Đã có kết quả đánh giá an toàn bức xạ của DAP-Vinachem

21:27' - 13/09/2016
BNEWS "Kết quả đánh giá cho thấy môi trường bên trong khu vực bãi thạch cao của Công ty cổ phần DAP-Vinachem đảm bảo an toàn bức xạ cho công chúng theo quy định tại Thông tư số 19/2012/TT-BKHCN" -

Giám đốc Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ hạt nhân và ứng phó sự cố (Cục An toàn bức xạ và hạt nhân - Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn An Trung đã khẳng định. 

 Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng kiểm tra công tác xử lý chất thải tại nhà máy DAP Đình Vũ thuộc CTCP DAP Vinachem. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN

Theo đó, khu vực được kiểm xạ là khu bãi thạch cao của Công ty cổ phần DAP-Vinachemtại địa chỉ lô GI-7, khu kinh tế Đình Vũ, phường Đông Hải II, quận Hải An, Hải Phòng. Kết quả đo suất liều bức xạ của 386 điểm bên trong khu bãi thạch cao cho thấy suất liều đo được nằm trong dải từ 0,036 µSv/giờ đến 0,086 µSv/giờ với giá trị trung bình là 0,057 µSv/giờ. Các tiêu chí đều nhỏ hơn giới hạn cho phép theo Thông tư số 19/2012/TT-BKHCN.

Ông Nguyễn Văn Sinh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DAP Vinachem cho biết:

"Ngay từ khi bắt đầu hình thành nhà máy, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đo kiểm mà không phát hiện các yếu tố gây ô nhiễm môi trường. Gần đây, dư luận lên tiếng có phóng xạ nguy hiểm, chúng tôi buộc lòng phải thuê Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ hạt nhân và ứng phó sự cố đến kiểm tra với 386 điểm đo.

Kết quả không có mẫu nào vi phạm, tất cả an toàn theo ngưỡng qui định của Thông tư 12 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Phòng Cảnh sát môi trường Hải Phòng cũng tổ chức đo đạc với 38 mẫu đo kiểm nhưng cũng không phát hiện một mẫu nào nhiễm chất phóng xạ, tất cả đều an toàn với con người."

Cũng theo ông Nguyễn Văn Sinh:

"Hiện nay đã xuất hiện nhiều công nghệ xử lý bã thạch cao này. Công ty Cổ phần Thạch cao Đình Vũ sau nhiều năm nghiên cứu thử nghiệm đã xây dựng được dây chuyền chế biến bã thạch cao đưa vào sản xuất công nghiệp tại một số Nhà máy xi măng như: Hải Phòng, Tam Điệp, Nghi Sơn… Nếu được sự hỗ trợ của các Nhà máy xi măng này thì khối lượng bã thạch cao tại DAP sẽ giảm dần.

Công ty Ngọc Linh đã nghiên cứu công nghệ Nano polime giúp sử dụng bã thạch cao thành nguyên liệu làm nền đường cho hiệu quả rất tốt. Hi vọng trong thời gian tới, lượng thạch cao sẽ được sử dụng và giảm áp lực cho bãi thải của Công ty DAP Đình Vũ. Chúng tôi cam kết từng bước giải quyết lượng chất thải này để cảnh quan môi tường khu vực này khang trang hơn."

DAP-Vinachem kiến nghị với Bộ Xây dựng cần khẩn trương xây dựng bộ tiêu chuẩn cho thạch cao nhân tạo. Mong Chính phủ có những chính sách hạn chế nhập khẩu thạch cao mà sử dụng thạch cao trong nước.

Bộ Xây dựng cần vận động các Công ty xi măng trong nước sử dụng thạch cao của Công ty DAP-Vinachem làm phụ gia sản xuất. Thành phố Hải Phòng tạo điều kiện cho DAP-Vinachem những ưu đãi nhất định, về quỹ đất và vay vốn ưu đãi để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. 

Sau 7 năm hoạt động, khu tập kết chất thải rộng 40ha của nhà máy đang ở tình trạng quá tải với gần 2,3 triệu tấn bã gypsum, chất cao hơn 30 m. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN

Công ty Cổ phần DAP-Vinachem được Bộ Khoa học Công nghệ Môi trường trước đây thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và đi vào hoạt động từ tháng 4/2009 đến nay. Công ty DAP có 4 nhà máy sản xuất hóa chất gồm: Nhà máy sản xuất phân bón phức hợp Diamon Phốt phát (DAP) với công suất 330.000 tấn/năm; Nhà máy sản xuất Axit Sulfuric (H2SO4) với công suất 414.000 tấn/năm; Nhà máy sản xuất Axit Phốtphoríc (H3PO4) với công suất 161.700 tấn/năm (P2O5 100%); Nhà máy Nhiệt điện công suất thiết kế 12,0 MW và Trạm xử lý nước thải với công suất thiết kế 40m3/giờ.

Sau 7 năm đi vào sản xuất, lượng chất thải gyps của Công ty DAP hiện là rất lớn khoảng 2,3 triệu tấn, đạt chiều cao khoảng 30m. Theo quy định, bãi chứa gyps tạm thời từ 3 đến 5 năm là hết thời hạn; về quy mô chỉ được 10 héc-ta.

Tuy nhiên, thực tế Công ty này đã quá hạn 2 năm; thứ hai, bãi gyps vượt diện tích ra ngoài là 3 héc-ta (nâng tổng bãi chứa gyps lên đến 13 héc-ta); thứ ba, vấn đề tồn dư lượng Axít và hợp chất của kim loại nặng ở trong bãi gyps cao.

Cho dù Công ty đã tiến hành xây dựng bãi chứa lâu dài giai đoạn 1 là 5,4ha và chuyển gyps từ bãi tạm thời sang bãi lâu dài (từ tháng 7/2015) thì khối lượng gyps ở bãi tạm thời vẫn còn rất lớn, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, nguy cơ sạt lở.

Tại buổi giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng chiều ngày 13/9, các đại biểu đều có chung nhận định: Trong thời gian qua, Công ty DAP-Vinachem đã nỗ lực khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, chấp hành tốt các qui định chung về bảo vệ môi trường.

Đến thời điểm này, DAP-Vinachem cơ bản kiểm soát được khí thải ra môi trường. Tuy nhiên, các thành viên trong đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng cũng lưu ý Công ty DAP-Vinachem tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để xử lý bãi gyps triệt để trong thời gian sớm nhất. Về phía thành phố Hải Phòng sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để DAP-Vinachem hoạt động hiểu quả./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục