Đà phục hồi của chứng khoán châu Á đuối vào cuối phiên 13/9

17:51' - 13/09/2016
BNEWS Các thị trường chứng khoán châu Á phiên 13/9 phục hồi một cách khó khăn sau khi giảm điểm phiên trước.
Đà phục hồi của chứng khoán châu Á đuối vào cuối phiên 13/9. Ảnh minh họa: TTXVN

Phát biểu từ một quan chức hàng đầu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rằng không nên vội vàng trong việc tăng lãi suất và loạt số liệu mới khả quan hơn dự báo của Trung Quốc cũng không khích lệ được các nhà đầu tư.

Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm vào đầu phiên nhưng đà phục hồi đuối vào cuối phiên. Chốt phiên, chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng 0,34%, lên 16.729,04 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 0,1%, lên 3.023,51 điểm.

Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,4%, lên 1.999,36 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,32%, xuống 23.215,76 điểm. Trong khi đó, thị trường Sydney giảm 0,2%.

Các thị trường toàn cầu giảm điểm sau khi Chủ tịch Fed chi nhánh Boston Eric Rosengren và thành viên Ban điều hành Fed Daniel Tarullo cuối tuần trước tỏ ý ủng hộ việc nâng lãi suất vào tháng Chín.

Tuy nhiên, những phát biểu từ một thành viên khác cũng trong Ban điều hành của Fed là bà Lael Brainard ngày 12/9 rằng cơ sở cho việc tăng lãi suất sớm là thiếu thuyết phục đã tạo được động lực cho thị trường. Bà nói Fed nên có cách tiếp cận "ôn hòa và từng bước" trong việc nâng lãi suất. Đây được xem là dấu hiệu cho thấy Fed sẽ chưa hành động tại cuộc họp sắp tới.

Theo chiến lược gia thị trường Bernard Aw ở IG (Singapore), các nhà đầu tư có thể tin rằng tháng Chín không phải là thời điểm thích hợp để Fed quyết định tăng lãi suất. Chiến lược gia Toshihiko Matsuno của SMBC Friend Securities Co. (Tokyo) thì cho rằng, với những phát biểu của bà Brainard, khả năng tăng lãi suất đã bị thoái lui, nhưng thị trường không thể trong tâm thế mua vào mạnh tay trước khi có kết quả cuộc họp chính sách của Ngân hàng trung ương Nhật Bản và Fed trong tuần tới.

Trong khi đó, ở Trung Quốc, chính phủ nước này đã công bố loạt số liệu tích cực nữa cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang ổn định dần. Doanh số bán lẻ, một số liệu quan trọng về chi tiêu tiêu dùng, và sản lượng công nghiệp trong tháng Tám vượt tháng trước và các dự báo.

Tuy nhiên, người phụ trách nghiên cứu của Core-Pacific Yamaichi Hong Kong, Castor Pang, cho rằng các số liệu mới này không báo hiệu bất kỳ một kế hoạch kích thích kinh tế nào, khiến thị trường không thể phục hồi mạnh.

>>> Chứng khoán sáng 13/9: Giao dịch thận trọng, hai sàn giảm điểm

>>> Chứng khoán Mỹ đi lên nhờ tín hiệu mới từ Fed

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục