Đắk Lắk: Vi phạm thương mại điện tử diễn biến phức tạp

15:48' - 22/06/2021
BNEWS Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk, thời gian gần đây, tình trạng vi phạm liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Lực lượng chức năng đang tăng cường các biện pháp đấu tranh, xử lý những vi phạm liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử để bảo vệ người tiêu dùng.

 

Một trong những vụ việc gần đây được lực lượng quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk phát hiện và xử lý là vào đầu tháng 6, lực lượng chức năng đã kiểm tra một điểm kinh doanh trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột.

Qua kiểm tra, phát hiện cơ sở này kinh doanh hàng nghìn sản phẩm là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, bánh kẹo… thậm chí có cả một số loại thuốc, thực phẩm chức năng cho trẻ em.

Điều đáng nói, kết quả kiểm tra cho thấy hàng ngàn sản phẩm của cơ sở trên đều là hàng trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ được chủ cơ sở nhập về bán kiếm lời bằng thương mại điện tử trên các nền tảng như: Tiki, Shopee và Facebook với doanh thu mỗi tháng lên đến hàng trăm triệu đồng.

Vụ việc trên chỉ là một trong nhiều cơ sở kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử tại tỉnh Đắk Lắk bị phát hiện và xử lý trong thời gian qua.

Trong 5 tháng đầu năm 2021, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk đã xử lý 41 cơ sở vi phạm kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử với số tiền xử phạt hơn 500 triệu đồng.

Theo ông Mai Mạnh Toàn, Cục Trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk, đối với nhưng loại hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí có cả thuốc cho trẻ em như vụ việc trên khi đến tay người tiêu dùng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Sử dụng lâu dài các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, người tiêu dùng có thể phải gánh chịu những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe của bản thân.

Ngoài ra, môi trường thương mại điện tử đang trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho các đối tượng xấu trục lợi, thực hiện các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, quảng cáo sai sự thật về bản chất, công dụng của hàng hóa, giả mạo nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng…

Việc kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử cũng gây khó khăn trong quản lý thuế khi nhiều tổ chức cá nhân không đăng ký kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, trong khi doanh thu mỗi tháng từ hình thức này là rất lớn.

Điều này dẫn đến nhiều khó khăn đối với các cơ quan quản lý nhà nước và quản lý thuế, thậm chí thất thu thuế là không nhỏ.

“Nhằm bảo vệ người tiêu dùng và kiến quyết đấu tranh, xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân có vi phạm liên quan đến thương mại điện tử, trong thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục đẩy mạnh xử lý việc kinh doanh hàng hóa trên các nền tảng thương mại điện tử; đặc biệt là những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về thương mại điện tử nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người kinh doanh và nhân dân”, ông Mai Mạnh Toàn cho biết thêm.

Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk, mua sắm trên nền tảng thương mại điện tử đang trở thành xu thế của người tiêu dùng, điều này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ mua phải hàng hóa không đảm bảo.

Do đó, cục khuyến cáo người tiêu dùng nên mua hàng tại những trang web uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng như: địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…

Tìm hiểu kỹ sản phẩm trước khi mua như nguồn gốc, xuất xứ, tính năng… nhằm tránh mua phải sản phẩm kém chất lượng. Cảnh giác với những yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ, thông tin cá nhân… vì có thể những thông tin này sẽ bị bán cho bên thứ ba nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật gây tổn thất cho người tiêu dùng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục