Đại học Quốc gia Hà Nội ra mắt chương trình Thạc sĩ di sản học

11:31' - 30/11/2019
BNEWS Khoa Các Khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) chính thức ra mắt Chương trình đào tạo Thạc sĩ Di sản học- Chương trình thạc sĩ đầu tiên tại Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu – Phó Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại Lễ ra mắt chương trình Thạc sĩ di sản học. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Sáng ngày 30/11, Khoa Các Khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) chính thức ra mắt Chương trình đào tạo Thạc sĩ Di sản học- Chương trình thạc sĩ đầu tiên tại Việt Nam với sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, nhà báo và các cá nhân có quan tâm.

Tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu – Phó Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học liên ngành nhấn mạnh, di sản của Việt Nam vô cùng đa dạng, phong phú với nhiều loại hình di sản được công nhận ở tầm quốc tế, khu vực và quốc gia, tạo nên giá trị to lớn về tinh thần cho dân tộc và đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, di sản đang đứng trước nhiều nguy cơ đến từ các vấn đề như toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, kinh tế thị trường và biến đổi khí hậu. Trong khi đó, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản ở Việt Nam còn tồn tại nhiều bất cập và xung đột.

Để có thể phát huy các giá trị di sản theo hướng bền vững, Việt Nam cần có nguồn nhân lực chất lượng cao với tư duy và cách tiếp cận liên ngành làm việc trong lĩnh vực di sản. Sự ra đời của Chương trình đào tạo Thạc sĩ di sản học, chương trình đầu tiên ở Việt Nam đào tạo Di sản học ở bậc thạc sĩ vơi định hướng liên ngành, chính là cung cấp nguồn nhân lực nhân lực chất lượng cao cho xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu này.

Theo đó, chương trình đào tạo được xây dựng theo cấu trúc mô đun học phần, bao phủ tất cả các khía cạnh của di sản từ nền tảng – bối cảnh di sản, giá trị di sản, quản lý và bảo tồn di sản bền vững đến thực hành di sản dựa trên các trụ cột kiến thức khoa học xã hội – nhân văn, khoa học tự nhiên, kiến trúc – xây dựng và công nghệ.

Toàn cảnh Lễ ra mắt chương trình Thạc sĩ di sản học. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Tham gia xây dựng và giảng dạy cho chương trình là các nhà khoa học đang hoạt động tích cực trong các lĩnh vực liên quan đến di sản, công tác tại các trường đại học trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội, các viện nghiên cứu và các cơ quan quản lí di sản như Hội đồng Di sản Quốc gia, UNESCO, Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ, các viện nghiên cứu và các trường đại học trong lĩnh vực di sản, văn hóa, bảo tồn, bảo tàng…

Chương trình hướng đến đối tượng người học đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực và vị trí công tác tại các cơ quan quản lý và bảo tồn di sản, cơ quan nghiên cứu và đào tạo về di sản, cơ quan báo chí và truyền thông, tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội và các doanh nghiệp nhằm cung cấp khả năng nhận diện các vấn đề liên quan đến di sản cũng như khả năng đề xuất các giải pháp, vận dụng các công cụ hỗ trợ và năng lực tổ chức, tham gia giải quyết các vấn đề thực tiễn về di sản.

PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu cho biết thêm, nếu từ năm 2012 đến năm 2017, Khoa được biết đến với chương trình đào tạo thạc sĩ đầu tiên ở Việt Nam về biến đổi khí hậu, về Khoa học bền vững thì từ năm 2018, Khoa đã mở ngành thạc sĩ Quản lý phát triển đô thị. Đặc biệt, từ năm 2020, Khoa chính thức đào tạo một ngành mới: Di sản học. Đây là một trong những chương trình cấp ĐHQGHN, với sự góp sức của những chuyên gia đầu ngành như Hội đồng Di sản Quốc gia, Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia, Bảo tàng Dân tộc học. Chương trình được kỳ vọng như một mảnh ghép đậm sắc cho bức tranh đào tạo liên ngành tại ĐHQG. Đồng thời, đóng góp vào công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của đất nước theo hướng bền vững.

Trong năm 2018-2019, Khoa đã từng bước hoàn thiện việc xây dựng chương trình đào tạo tại tất cả các bậc đào tạo. Chương trình Tiến sĩ Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững chính là sự tiếp nối bền vững của hai chương trình Thạc sĩ của Khoa; và tới đây sẽ là chương trình Cử nhân quản trị Thương hiệu và Truyền thông.

“ Thông qua việc áp dụng những tiến bộ khoa học – công nghệ trong giảng dạy và nghiên cứu và các hình thức giảng dạy đa dạng, phong phú gắn với thực tiễn, Chương trình sẽ đem lại cho người học không chỉ kiến thức mà còn các kỹ năng cần thiết cho công việc của họ. Đây chính là môi trường lý tưởng để người học phat huy sở trường, khả năng của mình”- PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu nói./.

Xem thêm:

>>>Thủ tướng bổ nhiệm nhân sự Bộ Tư pháp và Đại học Quốc gia Hà Nội

                       

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục