Đã có 1 triệu tẩu thuốc lá điện tử "nhiễm độc" đưa ra thị trường

16:28' - 31/10/2019
BNEWS Vụ kiện xảy ra trong khi ngành kinh doanh thuốc lá điện tử đang đối mặt với sự kiểm định khắt khe, sau khi xuất hiện một chứng bệnh phổi bí hiểm liên quan thuốc lá điện tử làm 34 người thiệt mạng.
Thuốc lá điện tử do Hãng Juul Labs của Mỹ sản xuất được trưng bày tại Washington DC., ngày 2/10/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Một cựu lãnh đạo của công ty sản xuất thuốc lá điện tử Juul Labs của Mỹ đã đệ một đơn kiện ra tòa, trong đó khẳng định công ty đã giao khoảng 1 triệu tẩu thuốc mùi bạc hà "nhiễm độc" và sau đó không thông báo cho người tiêu dùng, cũng không yêu cầu triệu hồi sản phẩm. 

Vụ kiện xảy ra trong bối cảnh ngành kinh doanh thuốc lá điện tử đang phải đối mặt với sự kiểm định khắt khe, sau khi xuất hiện một chứng bệnh phổi bí hiểm liên quan thuốc lá điện tử làm 34 người thiệt mạng và khoảng 1.500 người mắc bệnh trong những tháng gần đây.

Đơn kiện đã được trình lên tòa án liên bang ở California (Mỹ) ngày 29/10. Trong đơn, nhóm luật sư của cựu Phó Chủ tịch phụ trách tài chính của công ty, ông Siddharth Breja, cho biết ông đã bị sa thải vì "tố giác" vụ việc trên khi phản đối giao lô hàng nhiễm độc, và phản đối cách hành xử không an toàn khác như bán các sản phẩm quá hạn hoặc sắp hết hạn sử dụng. Đơn kiện nêu rõ công ty Juul có thói quen phớt lờ các lo ngại về sức khỏe và an toàn.

Theo đơn kiện, tháng 3 vừa qua, ông Breja đã được biết khoảng 250.000 bộ vị bạc hà, tương đương với một triệu tẩu, bị nhiễm độc, dù chưa rõ nhiễm độc gì. Juul đã từ chối thu hồi sản phẩm hay đưa ra một cáo thị về sức khỏe và an toàn.

Trong phản ứng của mình, công ty Juul khẳng định cáo buộc trên là "không có cơ sở", đồng thời cho biết thêm rằng ông Breja đã bị sa thải "vì không thể hiện được năng lực lãnh đạo cần thiết".

Juul cho biết: "Các cáo buộc liên quan đến vấn đề an toàn với các sản phẩm của Juul là không thỏa đáng, và chúng tôi đã điều tra và xác định rằng sản phẩm trên đáp ứng mọi tiêu chí thích hợp".

Trong khi đó, luật sư Harmeet Dhillon của ông Breja cho biết việc công ty Juul thừa nhận một vấn đề trong sản xuất chính là vi phạm các quy định của Cơ quan Thuốc và thực phẩm (FDA). Bà Dhillon lập luận, nếu sản phẩm đạt "mọi tiêu chí phù hợp" thì "tại sao Juul phải hủy phần còn lại của lô hàng chưa được giao và chỉ thị ông Breja nhận khoản tiền bồi thường trị giá hàng triệu USD từ nhà cung cấp"./.

>> Cửa hàng tiện lợi ở Hàn Quốc dừng bán thuốc lá điện tử có mùi hương

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục