Đà Nẵng xúc tiến đầu tư vào khu công nghiệp, khu công nghệ cao

09:59' - 21/10/2023
BNEWS Từ đầu năm đến nay, Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 16 dự án.

Theo ông Vũ Quang Hùng, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng, đơn vị đang tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư tiềm năng để xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố.

 

Dự kiến từ nay đến cuối năm 2024, ban quản lý sẽ tiếp tục hỗ trợ, xúc tiến thêm những dự án đầu tư mới vào Khu công nghệ cao thành phố Đà Nẵng; trong đó, có những dự án trên 100 triệu USD.

Thời gian qua, thành phố Đà Nẵng ưu tiên thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, hàng không vũ trụ, công nghệ số… Ban quản lý đang phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Sun Electronics để phát triển kế hoạch đào tạo nhân lực ngành bán dẫn tại Khu công nghệ cao thành phố Đà Nẵng.

Từ đầu năm đến nay, Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 16 dự án.

Theo đó, 4 dự án FDI (tổng vốn đầu tư 137 triệu USD) và 12 dự án trong nước (tổng vốn đầu tư 1.216 tỷ đồng). Hiện 5 dự án chấm dứt hoạt động, gồm 1 dự án trong nước (vốn đầu tư 4,5 tỷ đồng) và 4 dự án FDI (tổng vốn đầu tư 41,2 triệu USD).

Lũy kế đến nay, tổng cộng 524 dự án đầu tư vào khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung và các Khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Trong số đó, 400 dự án trong nước, với vốn đầu tư 32.014 tỷ đồng và 124 dự án FDI vốn đầu tư trên 2 tỷ USD.

Theo bà Lê Thị Yến Nhi, Giám đốc đầu tư kinh doanh Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng, Chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp Liên Chiểu và Hòa Khánh Mở Rộng, địa phương hiện 66 doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất ổn định tại 2 khu công nghiệp trên.

Các doanh nghiệp đã giải quyết việc làm cho hơn 8.000 công nhân, người lao động và hàng năm đóng góp vào ngân sách hơn 600 tỉ đồng. Nổi bật là Công ty Keytronic Việt Nam (vốn đầu tư FDI từ Hoa Kỳ) đã đầu tư 70 triệu USD thực hiện dự án sản xuất đèn báo hiệu cho ô tô tại Khu công nghiệp Hòa Khánh Mở Rộng. Doanh nghiệp đang sản xuất ổn định và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Hiện nay, tại Khu công nghiệp Liên Chiểu còn hơn 82 ha diện tích đất trống. Địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp thuê đất làm dự án.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng cho biết, sau dịch bệnh COVID-19, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp đang đang gặp nhiều khó khăn.

Những khó khăn không chỉ ở hoạt động sản xuất kinh doanh nội tại của doanh nghiệp, mà còn nằm ở các vướng mắc về thủ tục hành chính, pháp lý kéo dài qua nhiều năm.

Thời gian tới, Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, tham mưu các cấp lãnh đạo thành phố chỉ đạo, điều hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Ban đề xuất các cấp chính quyền tiếp tục có cơ chế, chính sách giúp lực lượng doanh nghiệp công nghiệp được tiếp cận các nguồn vốn vay tín chấp, lãi suất ổn định để tập trung chuyển đổi số, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Đồng thời, thành phố Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính với trọng tâm là chuyển đổi số, đơn giản hóa thủ tục và đẩy nhanh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ nhằm giảm gánh nặng về chi phí cho các doanh nghiệp…

Thành phố Đà Nẵng hiện có 6 khu công nghiệp, 1 khu công nghệ cao và 1 khu công nghệ thông tin tập trung, với tổng diện tích 2.326 ha, thu hút được 524 dự án đầu tư, giải quyết việc làm cho hơn 60.000 lao động, các doanh nghiệp nộp ngân sách chiếm khoảng 22% thu ngân sách của thành phố.

Đà Nẵng hiện triển khai thủ tục phát triển thêm 3 khu công nghiệp mới, làm gia tăng diện tích đất công nghiệp lên thêm gần 800 ha.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội trong các tháng cuối năm 2023, các cấp chính quyền thành phố cần đẩy nhanh thủ tục lựa chọn nhà đầu tư các Khu công nghiệp mới.

Đồng thời, khẩn trương đưa Cụm công nghiệp Cẩm Lệ vào hoạt động và đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các cụm công nghiệp Hoà Nhơn, Hoà Khánh Nam để thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

UBND thành phố Đà Nẵng sớm phối hợp với bộ, ngành Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công bố và triển khai Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để kết hợp với hoạt động kêu gọi đầu tư. Các cấp chính quyền thành phố khẩn trương lập và phê duyệt toàn bộ quy hoạch phân khu trong năm 2023, tạo điều kiện xúc tiến đầu tư và triển khai các dự án.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục