Đà phục hồi kinh tế Australia có thể "gặp khó" do đồng AUD tăng quá cao

05:30' - 15/12/2020
BNEWS Việc đồng AUD tăng giá là tín hiệu của một nền kinh tế đang mạnh lên, tuy nhiên, cần lưu ý đến giá trị của đồng AUD bắt đầu chuyển sang trạng thái kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế.

Trong báo cáo khảo sát của Tổ chức Kinh doanh Quốc gia Australia vừa được công bố, nhà kinh tế cấp cao của Ngân hàng Quốc gia Australia (NAB) nhận định: "Nhìn chung, cả niềm tin doanh nghiệp và điều kiện kinh doanh của Australia hiện đang trên mức trung bình và mạnh mẽ hơn so với giai đoạn ngay trước khi đại dịch bùng phát". 

Song hành cùng với sự phục hồi kinh tế, đồng đô la Australia (AUD) hiện cũng đang có những ngày "tươi sáng" với giá trị liên tục tăng, sau khi rơi xuống ngưỡng thấp kỷ lục vào ngày 20/3, giai đoạn khủng hoảng kinh tế do đại dịch tác động đạt đến đỉnh điểm. 

Theo nhà báo David Taylor của kênh truyền thông ABC, việc đồng AUD tăng giá là tín hiệu của một nền kinh tế đang mạnh lên. Tuy nhiên, trong bài phân tích đăng tải trên tờ ABC, nhà báo Taylor cho rằng cần lưu ý đến giá trị của đồng AUD bắt đầu chuyển sang trạng thái kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế. 

Tác giả cho rằng dường như nguy cơ này đã xuất hiện và nếu đồng AUD tiếp tục tăng giá, đây sẽ là một mối đe dọa nghiêm trọng cho sự phục hồi kinh tế quốc gia. Vậy điều gì đang đẩy giá trị của đồng AUD tăng cao hơn? 

Đồng AUD tăng giá 

Có một số động lực thúc đẩy đồng AUD tăng giá. Đầu tiên và quan trọng nhất là giá hàng hóa của Australia đang tăng, đặc biệt là quặng sắt. 

Giá quặng sắt hiện đang được giao dịch ở ngưỡng cao nhất trong gần 8 năm qua, do Trung Quốc tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, dẫn tới nhu cầu nhiều hơn về nguồn nguyên liệu thép, một hợp chất được cấu thành từ quặng sắt. 

Australia là nhà xuất khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới, trong đó gần một nửa được xuất khẩu sang Trung Quốc. Các doanh nghiệp Trung Quốc cần mua đồng AUD để chi trả cho quặng sắt của Australia. Do đó, khi nhu cầu với quặng sắt càng cao thì giá trị của đồng AUD lại càng tăng. 

Tiếp theo là một khái niệm được gọi là "sự khao khát rủi ro" hay tâm lý chấp nhận rủi ro. Đây có thể được coi là "tâm trạng" toàn cầu. Khi "tâm trạng" càng tốt thì đồng AUD lại càng tăng. Kỳ vọng một loại vắc-xin ngừa COVID-19 có thể sớm được phân phối rộng rãi vào một thời điểm nào đó trong năm tới đã giúp triển vọng kinh tế toàn cầu được cải thiện đáng kể, thể hiện qua việc các thị trường chứng khoán tăng vọt trong thời gian gần đây. 

Cuối cùng, lãi suất chính là một tác nhân gây ảnh hưởng đến giá trị của đồng tiền. Lãi suất cơ bản tại nước này vẫn tương đối cao hơn so với lãi suất cơ bản của thế giới, đặc biệt là Mỹ. Tiền mặt và các nhà đầu tư sẽ đổ về phía các quốc gia có mức lãi suất (lợi tức) tương đối cao, và chính điều này cũng gây áp lực lên đồng AUD. 

Ngân hàng Dự trữ Australia sẽ can thiệp? 

Phần lãi suất được hưởng đối với tài sản bằng đồng AUD là lý do chính để Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA, Ngân hàng trung ương) quyết định bắt tay thực hiện chương trình nới lỏng định lượng (QE) đã được dự trù từ trước. 

RBA hiện đang trong quá trình mua trái phiếu chính phủ trị giá 100 tỷ AUD (70 tỷ USD) từ các trung gian tài chính lớn như các ngân hàng lớn và quỹ lương hưu. 

Việc mua trái phiếu này sẽ có tác dụng làm tăng giá trái phiếu và giảm lợi suất đi kèm với trái phiếu, do giá trái phiếu thường tỷ lệ nghịch với mức lợi tức chi trả. 

Các nhà kinh tế học hy vọng rằng bằng cách giảm lãi suất trên diện rộng (từ lãi suất tiền gửi qua đêm đến trái phiếu chính phủ 10 năm), các khoản đầu tư bằng đồng AUD, như tiền gửi có kỳ hạn…, sẽ bắt đầu kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. 

Đây có thể được xem là một biện pháp điều chỉnh nhằm ngăn chặn đồng AUD tăng giá cao hơn nữa. 

Điểm phá vỡ 

RBA bắt đầu chương trình mua trái phiếu chính phủ khi đồng AUD đạt ngưỡng giao dịch 1 AUD đổi 70 xu Mỹ. Hiện đồng AUD đang tiến dần đến ngưỡng 1 AUD đổi 75 xu Mỹ. 

Các nhà kinh tế thị trường Su-Lin Ong và Stephen Koukoulas đều đồng ý với ý kiến cho rằng ngưỡng 75 xu Mỹ là điểm mà tại đó nếu đồng AUD tiếp tục tăng giá, thì nó sẽ nhanh chóng biến thành một vật cản "kìm hãm" sự phục hồi của nền kinh tế. 

Chuyên gia Koukoulas nói hiện tượng này có thể coi như một hành động thắt chặt chính sách tiền tệ hoặc thực sự là tăng lãi suất – một điều "không thể ngờ tới" đối với các nhà hoạch định chính sách. 

Một số lĩnh vực của nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với một số lĩnh vực khác. Theo chuyên gia Koukoulas, khi đồng AUD tăng cao hơn ngưỡng 75 xu Mỹ, sản xuất và nông nghiệp của Australia sẽ là hai ngành bị tác động nhiều nhất. 

Du lịch cũng sẽ là lĩnh vực bị ảnh hưởng, nhưng không phải vào thời điểm hiện tại, do biên giới quốc gia vẫn đóng cửa và các hoạt động du lịch quốc tế chưa được kết nối trở lại (trừ với New Zealand). 

Mặc dù vậy, các nhà khai thác quặng sắt sẽ tránh được rủi ro khi đồng AUD tăng cao do nhu cầu vẫn rất mạnh. Nhưng chuyên gia Koukoulas cho rằng hàng trăm doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ sẽ là đối tượng chịu thiệt hại nhiều nhất khi đồng AUD vượt điểm phá vỡ. 

Do đồng AUD tăng cao, sản phẩm của các nhà phân phối Australia sẽ trở nên kém cạnh tranh hơn, lợi nhuận của họ vì vậy sẽ bị giảm xuống, dẫn đến tình trạng cắt giảm nhân viên. Đây có lẽ là lý do tại sao ngân hàng NAB đã lưu ý trong cuộc khảo sát kinh doanh mới nhất của mình rằng "chỉ số việc làm vẫn nằm trong vùng tiêu cực". 

Ai sẽ là người hưởng lợi khi đồng AUD tăng giá?

Đồng AUD tăng giá sẽ đem lại lợi ích cho người tiêu dùng trong nước, bởi vì giá cả hàng hóa nhập khẩu chắc chắn sẽ rẻ hơn. 

Trên thực tế, rất khó để người tiêu dùng có thể cảm nhận được bất kỳ khoản lợi tài chính hữu hình nào từ việc mua các món đồ có giá trị nhỏ, nhưng với các món đồ có giá trị cao như tủ lạnh hay bộ salon, giá cả sẽ giảm rõ rệt. 

Mặc dù vậy, chuyên gia Su-Lin Ong cảnh báo dịch bệnh đã khiến tiêu dùng sụt giảm và một lực đẩy đồng AUD tăng cao hơn có thể không hỗ trợ cho nền kinh tế trên diện rộng. 

Đồng AUD được thả nổi từ ngày 12/12/1983 và ngày 12/12/2020 sẽ đánh dấu năm kỷ niệm thứ 37 của sự kiện này. Đồng tiền được thả nổi – hay đồng tiền được định giá theo nhu cầu thị trường – có thể có lợi khi nền kinh tế toàn cầu xấu đi và giá trị của đồng tiền giảm, thì các tác động tiêu cực đối với đồng tiền này sẽ được giảm nhẹ đáng kể. 

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là các lực đẩy đang khiến đồng AUD tăng cao hơn không nhất thiết sẽ hỗ trợ nền kinh tế nhiều hơn. Để nền kinh tế hồi phục một cách bền vững và mạnh mẽ, điều kiện cần là vắc-xin ngừa COVID-19 sẽ sớm được phổ biến rộng rãi. 

Kết thúc bài viết, tác giả dẫn giải một số ý kiến cho rằng RBA nên trực tiếp, thay vì gián tiếp, gâp áp lực khiến đồng AUD hạ giá, thông qua hành động tích cực bán dự trữ AUD trên thị trường tiền tệ. Điều này chưa được RBA áp dụng, nhưng tác giả nhấn mạnh một lần nữa cần phải nhắc lại rằng năm 2020 là một năm đã chứng kiến nhiều động thái chính sách đặc biệt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục