Nợ tiêu dùng quá hạn của Mỹ đạt mức cao nhất trong gần 5 năm

08:44' - 14/02/2025
BNEWS Tỷ lệ nợ tiêu dùng chưa thanh toán đang trong tình trạng quá hạn của Mỹ trong quý IV/2024 đã tăng lên mức cao nhất trong gần 5 năm.

Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn báo cáo Nợ và Tín dụng của hộ gia đình được Cục Dự trữ liên bang (Fed) chi nhánh New York công bố ngày 13/2 cho biết tỷ lệ nợ tiêu dùng chưa thanh toán đang trong tình trạng quá hạn của Mỹ trong quý IV/2024 đã tăng lên mức cao nhất trong gần 5 năm.

 

Theo đó, khoảng 3,6% nợ tiêu dùng quá hạn trong quý IV/2024 - chủ yếu là các khoản thế chấp, khoản vay sinh viên, khoản vay mua ô tô và số dư thẻ tín dụng - đã tăng 0,5%, lên mức kỷ lục 18 nghìn tỷ USD, mức cao nhất kể từ quý II/2020.

Trong khi đó, tình trạng chuyển sang nợ quá hạn nghiêm trọng - được định nghĩa là quá hạn 90 ngày trở lên - tăng nhẹ đối với các khoản vay mua ô tô, thẻ tín dụng và số dư tín dụng thế chấp nhà.

Tỷ lệ các khoản vay mua ô tô chuyển sang nợ quá hạn nghiêm trọng đã tăng lên 3%, mức cao nhất kể từ năm 2010, trong khi tỷ lệ số dư thẻ tín dụng chuyển sang nợ quá hạn nghiêm trọng, ở mức 7,2%, bằng mức cao nhất kể từ năm 2011.

Số dư thẻ tín dụng trong quý IV/2024 cũng ghi nhận mức tăng cao 3,9%, trong đó nợ vay mua ô tô tăng 0,7%, nợ vay sinh viên tăng 0,6% và nợ thế chấp tăng 0,1%.

Báo cáo cho thấy người Mỹ đang ngày càng gặp khó khăn về tài chính khi phải đối mặt với chính sách lãi suất cao do Fed áp dụng năm thứ ba liên tiếp nhằm hạ nhiệt lạm phát. Trong bài viết kèm theo báo cáo, các nhà nghiên cứu của Fed New York đã chỉ ra rằng các khoản vay mua ô tô nói riêng là nguồn chính gây ra tình trạng này.

Theo nhà nghiên cứu Andrew Haughwout, giá xe cao hơn kết hợp với lãi suất cao đã thúc đẩy các khoản thanh toán hàng tháng tăng lên và gây áp lực lên người tiêu dùng trên toàn bộ phổ thu nhập và điểm tín dụng.

Cũng trong ngày 13/2, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho biết giá sản xuất của nước này tiếp tục tăng cao trong tháng 1/2025, dấu hiệu cho thấy lạm phát đang tăng trở lại và củng cố dự báo của thị trường tài chính về việc Fed sẽ không cắt giảm lãi suất trước nửa cuối năm nay.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ đã tăng 0,4% trong tháng 1/2025, sau khi tăng 0,5% vào tháng 12/2024. So với cùng kỳ năm ngoái, tính đến tháng 1, PPI đã tăng 3,5%, tương đương mới mức tăng của tháng trước đó.

Sự gia tăng của PPI diễn ra đối với hàng hóa và dịch vụ. Giá hàng hóa bán buôn tăng 0,6% trong tháng 1, sau khi tăng 0,5% vào tháng 12/2024. Hơn 50% mức tăng đến từ mức tăng 1,7% của giá năng lượng. Giá thực phẩm cũng tăng vọt 1,1%, trong đó riêng giá trứng tăng 44,0% do dịch cúm gia cầm bùng phát. Không tính đến giá thực phẩm và năng lượng, PPI hàng hóa tăng nhẹ 0,1% trong tháng thứ hai liên tiếp.

Với số liệu PPI mới được công bố, ước tính của các nhà kinh tế về mức tăng chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi trong tháng 1 đã được điều chỉnh xuống còn từ 0,2% - 0,3%, thấp hơn mức dự báo tăng 0,4% được đưa ra sau khi dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được công bố ngày 12/2.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo lạm phát sẽ có xu hướng tăng cao hơn nữa khi Tổng thống Donald Trump tiếp tục áp dụng thuế quan rộng rãi đối với hàng nhập khẩu và trục xuất hàng loạt người nhập cư bất hợp pháp, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động và làm tăng tiền lương và giá cả hàng hóa.

Cùng với đó, thị trường tài chính đã đẩy lùi kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Fed từ tháng 6 sang tháng 9 do đánh giá nhu cầu nội địa mạnh mẽ và thị trường lao động ổn định.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục