Cuộc đua đầu tư vào công nghệ giáo dục ngày càng nóng ở Mexico

09:02' - 14/03/2022
BNEWS Theo một báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Research & Markets, thị trường công nghệ giáo dục (Edtech) hiện có giá trị khoảng 85 tỷ USD, và dự đoán sẽ lên tới 218 tỷ USD vào năm 2027.

Sau 2 năm hoành hành, đại dịch COVID-19 đã tác động nặng nề đến ngành giáo dục Mexico. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh kéo dài, các quy định giãn cách xã hội thúc đẩy nhu cầu học trực tuyến ở các bậc học, đã và đang khiến cuộc đua đầu tư vào công nghệ giáo dục (Edtech) ngày càng nóng tại quốc gia này.
Theo một báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Research & Markets, thị trường Edtech hiện có giá trị khoảng 85 tỷ USD, và dự đoán sẽ lên tới 218 tỷ USD vào năm 2027.
Trong 2 năm gần đây, thị trường công nghệ giáo dục của Mexico nói riêng, và thế giới nói chung, đã chứng kiến làn sóng bùng nổ đầu tư. Theo số liệu từ quỹ đầu tư mạo hiểm Brighteye Venture, chỉ trong giai đoạn 2020-2021 lĩnh vực này đã thu hút 35,1 tỷ USD trên toàn cầu, xấp xỉ lượng đầu tư trong 6 năm trước đó (36 tỷ USD).

 

Prosus, một nhóm nhà đầu tư công nghệ có trụ sở tại Hà Lan với 3 tỷ USD đầu tư vào 12 công ty trong lĩnh vực này, nhận định những thách thức trong việc cung cấp giáo dục trực tuyến hiệu quả đã bộc lộ những vết nứt trong các phương pháp giáo dục truyền thống. Hiện tại, phụ huynh, học sinh và giáo viên đã nhìn thấy cách biệt quá rõ ràng, do đó họ đang tìm kiếm các nguồn lực và mô hình mới.
Trong khi đó, Ricardo Jacinto, đối tác điều hành của Shilling, một quỹ đầu tư mạo hiểm của Bồ Đào Nha đang đầu tư vào 3 doanh nghiệp EdTech, cho rằng các nhà đầu tư đã mạnh tay rót vốn vào lĩnh vực trong 2 năm qua, vì nhận thấy tiềm năng của ngành này vẫn có thể cách mạng hóa.
Đối với Mexico, Viện Ngoại thương Tây Ban Nha (ICEX) cho biết đây là một thị trường tiềm năng, bởi quốc gia này hiện có hơn 49,4 triệu người dùng máy vi tính, trong đó 44,6% sử dụng cho mục đích học tập. Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) chỉ ra rằng Mexico nằm chót bảng về học tập trong số các nước thành viên.
Laura Warnier, Giám đốc phụ trách mở rộng và tăng trưởng toàn cầu của doanh nghiệp GoStudent (Áo), nhận định rằng bất chấp xếp hạng trình độ học tập, điều khiến Mexico trở nên hấp dẫn đối với ngành Edtech chính là quy mô thị trường, thêm vào đó là chênh lệch giáo dục giữa các học sinh.

Theo bà Warnier, trước kia thị trường giáo dục chưa được số hóa, do đó kém hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư. Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát và kéo dài đã khiến các nhà đầu tư thay đổi cách nhìn đối với ngành này.

GoStudent hiện đang hoạt động tại một số thị trường, bao gồm Mexico, và được định giá khoảng 3,4 tỷ USD. Doanh nghiệp này cung cấp các lớp học online với hơn 30 môn học cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Thông tin từ Tracxn, một nền tảng giám sát dành cho các công ty khởi nghiệp và tư nhân, Mexico hiện có 156 startup Edtech, và 5 doanh nghiệp được định giá cao nhất đều hoạt động chuyên sâu trong những lĩnh vực cụ thể khác nhau.
Được định giá 9,8 triệu USD, Lottus đang là startup có giá trị thị trường lớn nhất. Công ty này cung cấp các chương tình liên quan đến giáo dục đại học và nằm trong danh mục đầu tư của nhiều tập đoàn, trong đó có Credit Suisse.
Có thể nói hệ sinh thái Edtech ở Mexico rất đa dạng, thậm chí bao gồm những startup kinh doanh những mặt hàng mới lạ như Baud, chuyên cung cấp dịch vụ học chế tạo robot cho trẻ em. Công ty này đã gọi được 200.000 USD vốn đầu tư thông qua Dux Capital.
Giới chuyên môn đánh giá Mỹ Latinh là thị trường tiềm năng cho ngành công nghiệp Edtech, và Mexico chính là một trong những “ngôi sao sáng” ở khu vực. Nền tảng Holon IQ đã lựa chọn 100 startup Edtech có triển vọng nhất ở Mỹ Latinh, trong đó có 16 doanh nghiệp ở Mexico.

Quốc gia này đứng thứ hai trong danh sách, chỉ sau Brazil, với 39 startup. Ông Ricardo Jacinto lý giải điều này là do Mexico chiếm tới 1/4 trong số hàng triệu học sinh ở các nước nói tiếng Tây Ban Nha./.

>>>Dịch COVID-19 cho thấy vai trò không thể thay thế của hình thức học trực tiếp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục