Dư luận xung quanh dự luật hạn chế tiền mặt của Australia (Phần 1)

05:30' - 11/12/2020
BNEWS Những ý kiến phản bác cho rằng dự luật hạn chế tiền mặt có thể hạn chế quyền tự do của người dân trong việc sử dụng tiền mặt và buộc họ phải sử dụng dịch vụ của ngân hàng và các tổ chức trung gian.

Bài viết của tác giả Nassim Khadem đăng tải trên tờ ABC cho biết, Thượng viện Australia đã bỏ phiếu phủ quyết dự luật “hạn chế sử dụng tiền mặt” của Chính phủ, trong đó quy định người dân không được phép thanh toán bằng tiền mặt vượt quá con số 10.000 AUD (7.000 USD) và áp dụng mức án lên tới hai năm tù giam đối với những người cố tình vi phạm lệnh cấm.

Theo một số nhà quan sát, động thái của Thượng viện Australia không phải một bất ngờ lớn, khi trước đó dự luật này đã nhận được rất nhiều ý kiến phản đối từ giới chuyên môn và công chúng. 

* Dự luật “hạn chế sử dụng tiền mặt”

Chính phủ Australia chính thức giới thiệu dự luật hạn chế sử dụng tiền mặt và được Hạ viện thông qua vào tháng 10/2019. 

Theo dự luật này, người dân Australia bắt buộc phải sử dụng các giao dịch điện tử hoặc séc đối với các khoản thanh toán trên 10.000 AUD, nếu vi phạm họ sẽ phải chịu mức án tù hai năm cùng với số tiền phạt lên tới 25.200 AUD (17.000 USD).

Dự luật sẽ áp dụng đối với tất cả các khoản thanh toán cho các loại hàng hóa hoặc dịch vụ như xe ô tô, tàu thuyền, nhà ở và cải tạo nhà của các doanh nghiệp có mã số kinh doanh.

Tuy nhiên, Chính phủ Australia cho biết luật sẽ không áp dụng đối với các giao dịch giữa cá nhân với cá nhân, chẳng hạn như việc bán hàng mà người bán không có mã số doanh nghiệp hoặc chi trả bằng tiền mặt cho các tổ chức tài chính. Dự luật không áp dụng cho các loại tiền kỹ thuật số như Bitcoin.

Lực lượng đặc nhiệm kinh tế của Chính phủ Australia, đơn vị chịu trách nhiệm soạn thảo dự luật, cho biết, đây sẽ là một biện pháp để ngăn chặn các băng đảng tội phạm sử dụng một lượng tiền mặt lớn mua bán tài sản nhằm rửa tiền kiếm được từ các hoạt động bất hợp pháp.

Giới hạn thanh toán tiền mặt cũng sẽ giúp phá vỡ hoạt động của các băng nhóm tội phạm có tổ chức, những kẻ luôn tìm cách rửa tiền kiếm được từ việc sản xuất và buôn bán ma túy và các tội phạm nghiêm trọng khác.

Nhưng dự luật đã vấp phải sự phản đối từ chính giới chính trị, các nhà chuyên môn và công chúng. Những ý kiến phản bác cho rằng dự luật có thể hạn chế quyền tự do của người dân trong việc sử dụng tiền mặt và buộc họ phải sử dụng dịch vụ của ngân hàng và các tổ chức trung gian, trong khi tăng quyền kiểm soát cho các cơ quan có thẩm quyền.

Nghị sỹ độc lập Andrew Wilkie nhận định dự luật hạn chế tiền mặt là không cần thiết khi Australia đã có quy định về việc phải báo cáo các giao dịch trị giá trên 10.000 AUD, và vấn đề nằm ở chỗ quy định này chưa được thực thi đầy đủ.

Bất chấp những tranh cãi xung quanh dự luật mới này, Canberra dự kiến sẽ sớm trình Thượng viện xem xét và áp dụng vào thực tế từ đầu năm 2020.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 g đã khiến Canberra phải chuyển hướng sự tập trung cho các ưu tiên ứng phó kinh tế khẩn cấp và buộc phải đẩy lùi thời gian trình Quốc hội về dự luật nói trên tới cuối tháng 11.

Tuy nhiên, các nỗ lực kiểm soát tiền mặt của Chính phủ Australia đã bị Thượng viện nước này phủ quyết và dự thảo luật nói trên chính thức tạm “khép lại”.

* Mong muốn về một thế giới không tiền mặt

Liệu Chính phủ Australia sẽ tiếp tục theo đuổi một dự luật sửa đổi khác về hạn chế tiền mặt trong tương lai? Tác giả Nassim Khadem cho rằng mọi người đang sống trong một thế giới nơi mà tiền mặt được khẳng định là một trong những phương tiện thanh toán phổ biến nhất.

Mặc dù vậy, các nhà quản lý vĩ mô, bao gồm cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đã công khai mong muốn loại bỏ tiền mặt khỏi các hệ thống thanh toán và giao dịch.

Trên thực tế, đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh xu hướng chuyển đổi từ tiền mặt sang các giao dịch điện tử. Hiện nay, hầu hết các nhà hàng, cửa hàng bán lẻ đều khuyến khích khách hàng sử dụng biện pháp thanh toán điện tử để chi trả, nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus thông qua con đường tiếp xúc vật lý với tiền mặt.

Nhưng không có bằng chứng nào cho thấy việc lây truyền virus qua tiền mặt có xác suất cao hơn so với việc lây truyền qua tiếp xúc với các vật thể khác thường xuyên được sử dụng, như thiết bị cổng thanh toán dành cho thẻ tín dụng hoặc các nút bấm mã PIN an toàn (vì tất cả đều phải được khử trùng đúng cách để ngăn virus lây lan)

Mặc dù vậy, đứng trước mối lo sợ về dịch bệnh, nhiều cửa hàng bán lẻ đã từ chối chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt. Trong khi, một số khác quyết định “nhân cơ hội” thử nghiệm mô hình cửa hàng không dùng tiền mặt để đo lượng sự ưa thích của khách hàng đối với loại hình thanh toán kỹ thuật số.

Tại Australia, một trong hai tập đoàn siêu thị lớn nhất cả nước là Woolworths, đã chính thức áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt cho một số siêu thị thuộc nhóm cửa hàng tiện lợi, nơi mà việc thanh toán bằng tiền mặt gần như đã bị “triệt tiêu”.

Một số quốc gia cũng đã cấm sử dụng tiền mặt cho các giao dịch ở một mức độ nhất định và các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới, bao gồm cả Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA), đang nghiên cứu chuyển sang loại hình tiền tệ kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC).

Điểm đáng chú ý là mặc dù tỷ lệ rút tiền mặt hiện tại đã không còn cao như vào thời điểm trước đại dịch, nhưng tiền mặt vẫn được rút khỏi ngân hàng và lưu giữ bởi hàng triệu người dân Australia, ngay cả trong giai đoạn nước này phong tỏa để chống lại sự lây lan của dịch bệnh và lệnh hạn chế nghiêm ngặt được áp dụng gây giảm chi tiêu và hoạt động kinh tế. 

Dữ liệu thanh toán của RBA cho thấy, vào tháng 12/2019, đã có hơn 44 triệu lượt rút tiền mặt, trị giá 10,4 tỷ AUD. Đến tháng 9/2020, số lần rút tiền mặt đã giảm nhưng không phải là quá nhiều, với 33 triệu lượt, trị giá 9 tỷ AUD.

Thời điểm đại dịch bắt đầu bùng phát vào tháng 3/2020, có nhiều đồn đoán cho rằng những người Australia giàu có đã rút hàng nghìn đến hàng triệu AUD tiền mặt để tích trữ, nhưng báo cáo của RBA khẳng định việc tích trữ tiền mặt đã “giảm bớt”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục