Đà Nẵng khẩn trương di dời dân, chằng chống nhà cửa

14:49' - 14/11/2020
BNEWS Xác định cơn bão số 13 (bão Vamco) có tính chất phức tạp, nguy hiểm, từ sáng 13/11 đến nay, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã khẩn trương thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp ứng phó với cơn bão này.

Trong đó quan trọng nhất là công tác di dời dân và chằng chống nhà cửa để bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân.

Từ sáng sớm 14/11, lực lượng Đoàn thanh niên, Dân quân tự vệ, Công an phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) đã tập trung tại phường để chuẩn bị đi hỗ trợ dân chằng chống nhà cửa, tuyên truyền chống bão.

Trong không khí khẩn trương, những thanh niên xúc cát thành từng bao gọn gàng và chất lên xe tải để đi từng nhà chằng chống.

Nhà bà Lê Thị Duyệt (đường Lê Văn Linh, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) là hộ gia đình chính sách, nhà chỉ có 2 ông bà già trên 70 tuổi nuôi 2 cháu nhỏ mồ côi cha mẹ.

Căn nhà của ông bà là nhà cấp 4, lợp mái tôn nên lực lượng hỗ trợ của phường đã triển khai gia cố bao cát, chằng chống nhà cho ông bà.

Bà Duyệt xúc động bật khóc: “Tôi đang rất lo vì cơn bão này rất mạnh, nhà lại chỉ có người già trẻ nhỏ, nhưng khi vừa đi chợ về thì thấy lực lượng chính quyền tới hỗ trợ, tôi thấy rất cảm động. Đây là công tác hỗ trợ rất kịp thời, thiết thực của các cấp chính quyền cho bà con nhân dân.”

Còn chị Ngô Thị Minh Hiền (đường Nguyễn Lan, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) cũng bất an với ngôi nhà cấp 4 của mình nên chiều 13/11, đã báo cáo với tổ dân phố. Ngay sáng 14/11, lực lượng chức năng đã tới khẩn trương hỗ trợ gia đình chị gia cố lại mái tôn.

Chị Hiền chia sẻ: “Đợt bão số 9 vừa rồi, tôi ở trong nhà thấy rất sợ, vì gió bão rất to, điện thì bị cúp, điện thoại mất sóng. Tôi lo nếu đợt này không chằng chống lại thì mái tôn nhà tôi sẽ không chịu nổi, nhà chỉ có mình tôi, là phụ nữ nên không biết phải làm sao. Rất cảm ơn các cấp chính quyền đã hỗ trợ đảm bảo an toàn về tài sản và tính mạng cho bà con nhân dân”.

Theo ông Lê Công Đông, Chủ tịch UBND phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng), để đối phó với cơn bão Vamco số 13, Ban Chỉ đạo phường đã họp và phân công các lực lượng của phường, các khu dân cư triển khai ngay công tác hỗ trợ nhân dân phòng chống bão.

Phường đã thành lập 5 tổ xung kích để đến hỗ trợ tận nhà người dân. Cơn bão số 13 có tính chất phức tạp, cường độ mạnh nên phường đã tăng cường kiên cố hóa cho nhà dân nhiều hơn so với những cơn bão trước.

Đối với những nhà xập xệ, có nguy cơ bị tốc mái, hư hỏng cao, lực lượng chức năng đã tổ chức sơ tán sang các nhà hàng xóm kiên cố, nhà người thân quanh khu vực để đảm bảo an toàn cho người dân.

“Hiện chúng tôi đã hỗ trợ chằng chống nhà cửa, gia cố mái tôn cho 15 hộ dân. Đến chiều 14/11 nếu còn người dân đăng ký với các tổ dân phố thì sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm. Bên cạnh đó, công tác cắt tỉa, chèn chống cây xanh đô thị trên địa bàn cũng đang được triển khai tích cực nhằm đảm bảo tối đa an toàn cho người dân” , ông Lê Công Đông cho biết.

Là địa phương có nhiều đồi núi, sông hồ nên huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng) có nhiều điểm có nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt cao.

Sáng 14/11, lực lượng chức năng xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) đã tổ chức sơ tán cho khoảng 120 hộ dân sống ở khu vực dưới chân núi có nguy cơ sạt lở cao.

Địa điểm được chọn di dân đến là các nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng kiên cố. Tại đây, người dân được bố trí chỗ ăn ở và các thực phẩm thiết yếu.

Ông Nguyễn Phú Kiểm, Trưởng thôn Mỹ Sơn (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang) cho biết, sáng 14/11, lực lượng chức năng đã tiến hành di dời 32 hộ, đang khẩn trương sơ tán một số hộ còn lại trong buổi chiều cùng ngày. Đây là những hộ dân có nhà nằm sát chân núi, có nguy cơ lũ quét, sạt lở cao.

Theo Trung tá Lê Văn Cúc, Trưởng Công an xã Hòa Ninh, liên tiếp nhiều vụ sạt lở đất kinh hoàng đã xảy ra tại các tỉnh lân cận, nên đa phần người dân đều ý thức hơn về đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân và gia đình.

Tuy nhiên, một số người dân vẫn còn tâm lý muốn cố nán ở lại để trông coi nhà cửa, tài sản, vật nuôi. Vì vậy, chính quyền địa phương đã phải kiên trì vận động và có biện pháp bảo vệ tài sản cho người dân.

Với diễn biến thời tiết phức tạp và cực đoan như hiện nay, mưa kéo dài liên tục hàng tháng khiến nền đất yếu, khối trượt lớn, nguy cơ sạt lở đất rất cao.

Theo báo cáo nhanh của UBND thành phố Đà Nẵng sáng 14/11, để ứng phó với bão số 13, các cấp chính quyền thành phố Đà Nẵng đã tổ chức sơ tán, di dời 18.889 hộ dân với 92.631 nhân khẩu đến các nơi tránh trú an toàn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục