Cuộc "đua lãi suất", tiềm ẩn nhiều rủi ro

17:46' - 28/08/2019
BNEWS Thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại đã niêm yết mức lãi suất huy động lên tới trên 9%/năm, 10%/năm với điều kiện hưởng mức lãi suất cũng đơn giản.
Nhiều ngân hàng thương mại đã niêm yết mức lãi suất huy động lên tới trên 9%/năm, 10%/năm. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, việc các ngân hàng thương mại tăng lãi suất tiền gửi đồng nghĩa với nhu cầu huy động vốn ngày càng lớn để có thêm nguồn vốn tiếp tục tăng trưởng tín dụng.

Ở giai đoạn hiện nay, sự gia tăng này để đáp ứng quy định tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của Ngân hàng Nhà nước giảm xuống còn 40% từ đầu năm 2019 và có thể giảm xuống 35% vào năm 2020 và 30% vào năm 2021.

Đơn cử như Ngân hàng Bản Việt (VietCapital Bank) đang có mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường. Sản phẩm chứng chỉ tiền gửi mới phát hành của ngân hàng này có lãi suất lên tới 10,2%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 60 tháng.

Chứng chỉ tiền gửi các kỳ hạn khác cũng có mức lãi suất khá cao: kỳ hạn 24 tháng có lãi suất 9,5%/năm, 36 tháng có lãi suất 9,8%/năm, 48 tháng có lãi suất 10%/năm.

Ngoài ra, ngân hàng Bản Việt cũng niêm yết lãi suất tiết kiệm tại quầy tới 8,6%/năm áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng – 60 tháng. Đối với kỳ hạn 18 tháng cũng có lãi suất lên tới 8,5%/năm.

Tại ngân hàng TPBank có lãi suất cao nhất là 8,6%/năm, nhưng chỉ áp dụng cho khoản tiền gửi mới từ 500 tỷ đồng trở lên. Tuy nhiên, với số tiền nhỏ và lựa chọn sản phẩm tiết kiệm phù hợp vẫn có thể có lãi suất xấp xỉ 8,5%/năm.

Chẳng hạn, khi gửi tiết kiệm livebank kỳ hạn 12 tháng, trong 6 tháng đầu có lãi suất 7,05%/năm, 6 tháng sau có lãi suất 8,45%/năm. Nhiều kỳ hạn khác của ngân hàng này áp dụng cho hình thức gửi livebank cũng có lãi suất 8%/năm: 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng.

Thống kê cho thấy, hiện có 15 ngân hàng (tức là gần một nửa số ngân hàng trong hệ thống) niêm yết lãi suất cao nhất từ 8%/năm. Đây là mặt bằng lãi suất huy động cao hơn rất nhiều so với hồi đầu năm 2019.

Đặc biệt lãi suất vẫn có dấu hiệu tăng trong thời gian gần đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhất là khi ngân hàng "vào mùa" cung ứng vốn cuối năm cho nền kinh tế.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, việc các ngân hàng thương mại tăng mức lãi suất tiền gửi đã gây ra những bất lợi cho nền kinh tế. Bởi hiện nay mức lãi suất cho vay đã khá cao nên khi mức huy động tăng sẽ kéo theo mức lãi suất cho vay tăng khiến các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong vay vốn.

Vị chuyên gia này cũng khuyến nghị khách hàng không nên quá tập trung vào lãi suất mà cần chú ý tới các yếu tố khác như: uy tín ngân hàng, chất lượng dịch vụ, tiện ích đi kèm của ngân hàng mình gửi tiền.

Trước "cuộc đua" lãi suất thời gian qua giữa các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn số 6669/NHNN-CSTT về việc lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng, nếu những tổ chức vi phạm có thể bị thu hẹp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, mốt số tổ chức tín dụng, Chi ngánh ngân hàng nước ngoài đã điểu chỉnh lãi suất tiền gửi bằng VND nhanh và khá lớn ở một số kỳ hạn hoặc triển khai các sản phẩm huy động vốn, chương trình tiền gửi ưu đãi, tiết kiệm online, phát hành sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất cao. 

Động thái tăng lãi suất này gây tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển lành mạnh của hệ thống ngân hàng, tạo ra diễn biến tâm lý tiêu cực trên thị trường, có nguy cơ dẫn đến "cuộc đua" về lãi suất huy động giữa các tổ chức tín dụng, kéo theo sự bất ổn thị trường tiền tệ.

Để đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng phải duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh, không làm ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất.

Tổ chức thực hiện tốt các giải pháp về lãi suất tín dụng nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng; kiểm soát tăng trưởng tín dụng phù hợp với năng lực quản lý rủi ro, khả năng huy động vốn và kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Thống đốc cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng chấp hành quy định về lãi suất tiền gửi đối với khách hàng, tăng cường kiểm soát tín dụng về tỷ lệ đảm bảo an toàn, giới hạn cáp tín dụng đối với khách hàng và người có liên quan. Thực hiện kiểm soát tốt chất lượng tài sản có, phân loại và trích lập dự phòng đầy đủ theo các quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, phát hiện, điều chỉnh các sản phẩm, chính sách huy động vốn, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm đạo đức, quy định nội bộ và quy định của pháp luật trong hoạt động huy động vốn của tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định sẽ theo dõi sát việc triển khai giải pháp về lãi suất và tín dụng của các tổ chức tín dụng và có biện pháp xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định của pháp luật và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, trong đó gồm cả biện pháp thu hẹp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của tổ chức ngân hàng vi phạm.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đánh giá động thái này của Ngân hàng Nhà nước là rất kịp thời, giúp nhanh chóng ổn định thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục