Đảm bảo 80% đơn thư khiếu nại của người tiêu dùng được giải quyết

18:34' - 17/02/2025
BNEWS Ông Bùi Thanh Thủy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, năm 2025 Hội sẽ đảm bảo 80% đơn thư phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng được tư vấn, giải quyết.

Ông Bùi Thanh Thủy- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: Năm 2025 được xác định là năm kinh tế thế giới phục hồi chậm, biến đổi khí hậu khó lường, cùng với việc bùng nổ phát triển thương mại điện tử, tiềm ẩn nhiều rủi ro với người tiêu dùng.

 

Vì vậy, để nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Trung ương Hội xác định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành liên quan, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chú trọng đến việc giáo dục nâng cao nhận thức, hành vi của người tiêu dùng, tập trung vào nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương…Bên cạnh đó, Hội sẽ thực hiện các nhiệm vụ hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng, Tháng hành động về An toàn thực phẩm, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tập trung xây dựng và phát triển tổ chức; làm tốt việc tư vấn giải quyết tranh chấp khiếu nại của người tiêu dùng, đảm bảo 80% đơn thư phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng được tư vấn, giải quyết…

Theo ông Bùi Thanh Thuỷ, hiện tại, cả nước đã thành lập được 54 Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 12 đơn vị trực thuộc, thành viên. Số hội viên hiện có khoảng trên 1.400 hội viên tổ chức và gần 142.000 hội viên cá nhân. Đặc biệt, Trung ương Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã chính thức cho ra mắt ứng dụng “Người tiêu dùng”. Đây là ứng dụng trên thiết bị di động, máy tính bảng đầu tiên được triển khai và là bước đi đột phá nhằm nâng cao hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Với ứng dụng này giúp cho người tiêu dùng dễ dàng, thuận tiện để tiếp cận với các quy định, chính sách của Nhà Nước cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Cụ thể, đây là kênh tương tác 2 chiều về khiếu nại, tư vấn khiếu nại; là kênh thông tin tuyên truyền về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ngoài ra, cung cấp các công cụ, tiện ích hướng tới minh bạch thông tin; cung cấp cho doanh nghiệp kênh chính thống thông báo về hàng chính hãng; hệ thống bình chọn, khảo sát cho doanh nghiệp; hệ thống quà tặng, voucher, loyalty… cho người tiêu dùng.

Hệ thống quản lý hội viên của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và nền tảng giới thiệu sản phẩm, dịch vụ người tiêu dùng tin cậy giới thiệu sản phẩm, dịch vụ được người tiêu dùng tin cậy đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Đồng thời, là cầu nối trong mối quan hệ giữa nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà xuất khẩu để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật.

Trong giai đoạn đầu, ứng dụng Người tiêu dùng cung cấp 10 nhóm tính năng chính, bao gồm tư vấn và khiếu nại; khảo sát bình chọn; cảnh báo người tiêu dùng; hàng chính hãng; cẩm nang pháp luật; tra cứu sản phẩm; khuyến mãi; tin tức; phản biện chính sách; hoạt động Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.

“Thời gian tới, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam sẽ tiếp tục lắng nghe thông tin phản hồi, góp ý của người tiêu dùng, để cập nhật, nâng cấp, liên kết với các đơn vị, tổ chức, hoàn thiện thêm dịch vụ, tính năng, tiện ích đem lại quyền lợi tốt nhất cho người tiêu dùng”, ông Bùi Thanh Thủy nhấn mạnh.

Ông Lê Triệu Dũng- Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương) cho hay: Năm 2025, Bộ Công Thương lựa chọn chủ đề cho các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam là “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng trách nhiệm” nhằm nâng cao ý thức bảo vệ người tiêu dùng trước những rủi ro, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi. Bên cạnh đó, từng bước đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng thành động lực và điểm nhấn quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh cho đất nước, đồng thời xây dựng và phát triển các thói quen, kỹ năng tiêu dùng phù hợp với xu thế mới.

Theo kế hoạch, các hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng được khuyến khích tổ chức và thực hiện trong suốt cả năm 2025; trong đó, tập trung vào các khoảng thời gian cao điểm về kinh doanh và tiêu dùng như: Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, các mùa mua sắm hoặc các dịp mua sắm cao điểm trên thị trường. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025 bắt đầu từ mùa mua sắm cuối năm 2024 (tháng 11), được tập trung tổ chức trong tháng 3 (tháng cao điểm) và kéo dài trong cả năm 2025, tùy theo tình hình thực tiễn tại các cơ quan, tổ chức và địa phương.

Mới đây nhất, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Phú Yên cho biết: Đơn vị vừa có văn bản gửi các sở, ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về việc treo băng rôn tuyên truyền Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Theo đó, thời gian treo băng rôn từ ngày 10-20/3/2025. Về nội dung, các đơn vị, doanh nghiệp có thể chọn một hoặc nhiều câu tuyên truyền như: Thông tin minh bạch - Tiêu dùng trách nhiệm; an toàn cho người tiêu dùng trong các giao dịch trực tuyến; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội; đẩy mạnh tiêu dùng hàng Việt, thúc đẩy sản xuất phát triển; người tiêu dùng có quyền được an toàn, khiếu nại và bồi thường…

Ở cấp Trung ương, Bộ Công Thương cũng đang khẩn trương chuẩn bị các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025. Một số hoạt động dự kiến sẽ được triển khai bao gồm: Tổ chức Lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025; thực hiện các hoạt động tuyên truyền phổ biến; xây dựng và phát hành các tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền có liên quan; tổ chức các hội thảo, tập huấn, khóa đào tạo theo chủ đề; phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động tri ân người tiêu dùng; tổ chức các sự kiện công cộng hướng về người tiêu dùng và các cuộc thi tìm hiểu về quy định pháp luật, kiến thức, kỹ năng kinh doanh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Với chủ đề “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng trách nhiệm”, Bộ Công Thương kêu gọi, động viên, khuyến khích sự tham gia chủ động và có trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng với các hoạt động liên quan; từng bước đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam thành động lực và điểm nhấn quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội, hỗ trợ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, đồng thời bảo đảm quyền cơ bản của người tiêu dùng, đặc biệt là quyền được tiếp cận thông tin một cách minh bạch, an toàn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục