Đại biểu Quốc hội trăn trở với mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020

17:59' - 30/10/2018
BNEWS Mặc dù, đã trải qua gần 3 năm triển khai, song Nghị quyết 35/2016/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 dường như chưa đem lại hiệu quả như mong muốn.

Mục tiêu đạt được 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020 như nghị quyết đề ra đang khiến nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn và nghi ngại về tính khả thi. Bên lề Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV ngày 30/10, các đại biểu Quốc Hội cho rằng, Chính phủ cần mạnh mẽ quyết liệt hơn nữa, triển khai nhiều giải pháp căn cơ hơn nữa mới mong thực hiện được mục tiêu này. 

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam

*Đại biểu Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (đoàn Thái Bình): Có được 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020, đây là một mục tiêu đầy thách thức. Sau nhiều nỗ lực để xây dựng quốc gia khởi nghiệp, đến nay, chúng ta mới chỉ có 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Sau 2 năm nữa, muốn đạt được 1 triệu doanh nghiệp thì mỗi năm cần có thêm ít nhất trên 200.000 doanh nghiệp mới ra đời.

Nhiệm vụ này gần như là bất khả thi vì tốc độ thành lập các doanh nghiệp mới đang giảm dần và trên 5 triệu hộ kinh doanh lại “không muốn lớn”. Trong khi xét về bản chất kinh tế, khu vực này đã là doanh nghiệp, đang đóng góp tới 30% GDP và cũng là đội quân "dự bị" hùng hậu nhất của cộng đồng doanh nghiệp.

Qua quá trình nghiên cứu, tôi nhận thấy rằng, điểm nghẽn thể chế ở đây là do chưa có một chế độ kế toán và chính sách thuế phù hợp cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để bảo đảm các doanh nghiệp này không chỉ không bất lợi so với các doanh nghiệp lớn mà còn được đối xử công bằng với các hộ kinh doanh.

Để khai thông điểm nghẽn này, tôi đề nghị Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội Luật sửa đổi các luật kế toán và luật thuế để có thể áp dụng một chế độ kế toán và thuế thật đơn giản, dễ áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ như các nước khác đã làm.

Đây cũng là giải pháp mang ý nghĩa đột phá, khi cộng hưởng với những nỗ lực cải cách quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, đặc biệt là trong việc cắt bỏ giấy phép con và các thủ tục hành chính…với phương châm “tiếp tục cởi trói cho doanh nghiệp” và theo tinh thần thực thi “trên nóng, dưới nóng, ở giữa cũng phải nóng”, … thì chúng ta sẽ khởi động được một hành trình nâng cấp, chính thức hóa khu vực kinh tế tư nhân - chuyển đổi các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp.

*Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình): Theo thống kê, Việt Nam hiện có 5 triệu hộ kinh doanh. Nếu trong số đó có 3,3 triệu hộ là kinh doanh nhỏ đến lớn và chuyển đổi thành doanh nghiệp thì mỗi tháng chỉ cần nộp 1 triệu đồng cho Nhà nước thì 1 năm ngân sách nhà nước sẽ tăng thu thêm được hơn 39 nghìn tỷ đồng. Số tiền ấy quá lớn và có ý nghĩa. Vậy cách thức nào để thu được khoản tiền này thì theo tôi, chúng ta có nhiều cách để thực hiện. Tại sao đến nay vẫn còn bỏ ngỏ mà không thực hiện.

Nếu cứ với tình hình như hiện nay thì mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 sẽ không thể đạt được. Bởi vì, các hộ kinh doanh đều đang cho rằng, khi đứng ngoài doanh nghiệp (tức là không phải thành lập doanh nghiệp) thì được hưởng các chế độ ưu đãi hơn, các điều kiện dễ dàng, thuận lợi hơn so với khi trở thành doanh nghiệp. Như vậy là không công bằng. Phải làm thế nào để 1 doanh nghiệp siêu nhỏ và 1 hộ kinh doanh cá thể phải có sự bình đẳng. Tóm lại, muốn gì thì gì, các hộ kinh doanh cần phải lập tức và nhanh chóng chuyển đổi để trở thành doanh nghiệp siêu nhỏ.

Ngoài ra, việc bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ với các hộ kinh doanh cá thể về chế độ đãi ngộ, về nghĩa vụ và trách nhiệm đối với xã hội còn giúp mang lại nguồn thu từ tiền thuế. Đương nhiên, lập doanh nghiệp theo hình thức nào thì tùy, nhưng đều phải đóng thuế như nhau. Khác chăng ở việc đóng nhiều hay đóng ít mà thôi.

Các quốc gia trên thế giới đã làm; đặc biệt là Trung Quốc cũng đã làm. Theo đó, các hộ kinh doanh cá thể và các doanh nghiệp siêu nhỏ đều bị ấn định thuế chứ không có chuyện kết toán. Chúng ta nên tìm hiểu, khảo sát và ấn định cho các hộ kinh doanh và các doanh nghiệp siêu nh theo cách đó. Tối thiểu chỉ cần thu 1 triệu đồng/tháng/mỗi hộ kinh doanh hay doanh nghiệp siêu nhỏ cũng là rất tốt. Nếu không nộp cần bị coi là vi phạm. Nguồn thu lớn như thế này mà bị bỏ ngỏ thì quả thật rất lãng phí. Điều này hết sức bình thường ở mọi xã hội nào.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Lưu Bình Nhưỡng chất vấn các thành viên Chính phủ. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

* Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre): Tôi rất băn khoăn về mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Nếu không có các biện pháp quyết liệt thì không thể thực hiện được. Bởi, vấn đề quan trọng cần làm là huy động sức dân. Hiện nay chúng ta rất chậm đổi mới để xây dựng và sửa đổi quy định có liên quan đến hộ kinh doanh.

Theo tôi được biết, tại Cộng hòa liên bang Đức, tất cả các hộ kinh doanh đều phải nằm trong quy chế doanh nghiệp và được coi là doanh nghiệp. Hiện nay ở Việt Nam, nhiều hộ kinh doanh có quy mô lớn hơn cả doanh nghiệp. Nếu cứ để lờ lững như thế này thì sẽ không chỉ không đảm bảo được chỉ tiêu doanh nghiệp, mà còn không đảm bảo được nguồn thu. Thất thu đã đành, nhưng nguồn tiền này còn có nguy cơ chảy vào túi một số người kể, một số tổ chức.

Muốn nhanh chóng hoàn thành mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp, theo tôi, trước hết, Trung ương cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa đối với các địa phương; sử dụng nhiều giải pháp để tập trung tháo gỡ vướng mắc và quyết liệt xử lý các sai phạm.

Cùng với đó, đầu tư các nguồn thu và chuyển tiền của các doanh nghiệp nhà nước vào cơ sở hạ tầng giao thông. Việc thiết kế lại mạng lưới hệ thống giao thông thủy, bộ, sắt, cảng biển, cảng sông sẽ đảm bảo tạo huyết mạch cho nền kinh tế. Khi ấy các doanh nghiệp - vốn được coi là các tế bào kinh tế sẽ tự khắc mọc ra./.

>>> Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình về kế hoạch đầu tư công

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục