Đà tăng của cước phí đường biển sẽ chưa dừng lại

15:40' - 07/04/2021
BNEWS Giới phân tích dự đoán cước vận chuyển hàng hóa đường biển vẫn sẽ ở mức cao trong năm nay và có thể là cả năm 2022.

Đây là “cú lội ngược dòng ngoạn mục” cho một thị trường mà chưa đến một năm trước còn đang loay hoay ở mức “đáy” của bốn năm.

Cước đường biển bắt đầu tăng trở lại khi nước mua hàng hóa hàng đầu thế giới là Trung Quốc phục hồi từ đại dịch nhanh hơn các nước khác.

Hoạt động chế tạo được nối lại ở quốc gia châu Á này và lượng nông sản lớn nhập khẩu từ Mỹ là lực đẩy đầu tiên giúp cước vận chuyển các mặt hàng không đóng gói như ngũ cốc, quặng sắt và than đá, hay còn gọi chung là hàng hóa khô rời (dry-bulk), tăng lên.

Lượng nhập khẩu của Trung Quốc lớn đến mức khiến cước phí vận chuyển chuyển bằng tàu Panamax, tàu đáp ứng giới hạn kích thước để có thể đi qua kênh đào Panama, tăng lên mức cao nhất trong hơn 10 năm qua.

Sự khởi sắc này sẽ không dừng lại ở đó, khi quý II sẽ chứng kiến đợt nhập khẩu ngô lớn từ Mỹ, và cả than đá, vốn cũng thuộc loại hàng hóa khô rời.

Căng thẳng thương mại giữa Australia và Trung Quốc đã khiến hơn 70 tàu chở hơn 8 triệu tấn than đá bị “mắc cạn” vào cuối năm ngoái, làm giảm nguồn cung tàu.

Dù giờ đây tình hình này đã dịu xuống, những vẫn còn khoảng 35 tàu bị mắc kẹt và không thể vận chuyển hàng mới tính đến đầu tuần này.

Căng thẳng thương mại nói trên còn có một hậu quả khác là mặt hàng than đá giờ đây đang được vận chuyển trên những quãng đường dài hơn, khi Australia đang xuất khẩu mặt hàng này đến những nước xa hơn, như Ấn Độ, còn Trung Quốc phải mua nhiều than đá hơn từ các nước như Colombia và Nam Phi. Điều này đã khiến nhu cầu đối với tàu Panamax tăng lên, thay vì những loại tàu lớn hơn.

Trong một diễn biến “đổ thêm dầu vào lửa” đối với hoạt động vẫn chuyển hàng hóa đường biển, khoảng 90 còn tàu phải nằm dài ở kênh đào Suez Canal sau khi con tàu khổng lồ Ever Given bị mắc kẹt và chắn ngang một trong những tuyến đường vận chuyển quan trọng nhất thế giới. Tình trạng này chỉ kéo dài trong 6 ngày, nhưng đã làm trầm trọng hơn sự thắt chặt nói chung của thị trường vận chuyển hàng khô rời.

Tất cả những điều này xảy ra vì lượng tàu vận chuyển hàng hóa được đự đoán sẽ không tăng lên, với số đơn tàu đặt hàng là không đáng kể.

Gói kích thích kinh tế và kế hoạch đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ còn thúc đẩy nhu cầu hàng hóa nhiều hơn nữa, từ đó tiếp tục đẩy giá cước tăng cao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục