Đa dạng hóa sản phẩm từ hành tím, giải pháp tìm đầu ra bền vững

10:15' - 10/04/2018
BNEWS Đa dạng hóa sản phẩm từ hành tím nhằm tìm đầu ra bền vững, nâng cao thu nhập cho người trồng hành là hướng đi được các ngành chức năng của tỉnh Sóc Trăng và các nhà khoa học nghiên cứu, thực hiện.
Đa dạng hóa sản phẩm từ hành tím, giải pháp tìm đầu ra bền vững. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Thực tế, hành tím là cây trồng truyền thống ở thị xã Vĩnh Châu - vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer, từng giúp người dân nơi đây xóa đói giảm nghèo.

Nhưng những năm gần đây, giá hành lên xuống thất thường, cùng với ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh hại và khó khăn trong khâu đầu ra nên việc chế biến sản phẩm từ hành tím là giải pháp cần thiết hiện nay.
Vụ hành chính vụ năm 2017 – 2018, thị xã Vĩnh Châu gieo trồng gần 5.000 ha hành tím. Vào thời điểm thu hoạch rộ tháng 3/2018, giá hành rớt thảm còn từ 7.000 – 8.000 đồng/kg, có thời điểm thương lái thu mua tại ruộng chỉ 5.000 – 6.000 đồng/kg.

Nhân công thiếu, sâu bệnh hại diễn biến phức tạp khiến năng suất giảm, người trồng hành thị xã Vĩnh Châu tiếp tục một năm lỗ hoặc hòa vốn trong vụ hành chính vụ.
Anh Trần Kính Thọ, ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu cho biết, do việc trồng hành trong những năm gần đây thu nhập bấp bênh, lỗ nhiều hơn lãi nên vụ hành chính vụ năm 2017 – 2018, gia đình anh chỉ trồng hơn 1 ha, giảm gần 1 ha so với trước đây.

Vào những ngày thu hoạch rộ, gia đình cần 20 nhân công/ngày để nhổ, phơi, gánh hành với giá 120 nghìn đồng/người/ngày.

Nếu tính giá bán 7.000 đồng/kg, gia đình anh lỗ khoảng 5 triệu đồng/công hành tím (1 công = 1.000 m2).
Giá hành rớt thảm, không đủ chi phí cho nhân công thu hoạch. Người dân dự trữ hành, đợi được giá mới bán nhưng không biết bảo quản. Sau nhiều năm lỗ hoặc hòa vốn từ cây hành, nhiều người dân đã đi làm mướn hoặc lên các thành phố lớn làm công nhân.

Những người cố bám trụ với cây hành, đồng hành với ngành nông nghiệp thực hiện các mô hình trồng hành an toàn cũng không còn mặn mà khi tiền thu được ngày càng ít ỏi.
Ông Thạch Phước An, phường 2, thị xã Vĩnh Châu, một hộ Khmer gắn bó với nghề trồng hành hàng chục năm chia sẻ, hành bán chủ yếu cho thương lái nên thường xuyên bị ép giá và đầu ra chưa ổn định.

Bên cạnh đó, hành tím chủ yếu được tiêu thụ ở dạng tươi. Một số hộ dân tập chế biến sản phẩm hành tím muối chua nhưng do thời gian bảo quản ngắn, sản phẩm nhanh hư. Mong muốn hiện nay của các hộ dân là có thể đa dạng sản phẩm từ củ hành tím, nâng cao khả năng tiêu thụ và ổn định giá hành.
Ngoài thực tiễn từ hộ dân, theo nghiên cứu của Trường Đại học Cần Thơ, mỗi năm, thị xã Vĩnh Châu có khoảng 7.000 ha diện tích trồng hành tím ở hai vụ: hành sớm và hành chính vụ. Sản lượng trung bình khoảng 100.000 tấn/năm; trong đó, khoảng 60% sản lượng được người dân dự trữ để đợi giá.

Tuy nhiên, việc sản xuất lẫn bảo quản, tiêu thụ hành tím trên địa bàn đang gặp một số khó khăn, thách thức như: phần lớn diện tích sản xuất chưa theo quy chuẩn an toàn, kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch chưa thực hiện tốt, chưa có sản phẩm chế biến đa dạng và tiện dụng, giá cả không ổn định, bế tắc đầu ra, hợp tác xã khó khăn trong huy động vốn để nâng cao giá trị sản phẩm.
Mặt khác, sản phẩm chế biến từ hành tím trong nước hiện nay chưa nhiều và chưa đa dạng, quy trình chế biến truyền thống ở một số cơ sở sản xuất chưa an toàn, chưa kiểm soát được chất lượng nguyên liệu và sản phẩm, chưa quan tâm đến các hợp chất sinh học quý trong sản phẩm và tận dụng hết nguồn nguyên liệu sẵn có để mang lại hiệu quả kinh tế.

Từ thực tiễn trên, việc nhanh chóng áp dụng biện pháp kỹ thuật để chế biến đa dạng các sản phẩm từ hành tím là cần thiết nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, thỏa mãn nhu cầu sử dụng thực phẩm “mạnh khỏe, dinh dưỡng và vẫn còn tính thiên nhiên” của người tiêu dùng.
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Thủy, nguyên Phó Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ, hành tím có khả năng chế biến thành các sản phẩm có giá trị chất lượng cao, công nghệ chế biến các sản phẩm đang dần hoàn chỉnh, các sản phẩm chế biến từ hành tím bước đầu được yêu thích bởi chất lượng và tính tiện dụng.
Hiện nay, dựa trên công nghệ chế biến, tiêu chí sản phẩm và thời gian tồn trữ, hành tím có thể được chế biến thành 7 loại sản phẩm: hành tím tươi lột sẵn, hành tím sấy, hành phi, bột hành tím, mứt hành tím, hành tím muối chua, nước uống hành tím (kết hợp với chanh dây hoặc trà xanh, táo).
Trên thị trường hiện có 3 dạng sản phẩm chế biến từ hành tím là hành phi, hành tím muối chua, hành tươi lột sẳn.

Tuy nhiên, sản lượng các mặt hàng so với tổng sản lượng chuỗi còn rất thấp, các sản phẩm hiện có mặt trên thị trường chất lượng (màu sắc, mùi vị) chưa cao, không có nhãn hiệu và thông tin sản phẩm, thời gian bảo quản ngắn, chưa có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
Qua khảo sát nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Thủy cho biết, sản phẩm hành phi và hành tím muối chua được người tiêu dùng chấp nhận với tỷ lệ trên 50% (khảo sát 25 người).

Nước uống hành tím được 56% người tiêu dùng chấp nhận sử dụng vì tính mới, lạ. Tuy nhiên, người tiêu dùng còn e ngại với sản phẩm này do sợ khó uống vì đặc trưng mùi cay và vị nồng của hành tím.
Tương tự, mứt hành tím là sản phẩm hoàn toàn mới mẻ để tăng hương vị khi phối trộn với các món ăn, dự định sẽ được dùng chung với bánh mì sandwich hoặc cá chiên nhưng vẫn khiến người tiêu dùng e dè.

Từ tập quán ăn uống, tỷ lệ người tiêu dùng chấp nhận mứt hành tím và bột hành tím khá thấp.

Phần lớn người tiêu dùng chấp nhận các sản phẩm bởi các đặc điểm như: tiện lợi khi dùng, giữ được đặc tính của củ hành tươi, có thông tin về quy trình sản xuất và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tính mới lạ của sản phẩm.
“Có 4 sản phẩm là mứt hành tím, nước uống hành tím, bột hành tím và hành tím sấy là hoàn toàn mới với người tiêu dùng, nên còn gặp khó khăn trong khâu định giá. Hiện tại, 2 sản phẩm chưa được khảo sát hoàn chỉnh do gặp hạn chế về khâu bảo quản cũng như giữ được đặc tính của sản phẩm là hành tím sấy và hành tươi lột sẵn. Riêng các sản phẩm được người tiêu dùng chấp nhận và đã có thói quen sử dụng, sản phẩm có tiềm năng như hành phi, hành tím muối chua, mứt hành tím, nước uống hành tím, bột hành tím sẽ được xây dựng chiến lược marketing phù hợp và chi tiết cho từng loại; từ đó thực hiện các hoạt động thương mại hóa sản xuất quy mô lớn và tiêu thụ cho các loại”, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Thủy chia sẻ.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Vĩnh Châu Hứa Sĩ Hùng, việc nghiên cứu bảo quản hành tím sau thu hoạch được lãnh đạo các thời kỳ của thị xã Vĩnh Châu quan tâm và đặt hàng các tổ chức.

Với 7 sản phẩm chế biến từ hành tím, để sản phẩm được phổ biến rộng rãi thì cần tính toán đến chất lượng, giá thành sản xuất, giá bán để người tiêu dùng chấp nhận được. Địa phương sẽ đồng hành nghiên cứu thêm sản phẩm từ hành tím, nghiên cứu tăng thời gian bảo quản hành tươi và thương mại hóa sản phẩm từ hành tím để tiến tới mục tiêu nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn.
Như vậy, việc hiện thực hóa các sản phẩm từ hành tím đang nhận được kỳ vọng lớn của chính quyền và người dân địa phương trong việc giải quyết tình trạng ứ đọng hành sau thu hoạch, giá cả hành bấp bênh để từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo khả năng tiêu thụ, mang thương hiệu của địa phương sánh vai với các sản phẩm đang hiện diện ở thị trường trong nước và các nước có nguồn nguyên liệu này; hướng tới việc cung ứng sản phẩm từ hành tím đạt tiêu chuẩn chất lượng, hoàn chỉnh việc khép kín mô hình sản xuất và góp phần giảm số lượng người dân Vĩnh Châu bỏ xứ đi làm ăn xa.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục