Đại hội XIII Hội Nông dân Việt Nam: Mong chờ giải pháp đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp

20:20' - 24/12/2023
BNEWS Từ thực tiễn tại địa phương, các đại biểu kỳ vọng vào Đại hội XIII Hội Nông dân Việt Nam đưa ra giải pháp đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp

Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028 sẽ diễn ra từ ngày 25-27/12/2023 tại Thủ đô Hà Nội, Đoàn đại biểu của Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long có 16 đại biểu dự, mang theo niềm tin, hy vọng của hơn 120.000 cán bộ, hội viên nông dân toàn tỉnh.

 

Từ thực tiễn tại địa phương, các đại biểu kỳ vọng vào Đại hội lần này sẽ tập trung đưa ra các giải pháp đổi mới mạnh mẽ phương thức tập hợp, đoàn kết nông dân; tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp; đẩy mạnh hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ thông tin, tham gia chuyển đổi số để người dân yên tâm sản xuất.

Mong chờ những giải pháp đổi mới, đột phá

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long Lê Thanh Hiền cho biết, Đại hội lần này là sự kiện chính trị trọng đại của Hội Nông dân Việt Nam, vì vậy hội viên nông dân của tỉnh Vĩnh Long kỳ vọng Đại hội sẽ bầu ra những lãnh đạo, cán bộ có tầm, tài và tâm để giúp Hội phát triển vững mạnh, có nhiều giải pháp đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn để các sản phẩm của nông dân chế biến, sản xuất được thị trường đón nhận, đời sống của các hộ nông dân ngày càng nâng cao.

Ông Lê Thanh Hiền cho rằng, thực tế hiện nay, ở vùng nông thôn việc phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương còn khó khăn, thiếu nguồn nhân lực. Do đó, tôi mong Đại hội sẽ đề ra nhiều giải pháp trong tập hợp, thu hút người dân tham gia vào tổ chức; xây dựng được nhiều mô hình phát triển kinh tế, khai thác được lợi thế của địa phương; tăng cường liên kết trong xây dựng chuỗi giá trị theo xu thế thị trường, để hội viên nông dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long Trừ Trung Tín cho biết, những ngày này, nông dân cả nước nói chung và nông dân Vĩnh Long nói riêng luôn theo dõi, chờ đợi Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII sẽ có những quyết định, vấn đề quan trọng mà người nông dân quan tâm hiện nay.

Theo đó, nông dân mong muốn tăng cường trách nhiệm của tổ chức Hội trong đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng và phát huy quyền làm chủ; động viên hỗ trợ nông dân thực hiện tốt vai trò chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững và công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn.

Ngoài ra, người nông dân kỳ vọng Đại hội sẽ đề ra những định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ cho nông dân đầu tư cơ sở sản xuất trồng trọt, chăn nuôi hiện đại, ứng dụng công nghệ cao gắn với quy trình sản xuất an toàn, tiên tiến; phát triển sản xuất gắn với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, thiết lập, quản lý, giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, để giúp cho nông dân tiêu thụ hàng hóa nông sản ổn định, không lo điệp khúc được mùa - mất giá.

Đồng thời, Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, quản lý giá cả, chất lượng vật tư nông nghiệp; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp liên kết với các vùng trồng trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Ông Đoàn Văn Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt, huyện Vũng Liêm cho rằng, nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay đối với sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đang tăng mạnh và vượt quá nguồn cung, do đó cần thêm các chính sách mang tính đặc thù để tăng nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này. 

Theo ông Tài, sản xuất hữu cơ hiện nay không còn như xưa là “con trâu đi trước cái cày theo sau”, mà người nông dân phải biết áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là công nghệ cao như: máy bay nông nghiệp, máy san phẳng mặt ruộng bằng tia laze… Tuy nhiên, các thiết bị này đều đòi hỏi chi phí rất lớn, vượt quá khả năng các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Do đó, Nhà nước cần có chính sách ưu tiêu, khuyến khích, tạo điều kiện cho hợp tác xã tiếp cận các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư phát triển sản xuất như vốn vay ưu đãi, quỹ hỗ trợ nông dân...

Giúp doanh nghiệp và người nông dân ổn định sản xuất, chia sẻ lợi nhuận

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long Lê Thanh Hiền cho rằng, những năm qua, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, người nông dân còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, giá phân bón, vật tư duy trì ở mức cao mà đầu ra sản phẩm thấp làm cho chi phí sản xuất cao, lợi nhuận thấp, thậm chí thua lỗ. Nhiều hộ dân không mặn mà thực hiện các mô hình liên kết sản xuất.

Vì vậy, các cấp Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long mong muốn Nhà nước quan tâm đến đầu tư, xây dựng mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giúp doanh nghiệp và người nông dân ổn định sản xuất, chia sẻ lợi nhuận; quan tâm tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học, công nghệ; hỗ trợ vốn, cung ứng phân bón, cây, con giống chất lượng cho nông dân; chính sách đầu tư, hỗ trợ mô hình ứng dụng, liên kết chuyển đổi số trong nông nghiệp phù hợp với đặc điểm của từng vùng miền, giúp nông dân tham gia hiệu quả.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách đặc thù tạo điều kiện để Hợp tác xã nông nghiệp được tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ phát triển Hợp tác xã mà không cần có tài sản thế chấp để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long mong rằng, Đại hội VIII tiếp tục tham mưu Đảng, Nhà nước có chính sách đặc thù quan tâm hỗ trợ nguồn lực cho Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp để xây dựng mô hình điểm phát triển kinh tế nông nghiệp làm cơ sở vững chắc để nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể theo Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 6/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “Về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”.

Nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Vĩnh Long kết nạp 17.797 hội viên, nâng tổng số đến nay có 120.303 hội viên, chiếm 80% so với hộ nông dân toàn tỉnh. Trong nhiệm kỳ, có 336.040 lượt hộ nông dân được công nhận hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Qua phong trào, nhiều hộ hội viên có mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu nhân rộng ở địa phương, nhất là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm kinh tế, giảm nghèo bền vững” đã giúp cho 2.302 hội viên thoát nghèo, số hộ khá, giàu tăng lên.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục