Cuộc sống của nữ công nhân duy nhất từng mắc kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng giờ ra sao?

08:40' - 30/01/2016
BNEWS Nữ công nhân duy nhất bị mắc kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng nhớ lại, khi đó chị cùng 11 người khác ở trong căn hầm tối, nước mỗi ngày một dâng lên cao, chị đã nghĩ số phận mình sẽ kết thúc ở đây.
Niềm vui lớn nhất bây giờ của chị Ngọc là được ở bên cạnh chăm sóc những người thân trong gia đình. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Chị Đặng Thị Hồng Ngọc trú tại xóm 10, xã Cát Văn, huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An) - nữ công nhân duy nhất bị mắc kẹt trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng (tỉnh Lâm Đồng) xảy ra cách đây hơn 1 năm trở về trước, hiện đã có một cuộc sống mới, một công việc mới, ổn định hơn.

Ngày 16/12/2014 là một ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời không chỉ riêng với chị Ngọc mà cả 11 người khác. Đó là ngày diễn ra vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng tại huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Chị Ngọc nhớ lại, khi đó chị cùng 11 người gặp nạn khác ở trong căn hầm tối, trong khi nước mỗi ngày một dâng lên cao, chị đã nghĩ số phận mình sẽ kết thúc ở đây. Tuy nhiên, sau 80 giờ bị mắc kẹt trong hầm, mọi người đã nhận được sữa tiếp tế qua đường ống, tia hy vọng sống lóe lên.

Chị Ngọc nói: "Khi đối diện với sự sống và cái chết, tôi mới thấy hết được giá trị sống như thế nào. Nhưng trời đã ban phước cho tôi, một giấc mơ kỳ diệu, một phép màu, tôi đã được lực lượng công binh, cơ quan chức năng tái sinh ra một lần nữa”.

Sau vụ tai nạn, bố mẹ chị Ngọc đã bàn bạc tìm cho chị một công việc ở nhà để có thời gian chăm sóc gia đình và con cái.

Ông Phạm Văn Diệm - bố chồng chị Ngọc cho biết: "Sau khi Ngọc trở về gia đình, chúng tôi đã định hướng cho cháu tìm kiếm một công việc gần nhà để mẹ con Ngọc được gần gũi, gia đình ấm cúng hơn".

Chị Đặng Thị Hồng Ngọc đang làm việc tại Công ty Cổ phần May Venture Nghệ An đóng trên địa bàn huyện Thanh Chương (Nghệ An). Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Cũng rất may mắn, lúc đó trên địa bàn huyện có Công ty may cổ phần Venture Nghệ An được thành lập. Đây là công ty của Hà Lan đầu tư vào lĩnh vực may mặc xuất khẩu. Sản phẩm của công ty chủ yếu xuất đi thị trường các nước Châu Âu, Châu Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Nắm bắt được thông tin đó, chị Ngọc đã nhanh chóng đi học nghề may và thi tuyển vào làm trong công ty. Với sự chăm chỉ, cần cù, chịu khó học hỏi để nâng cao tay nghề, chị Ngọc luôn được lãnh đạo công ty đánh giá cao về năng suất cũng như chất lượng sản phẩm.

Đặc biệt, tổ 7 - bộ phận chuyền may của chị luôn được đánh giá, bình bầu là tổ xuất sắc trong các tháng và được công ty khen thưởng.

Anh Trần Đức Dương - Trưởng phòng Nhân sự Công ty may cổ phần Venture Nghệ An nhận xét: "Chị Ngọc là một trong những công nhân gắn bó với công ty từ lúc thành lập đến nay. Qua quá trình làm việc, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, hiện tổ của chị đứng đầu về doanh thu của xưởng. Tháng 10/2015, chị Ngọc được vinh danh là công nhân xuất sắc trong tháng".

Sau những giờ làm việc mệt nhọc chị Ngọc lại về quây quần bên gia đình, cùng chăm sóc đứa con trai, chỉ bảo con trong việc học hành. Ảnh: Tá Chuyên – TTXVN

Sau thời gian ở công ty, khi trở về nhà, chị Ngọc như bao người phụ nữ khác ở vùng quê yên bình này lại chăm lo từng bữa cơm cho gia đình, dạy con học bài, chăm sóc gia đình. Bây giờ chị đã có được công việc ổn định, lại được gần gia đình.

Chỉ còn mười ngày nữa, chồng chị Ngọc sẽ trở về đón Tết. Xuân này gia đình chị được đoàn viên, Tết Bính Thân thật sự đầm ấm đến với gia đình chị./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục