Đà Nẵng xử phạt nhiều cơ sở dịch vụ thẩm mỹ vi phạm pháp luật

15:54' - 16/08/2023
BNEWS Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, số lượng cơ sở hành nghề dịch vụ thẩm mỹ ngày càng tăng. Đặc biệt, nhiều cơ sở chưa có giấy phép, không đảm bảo điều kiện vẫn ngang nhiên hoạt động.

 

 

Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, số lượng cơ sở hành nghề dịch vụ thẩm mỹ ngày càng tăng. Đặc biệt, nhiều cơ sở chưa có giấy phép, không đảm bảo điều kiện vẫn ngang nhiên hoạt động. Trước tình trạng đó, thành phố siết chặt quản lý, xử phạt nghiêm các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ vi phạm, hoạt động trái pháp luật.

 

Ông Nguyễn Tuấn Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế cho hay, ngày 9/3/2023, Sở đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra 40 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ; phát hiện 22 cơ sở vi phạm hành chính, xử phạt 480 triệu đồng.

Các cơ sở thẩm mỹ tồn tại một số vi phạm như: chưa thực hiện thủ tục tự công bố đáp ứng điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ; quảng cáo hoặc cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động hay chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người; không thể hiện đầy đủ trên biển hiệu tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; mua, bán thuốc không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược…

Quận Thanh Khê hiện có 147 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ hoạt động. Trong tháng 2/2023, Phòng Y tế quận phối hợp với các đơn vị tổ chức kiểm tra 36 cơ sở kinh doanh cung cấp dịch vụ thẩm mỹ; phát hiện 17 cơ sở vi phạm về hành chính hoặc không đủ điều kiện cung cấp dịch vụ.

Theo ông Lê Văn Them, Phó trưởng Phòng Y tế quận, qua kiểm tra thực tế, phần lớn các cơ sở nhỏ lẻ chưa nắm các quy định điều kiện hoạt động của cơ sở thẩm mỹ. Đối với cơ sở chưa đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ, đoàn kiểm tra đề nghị ngừng hoạt động, không cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ khi chưa đủ điều kiện; đồng thời đề nghị, hướng dẫn chủ cơ sở hoàn thiện các thủ tục pháp lý có liên quan.

Ông Lê Văn Them thông tin, số lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ, làm đẹp, chăm sóc da... trên địa bàn quận chiếm tỷ lệ cao. Tuy nhiên, nhân lực của đơn vị lại mỏng, cán bộ làm công tác y tế tại các phường thường xuyên thay đổi. Do vậy, mặc dù,  các đơn vị liên quan đã có sự phối hợp nhưng vẫn chưa quản lý hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ.

Ông Trương Văn Trình, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết, tính đến ngày 28/7, Sở chỉ tiếp nhận 145 hồ sơ cơ sở tự công bố đáp ứng điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ, trong đó có 82 cơ sở đủ điều kiện để đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Sở. Tuy vậy, theo báo cáo, hiện có khoảng 500 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ đang hoạt động (tập trung ở quận Thanh Khê và Hải Châu).

Ông Trương Văn Trình cho rằng, để đảm bảo việc cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tuân thủ quy định pháp luật, không để xảy ra tình trạng cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không phép hoạt động trên địa bàn quản lý, Sở Y tế đã đề nghị các địa phương, cơ quan liên quan tăng cường quản lý, kiểm tra, hậu kiểm sau cấp phép giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh thuộc loại hình dịch vụ thẩm mỹ như thêu, phun, xăm trên da, chăm sóc da, spa…; kiên quyết không để xảy ra tình trạng cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không đủ điều kiện hoạt động hoạt động trên địa bàn.

Đồng thời, lực lượng chức năng kiểm tra việc tuân thủ hành nghề khám bệnh chữa bệnh, phạm vi hoạt động chuyên môn, điều kiện hoạt động của các cơ sở hành nghề y, bao gồm cơ sở dịch vụ thẩm mỹ. Các đơn vị, địa phương xử lý các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền; đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân về tác hại khi sử dụng các dịch vụ thẩm mỹ tại các cơ sở không phép, không đảm bảo điều kiện hoạt động theo quy định. Công khai kết quả xử lý các trường hợp cơ sở thẩm mỹ vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và phòng tránh…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục