt giảm do hậu quả của hàng loạt cuộc khủng hoảng khác nhau. Hiện tại, kỳ vọng về tăng trưởng năng suất đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Kỳ vọng tăng trưởng đầu tư trong trung hạn chỉ bằng một nửa so với mức của 20 năm qua, trong khi lạm phát đã đạt mức cao nhất trong 40 năm, làm giảm khả năng tạo việc làm và ăn mòn sức mua của tiền lương và thu nhập. 

Báo cáo của WB dự báo tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của thế giới sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong ba thập kỷ là 2,2%/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Đà tăng trưởng chậm lại sẽ có những tác động sâu rộng đối với sự ổn định kinh tế, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

Điều đó có nghĩa là thu nhập ngày càng ít đi sẽ không thể theo kịp với các đợt tăng lãi suất liên tiếp đối với những khoản vay dành cho các quốc gia đang phát triển, ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ của chính phủ các nước này. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn do dân số gia tăng và lạm phát cao sẽ khiến mức mức sống tiếp tục suy giảm.

Các chính phủ có thể làm cách nào để kích thích tăng trưởng kinh tế mà không gây ra lạm phát? Câu hỏi này liên quan đến điều kiện tối ưu mà các chính phủ có thể thúc đẩy tăng trưởng thông qua các chính sách nhằm giúp ngăn chặn tình trạng đình đốn, chống đói nghèo, chống biến đổi khí hậu cũng như quản lý nợ công và nợ nước ngoài tốt hơn.

Báo cáo của WB nêu bật 5 lĩnh vực cần ưu tiên can thiệp. 

Thứ nhất là tăng cường đầu tư. Điều này đòi hỏi phải loại bỏ những trở ngại đối với tăng trưởng như chi phí xây dựng và vận hành, quản lý yếu kém, sự suy giảm trong phát triển tài chính, cũng như năng lực cạnh tranh hạn chế. Đầu tư cũng có thể nhận được sự thúc đẩy thông qua việc theo đuổi các ưu tiên xanh, chẳng hạn như các dự án năng lượng tái tạo hoặc các hành động thích ứng.

Các vấn đề này đã được nêu trong chương trình nghị sự của Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi Khí hậu (COP27) diễn ra tại thành phố Sharm El-Sheikh (Ai Cập) hồi tháng 11/2022. Tất cả những điều này đầu tiên và trước hết đòi hỏi phải đầu tư vào con người bằng cách nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc sức khỏe, cũng như trang bị cho mọi người khả năng thích ứng hiệu quả với các cơ hội và thách thức của thời đại kỹ thuật số.

Thứ hai là điều chỉnh các khuôn khổ và chính sách tiền tệ cũng như tài khóa. Các chính phủ không còn đủ thời gian để kích hoạt tiềm năng tăng trưởng từ việc phối hợp các hệ thống tài khóa - chẳng hạn như chính sách thuế, chi tiêu công, quản lý nợ và ngân sách - với các công cụ chính sách tiền tệ như lãi suất, kiểm soát thanh khoản và cấp tín dụng.

Thứ ba là cắt giảm chi phí thương mại. Theo WB, các khung pháp lý cũng như các quy định về vận chuyển và hậu cần không phù hợp và thiếu hiệu quả có thể làm tăng gấp đôi chi phí xuất nhập khẩu và làm suy yếu khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong giao thương quốc tế. Những thiếu sót như vậy cần phải được khắc phục để kích thích tăng trưởng và nâng cao vai trò của xuất khẩu trong việc đạt được tăng trưởng.

Các chính phủ áp dụng thuế quan hoặc các hạn chế khác đối với hàng nhập khẩu như một biện pháp để giảm thâm hụt tài khoản vãng lai cần phải nhận thức được tác động của các biện pháp đó đối với chi phí sản xuất và tiêu dùng.

Hàng nhập khẩu có hai loại. Chúng là nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị hoặc hàng hóa thiết yếu khác phục vụ sản xuất trong nước, hoặc hàng thành phẩm, vốn có thể thách thức hàng hóa trong nước về giá và chất lượng.

Những hạn chế này, dù có tuân thủ các quy tắc cạnh tranh, cuối cùng sẽ khiến người tiêu dùng phải chi nhiều hơn hoặc làm giảm năng suất, nếu các mặt hàng nhập khẩu là linh kiện sản xuất.

Thứ tư là phát triển các dịch vụ. Báo cáo của WB cho thấy việc cải thiện tính hiệu quả và năng suất của ngành dịch vụ có thể đóng vai trò là động lực cho tăng trưởng. Các dịch vụ kỹ thuật số chuyên nghiệp liên quan đến công nghệ thông tin và truyền thông hiện chiếm hơn 50% tổng giá trị xuất khẩu dịch vụ.

Thách thức đối với các quốc gia đang phát triển là tăng cường khả năng sử dụng công nghệ kỹ thuật số, vì điều này đòi hỏi phải đầu tư vào con người, đặc biệt là vào giáo dục và đào tạo các kỹ năng kỹ thuật số cũng như những tiến bộ mới nhất của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chẳng hạn như như trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn.

Thứ năm là tăng cường sự tham gia của lực lượng lao động. Ngoài những thách thức thông thường liên quan đến việc tối ưu hóa lực lượng lao động tiềm năng, nghiên cứu của WB lưu ý rằng tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động bằng 3/4 so với nam giới trên toàn thế giới. Việc tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi có thể giúp nền kinh tế tăng trưởng thêm 1,2 điểm phần trăm mỗi năm.

Bên cạnh các vấn đề đã đề cập ở trên, báo cáo của WB nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác quốc tế để thúc đẩy tăng trưởng trong đầu tư, thương mại, tài chính, quản lý nợ, y tế và hành động khí hậu.

Thế giới đang trải qua một trong những thời kỳ tồi tệ nhất của hợp tác kinh tế quốc tế. Điều này được thể hiện qua sự gia tăng của các chính sách bảo hộ và những hạn chế đối với hoạt động thương mại, đầu tư và tài chính trên toàn cầu, cũng như việc chính trị hóa các cơ chế liên quan đến những hoạt động này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục