Đà Nẵng tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu 2018

16:16' - 03/08/2018
BNEWS Nằm trong khuôn khổ Hội chợ quốc tế thương mại, đầu tư và du lịch hành lang kinh tế Đông Tây Đà Nẵng (EWEC) 2018, ngày 3/8, Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu 2018.
Ngày 3/8, Sở Công thương thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu 2018, với sự tham gia của hơn 40 doanh nghiệp trên cả nước. Ảnh: Đinh Văn Nhiều-TTXVN

Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu nhu cầu, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, ngày 3/8, Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu 2018.

Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ Hội chợ quốc tế thương mại, đầu tư và du lịch hành lang kinh tế Đông Tây Đà Nẵng (EWEC) 2018, diễn ra từ ngày 3-8/8.

Theo Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên ước đạt 198.016 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2017.

Sản xuất công nghiệp tuy gặp nhiều khó khăn nhưng nhiều tỉnh trong khu vực vẫn duy trì mức tăng trưởng, một số tỉnh đạt mức tăng trưởng cao như: Ninh Thuận và Quảng Ngãi (tăng 16,6%); Kon Tum (tăng 14,6%); Đắc Nông (tăng 13,5%)...

Qua 5 hội nghị kết nối cung cầu tại Đà Nẵng, đã có 118 cặp doanh nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ trực tiếp tại hội nghị, có 78 biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác được triển khai thực hiện một cách có hiệu quả với tổng giá trị hơn 397 tỷ đồng.

Riêng thành phố Đà Nẵng, đến nay, đã có 14 cặp biên bản ghi nhớ được ký kết kết giữa các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố với các doanh nghiệp trên cả nước, với tổng trị giá đạt 53 tỷ đồng.

Các sản phẩm được ký kết là bánh kẹo, bánh khô mè, rau củ quả, thực phẩm sấy khô, cá sản phẩm từ dừa, các mặt hàng rau củ quả...

Chỉ ra những mặt hạn chế trong việc kết nối giữa các doanh nghiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng Nguyễn Hà Bắc cho rằng, hiện việc liên kết hợp tác mới chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp thương mại.

Số lượng kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất với nhau để mua nguyên liệu đầu vào, bán thành phẩm đầu ra còn ít.

Một số sản phẩm tham gia kết nối là các sản phẩm đặc trưng của địa phương nhưng do quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, thị trường còn hạn chế, chưa xây dựng được thương hiệu lớn.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn e ngại, chưa thực sự cởi mở chia sẻ thông tin, chưa chủ động quan tâm đến vấn đề hợp tác cung ứng hàng hóa, dịch vụ để tận dụng năng lực, kế thừa, học hỏi kinh nghiệm của nhau để đóng góp vào mục tiêu phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.

Ngoài ra, trong biên bản ghi nhớ ký kết giữa các doanh nghiệp vẫn còn một số thỏa thuận hợp tác chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa hiệu quả.

Nguyên nhân là do các bên chưa sắp xếp được thời gian trao đổi hợp tác, đang trong quá trình tìm hiểu sản phẩm và dịch vụ của nhau, chưa có nhu cầu tiêu thụ với số lượng lớn, chưa hoàn thiện bao bì sản phẩm, chưa đăng ký chất lượng và mẫu mã sản phẩm và gặp khó khăn về nguồn vốn...

Theo ông Nguyễn Hà Bắc, thời gian tới, các tỉnh, thành phố cần tăng cường các hoạt động liên kết vùng miền, địa phương. Đồng thời, chủ động khảo sát, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cung-cầu theo chuyên ngành tại được phương được cập nhật thường xuyên và tiến tới tích hợp, chia sẻ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả thực sự của công tác kết nối.

Cùng đó, tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu theo mô hình chuyên sâu từng lĩnh vực, ngành nghề cung cầu và theo hình thức chuỗi kết hợp nhiều sự kiện, hoạt động phong phú, đa dạng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nâng cao tinh thần chủ động, tích cực tham gia các hoạt động kết nối, liên kết, hợp tác,nâng cao năng suất, chất lượng, cải tiến mẫu mã, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành.

Các nhà phân phối cần quan tâm, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá, đưa hàng vào hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, nhất là đối với các doanh nghiệp mới, sản phẩm mới.

Để hoạt động kết nối cung - cầu có hiệu quả, Phó vụ trưởng, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Nguyễn Lộc An đề nghị, các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy mạnh hoạt động, trọng tâm là tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu hàng năm để tạo sức lan tỏa.

Qua đó, các doanh nghiệp khu vực miền Trung - Tây Nguyên và doanh nghiệp tỉnh, thành gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác, hình thành chuỗi liên kết sản xuất- tiêu thụ sản phẩm…

Chia sẻ về hoạt động kinh doanh, ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm của hệ thống siêu thị Big C tại Việt Nam, ông Trần Bình Long, Giám đốc điều hành hệ thống siêu thị Big C khu vực miền Trung cho biết, Big C Việt Nam hiện có 35 siêu thị tại 20 tỉnh, thành, bày bán hơn 40.000 sản phẩm, phục vụ hơn 60 triệu lượt khách mỗi năm.

Đây là địa điểm lý tưởng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Việt Nam và là chuỗi bán lẻ theo mô hình hiện đại, tin cậy với các nhà sản xuất và nhà cung cấp Việt Nam… Thời gian tới, hệ thống siêu thị Big C khu vực miền Trung mong muốn được ký kết hợp tác với các doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm tiêu dùng để cung cấp cho khách hàng những sản phẩm tốt nhất.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã ký kết 13 cặp biên bản ghi nhớ với các sản phẩm cung ứng, tiêu thụ là các đặc sản địa phương, thực phẩm chế biến, dệt may, sản phẩm da giày, hàng lưu niệm, rau củ quả../.

Xem thêm:

>>>Hưng Yên kết nối cung cầu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm vùng nông thôn

>>>Kết nối cung cầu giúp nông sản sạch đến với người tiêu dùng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục