Đặc sản Việt trước sức ép từ hàng nhập khẩu

12:05' - 15/09/2020
BNEWS Để sản phẩm đặc trưng vùng, miền đứng vững trên thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu, cần tổ chức sản xuất đặc sản quy mô lớn, đồng thời xây dựng và phát triển thương hiệu Việt.

Qua gần 5 năm triển khai, Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020, theo Quyết định số 964/QĐ-TTg (Quyết định số 964) của Thủ tướng Chính phủ đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Nhiều đặc sản vùng miền như xoài Sơn La, sâm Ngọc Linh, bơ sáp Đắk Lắk, cá hồi Sapa hay rượu sim Phú Quốc đã mở được đường vào hệ thống phân phối có uy tín trên cả nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. 

Cơ hội rộng mở, nhưng con đường tìm đầu ra cho những sản phẩm đặc trưng vùng miền vẫn còn đó nhiều thách thức và khó khăn. Xoay quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Hoàng Đức Thân, Nguyên Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân.
Phóng viên: Qua 5 năm triển khai Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo theo Quyết định số 964 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều kết quả tích cực đã được ghi nhận. Tuy nhiên, việc khẳng định vị trí của các sản phẩm đặc trưng vùng miền dường như còn chưa đạt được kỳ vọng. Đâu là rào cản làm chậm quá trình này, thưa ông?

GS.TS. Hoàng Đức Thân: Mặc dù đã có những kết quả bước đầu, tuy nhiên nhiều sản phẩm đặc trưng vùng, miền có chất lượng chỉ được biết đến ở địa phương mình, chưa được tiêu thụ rộng rãi trên cả nước và thu hút được sự quan tâm của du khách nước ngoài, chưa xuất khẩu được nhiều.

Nút thắt lớn nhất hiện nay là vấn đề liên kết trong tiêu thụ sản phẩm. Thực tế cho thấy chưa hình thành được chuỗi liên kết nào trong tiêu thụ đặc sản miền núi. Do nhiều điều kiện chủ quan và khách quan, chưa thu hút được các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết tiêu thụ đặc sản miền núi, nhất là tham gia khâu chế biến và phân phối đặc sản.
Một rào cản khác là quy mô sản xuất đặc sản vùng, miền núi vẫn còn nhỏ, phân tán; chất lượng không được kiểm soát chặt chẽ, không bảo đảm tính đồng đều, thiếu sự ổn định. Hầu hết đặc sản chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và khó khăn truy xuất nguồn gốc.
Một vấn đề nữa cũng không kém phần quan trọng là hạn chế về nguồn lực và hiệu quả đầu tư từ nguồn lực nhà nước. Sự phối hợp chưa đồng bộ, chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương để hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ đặc sản vùng, miền cũng là những rào cản làm chậm quá trình phát triển đặc sản vùng, miền.
Phóng viên: Bên cạnh những yếu tố nội tại về chất lượng, hình thức đóng gói... thì sự xuất hiện của các sản phẩm nhập khẩu, nhất là khi Việt Nam mở cửa thị trường thông qua các Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sẽ gây sức ép ra sao lên các đặc sản Việt?
GS.TS. Hoàng Đức Thân: Thực thi các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, Việt Nam phải mở cửa thị trường cho hàng hóa, dịch vụ đến từ các nước đối tác tham gia hiệp định, lúc đó sẽ không còn khái niệm “sân nhà” mà là sân chơi chung gồm các chủ thể trong nước và nước ngoài.
Trong điều kiện đó, các đặc sản miền núi phải đối mặt với nhiều thách thức. Nghiên cứu ở các địa phương cho thấy, sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường trong nước yêu cầu các đặc sản vừa phải giữ được những nét đặc trưng riêng của vùng, miền vừa phải không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm…
Cùng với đó, người sản xuất đặc sản không chỉ chú trọng khâu sản xuất mà còn phải cực kỳ nhạy bén trong khâu tìm hiểu thị trường tiêu thụ, marketing sản phẩm, tham gia các kênh phân phối… Đây cũng là khâu rất yếu hiện nay.
Như vậy, tham gia vào thị trường mở, với cùng một luật chơi rõ ràng đặc sản vùng, miền phải chịu những sức ép lớn. Sức ép lên khâu sản xuất đặc sản, đó là vấn đề chất lượng, giá cả, mẫu mã đặc sản, dịch vụ thương mại, dịch vụ khách hàng… có khả năng cạnh tranh không?
Sức ép lên khâu phân phối là vấn đề tiếp cận các kênh phân phối hiện đại. Đặc biệt khi thực hiện các FTA thì hệ thống phân phối có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ chiếm ưu thế. Đặc sản miền núi vào được không đơn giản.
Sức ép lên khâu phát triển thị trường đó chính là giữ vững thị trường hiện tại là vấn đề khó, phát triển thị trường còn khó khăn hơn.
Mặt khác cũng có thể thấy rằng, chính sức ép của quá trình mở cửa, thực thi EVFTA, CPTTP và các FTA khác buộc chúng ta phải thay đổi và nếu tận dụng tốt thì có thể biến nguy thành cơ.
Phóng viên: Vậy các nhà sản xuất, doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ hàng hóa cần lưu ý những gì để hàng Việt có thể gia tăng khả năng cạnh tranh, đứng vững trên sân nhà và hướng tới xuất khẩu?
GS.TS. Hoàng Đức Thân: Để sản phẩm đặc trưng vùng, miền đứng vững trên thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu, theo tôi, trước tiên cần tổ chức sản xuất đặc sản quy mô lớn, ổn định, đồng thời xây dựng và phát triển thương hiệu Việt.
Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), hiện toàn quốc có trên 800 sản phẩm nông, lâm thủy sản có uy tín phân bổ trên 720 địa phương khác nhau. Tuy nhiên, mới có hơn 60 sản phẩm nông sản đăng ký bảo hộ thành công dưới dạng “chỉ dẫn địa lý” và khoảng 160 nhãn hiệu được đăng ký xác lập quyền, được bảo hộ pháp lý cho các đặc sản trên.
Thứ hai, người sản xuất, doanh nghiệp phải đẩy mạnh nghiên cứu thị trường và marketing sản phẩm; tích hợp dữ liệu thông tin về người tiêu dùng cả offline và online để quản trị quan hệ khách hàng (CRM) hiệu quả; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển, quảng bá thương hiệu đặc sản trên các kênh internet, điện thoại di dộng, mạng xã hội.

Thêm vào đó, một số vấn đề cần lưu ý là triển khai thực hiện việc xác định và hoàn thiện chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm đặc trưng vùng, miền của Việt Nam để tận dụng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên trong các FTA. Đồng thời, thực hiện đa dạng hóa và phát triển bán lẻ đa kênh nhằm tránh rủi ro, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Thứ ba, tăng cường liên kết, hợp tác với nhiều đối tác trong, ngoài nước để tận dụng công nghệ, quản lý và cả thị trường để tăng khả năng tham gia vào chuỗi giá trị; Đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các nhà sản xuất và doanh nghiệp phân phối, tạo mối quan hệ thân thiện, tín nhiệm, tin cậy lẫn nhau.
Ngoài ra, phải có định hướng chiến lược tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị từ trong nước đến khu vực và thế giới để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của đặc sản Việt trên thị trường.
Phóng viên: Sự xuất hiện của các kênh phân phối hiện đại thời gian qua đã dần làm thay đổi thói quen mua sắm, tiêu dùng của người dân. Vậy làm sao để đưa được những nông sản đặc trưng, đặc sản miền núi gia nhập các chuỗi phân phối này, thưa ông?
GS.TS. Hoàng Đức Thân: Mua sắm tại các trung tâm thương mại, các siêu thị, mua sắm online là một xu hướng mang tính thời đại. Các doanh nghiệp, doanh nhân trong môi trường kinh doanh mới cần phải đa dạng hệ thống phân phối hàng hóa. Phải có sự kết hợp hợp lý giữa hệ thống phân phối truyền thống và phân phối hiện đại.
Để nông sản đặc trưng, đặc sản miền núi có thể tiếp cận hệ thống phân phối hiện đại, trước hết, sản phẩm phải đáp những yêu cầu về đảm bảo chất lượng; giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Bao bì đóng gói phải đúng quy chuẩn, thông tin trên nhãn bao bì phải ghi rõ thành phần chất lượng, hướng dẫn sử dụng, có mã truy xuất nguồn gốc…
Tiếp đó, cần thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư cho sản xuất và lưu thông theo chuỗi tiêu thụ đặc sản, nhất là khâu chế biến sâu, khâu phân phối hàng hóa và kết nối cung cầu đặc sản.
Ngoài ra, tổ chức các hội chợ đặc sản ở các thành phố lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh để quảng bá đặc sản và kết nối sản xuất với các siêu thị, trung tâm thương mại cũng là việc nên làm.
Một vấn đề cũng được các chuyên gia khuyến nghị là thành lập “Liên minh các nhà sản xuất, cung cấp đặc sản” để tạo sự thống nhất, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Phóng viên: Với các cơ quan quản lý, ông có đề xuất nào góp phần thúc đẩy tiêu thụ hiệu quả đặc sản, hàng hóa đặc trưng của từng vùng, miền?
GS.TS. Hoàng Đức Thân: Để thúc đẩy tiêu thụ hiệu quả đặc sản, hàng hóa đặc trưng của từng vùng, miền, các cơ quan quản lý cần bổ sung, hoàn thiện và thực thi chính sách khuyến khích, hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ.
Cụ thể là chính sách khuyến khích đầu tư vào sản xuất, tiêu thụ đặc sản; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kích cầu tiêu dùng đặc sản; hỗ trợ xây dựng điểm giới thiệu và bán đặc sản; đẩy mạnh công tác truyền thông, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu đặc sản vùng miền núi.
Về hỗ trợ liên kết tiêu thụ nông sản, cần tạo ra các không gian, môi trường thuận lợi kết nối người sản xuất và người phân phối.
Thêm vào đó, cần xây dựng và phát triển các cụm kinh tế - thương mại - dịch vụ tại các tỉnh miền núi gồm nhiều chủ thể kinh doanh, với các hình thức sở hữu đa dạng; trong đó, lấy tư nhân là động lực chủ yếu. Đây được xem là khâu quan trọng trong việc tổ chức lại thị trường khu vực miền núi nói chung và cho đặc sản nói riêng. Vì vậy, tạo điều kiện cho tầng lớp doanh nhân kiểu mới - doanh nhân nông nghiệp cũng là lựa chọn để phát triển thị trường ở địa bàn này.
Một yếu tố không thể bỏ qua là đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistics cho khu vực miền núi, hải đảo. Nếu chúng ta kết hợp tốt giữa chính sách nhà nước với sự đồng lòng, sáng tạo của người dân khu vực miền núi, hải đảo và tham gia có hiệu quả của doanh nghiệp thì sản phẩm đặc trưng vùng, miền không chỉ đứng vững trên thị trường trong nước mà còn phát triển xuất khẩu.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục