Hai trường đại học của Việt Nam lọt bảng xếp hạng 1.000 trường đại học hàng đầu

16:18' - 19/06/2019
BNEWS Bảng xếp hạng mới nhất của QS cũng ghi nhận hai đại diện đến từ Việt Nam, gồm Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh lọt vào tốp 701 - 750, và Đại học Quốc gia Hà Nội xếp ở tốp 801 - 1.000.

Ngày 19/6, Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) của Anh đã công bố bảng xếp hạng các trường đại học thế giới QS World năm 2020, trong đó Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ tiếp tục bảo toàn ngôi vị đầu bảng. Đây là năm thứ 8 liên tiếp trường đại học danh tiếng này giữ vị trí số một trong bảng xếp hạng của QS.

Trong bảng xếp hạng 1.000 trường đại học hàng đầu của 82 quốc gia năm 2020, ngoài vị trí thứ nhất thuộc về MIT, hai trường giữ vị trí tiếp theo là Đại học Stanford và Đại học Harvard cùng của Mỹ. Trong khi đó, Đại học Oxford (Anh) và Học viện Công nghệ California (Mỹ) lần lượt giữ vị trí thứ 4 và thứ 5.

Theo phóng viên TTXVN tại Australia, năm nay, "xứ sở chuột túi" có 5 trường đại học lọt tốp 50, gồm là Đại học Quốc gia Australia (ANU) xếp hạng 29, Đại học Melbourne (38), Đại học Sydney (42), Đại học New South Wales (43) và Đại học Queensland (47).

Nhìn chung, các trường đại học Australia được đánh giá cao về mặt học thuật cũng như khả năng tìm việc của sinh viên sau khi ra trường. Tuy nhiên, có đến 31 trong số 35 trường đại học tại Australia bị tụt hạng về tỷ lệ giảng viên/sinh viên, chủ yếu là do sự gia tăng số lượng sinh viên quốc tế.

Bảng xếp hạng mới nhất của QS cũng ghi nhận hai đại diện đến từ Việt Nam, gồm Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh lọt vào tốp 701 - 750, và Đại học Quốc gia Hà Nội xếp ở tốp 801 - 1.000.

Năm nay, QS World xếp hạng các trường đại học theo 6 tiêu chí, gồm danh tiếng học thuật (chiếm 40% tổng điểm), danh tiếng với nhà tuyển dụng (10%), tỷ lệ giảng viên/sinh viên (20%), tỷ lệ trích dẫn bài báo/giảng viên (20%), tỷ lệ giảng viên quốc tế (5%) và sinh viên quốc tế (5%).

Để có cơ sở dữ liệu đánh giá khách quan, QS World phân tích hơn 93 triệu trích dẫn từ 13 triệu bài báo trên hệ thống Scopus, cũng như tiếp nhận phản hồi từ 1,5 triệu học giả và 240.000 khảo sát với các nhà tuyển dụng trên phạm vi toàn cầu.

Từ đó, QS xác định các trường đại học tốt nhất xét về các khía cạnh chuyên môn, học thuật và các trường hàng đầu về chất lượng đào tạo, sinh viên tốt nghiệp cung ứng cho thị trường lao động./.

Xem thêm:

>>Trung Quốc đứng thứ 2 trong danh sách các trường đại học tốt nhất thế giới

>>Xếp hạng 49 trường đại học: Không thận trọng sẽ mang tác dụng ngược

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục