Đảm bảo an toàn giao thông đường thủy trong mùa mưa bão

16:11' - 07/06/2023
BNEWS Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, vấn đảm bảo an toàn giao thông đường thủy trong mùa mưa bão trên phạm vi toàn quốc là nhiệm vụ rất quan trọng được thực hiện thường xuyên hàng năm.

Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, nước ta với hệ thống đường thuỷ đa dạng với nhiều luồng, tuyến, thuận tiện cho các phương tiện đi lại, hoạt động vận tải  đường thủy. Tuy nhiên, cùng với các phương tiện thuỷ ngày càng tăng, nhiều cảng, bến nhỏ lẻ, nằm phân tán, khiến mỗi khi mưa bão về, việc thông báo, vận động người dân, phương tiện đến các điểm tập kết an toàn hết sức khó khăn. Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do mưa bão gây ra, ngành đường thủy đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tăng cường đảm bảo an toàn giao thông vận tải đường thuỷ trong mùa mưa bão.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Hoàng Minh Toàn cho biết, vấn đảm bảo an toàn giao thông đường thủy trong mùa mưa bão trên phạm vi toàn quốc là nhiệm vụ rất quan trọng được thực hiện thường xuyên hàng năm.

Năm nay dự báo mùa mưa bão năm nay sẽ có nhiều biến động theo hướng phức tạp cả về tần suất lẫn cường độ. Vì vậy Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã chủ động xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai. Từ những biện pháp sát với tình hình thực tế, sớm dự phòng và chủ động triển khai phòng, chống kịp thời, điều này sẽ góp phần giảm thiểu tác hại của thiên tai, nâng cao ý thức tự giác trong nhân dân, hạn chế được những tai nạn đáng tiếc và những nguy cơ tiềm ẩn mất trật tự an toàn giao thông đường thuỷ.

Cùng với đó, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cũng sẽ thành lập các đoàn kiểm tra các điểm xung yếu, điểm đen về mất an toàn giao thông trong thời gian tới.

Cũng theo Phó Cục trưởng Hoàng Minh Toàn, hiện đơn vị đang tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp thiết bị về phao tiêu, thiết bị chống va trôi, biểu báo phục vụ việc duy tu các luồng tuyến. Ngay sau khi có kết quả đấu thầu, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam sẽ chỉ đạo nhà thầu triển khai ngay để đảm bảo các điều kiện về an toàn các luồng tuyến,

Thông tin về kết quả bảo đảm an toàn giao thông 5 tháng đầu năm, đại diện Phòng Vận tải (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) cho biết, thống kê cho thấy tình hình an toàn giao thông đường thủy từ đầu năm đến nay có những kết quả tích cực khi giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và bị thương). Theo  đó, 5 tháng đầu năm cả nước xảy ra 8 vụ tai nạn đường thủy, giảm 8 vụ (giảm 50%) so với cùng kỳ năm 2022 (năm 2022 có 16 vụ). Về số người chết cũng giảm 73,33% (có 8 người chết vì tai nạn đường thủy, trong khi đó cùng kỳ năm 2022 số người chết là 22 người). Về số người bị thương vì tai nạn đường thủy là 1 người giảm 100% so với cùng kỳ.

Lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thông tin, để có sự thống nhất và chủ động trong đảm bảo an toàn giao thông đường thủy trên toàn quốc, Cục đã vừa ban hành công văn số 1188/CĐTNĐ-VT-ATGT gửi các Sở Giao thông Vận tải toàn quốc, Ban An an toàn giao thông địa phương cũng như các đơn vị trong ngành về việc tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trong mùa bão lũ và đợt cao điểm diễn ra kỳ thi trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2023.

Theo đó, đối với Sở Giao thông Vận tải các tỉnh và Ban An toàn giao thông, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam yêu cầu thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị chuẩn bị triển khai phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của hoạt động quản lý bảo trì, việc điều tiết hướng dẫn giao thông, chống va trôi, đảm bảo an toàn cho người, phương tiện và công trình cầu vượt sông tại những vị trí trọng yếu trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia;

Cùng với đó các đơn vị này cần chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với cơ quan có liên quan tại địa phương xử lý các vụ tai nạn đường thủy nội địa, tăng cường kiểm tra các quy định về điều kiện hoạt động của phương tiện, đăng ký đăng kiểm, chứng chỉ chuyên môn, trang thiết bị an toàn… việc trang bị, sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh tại các bến khách ngang sông trên địa bàn quản lý; yêu cầu chủ bến, chủ phương tiện phải chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Đối với các đơn vị trong ngành (Chi cục Đường thủy nội địa khu vực I, III và Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực I, II, III, IV), Cục Đường thủy nội địa Việt Nam yêu cầu thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị chuẩn bị triển khai phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của công tác quản lý bảo trì, công tác điều tiết hướng dẫn giao thông, chống va trôi, đảm bảo an toàn cho người, phương tiện và công trình cầu vượt sông tại những vị trí trọng yếu trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia;

Thực hiện rà soát các vị trí điều tiết khống chế đảm bảo an toàn giao thông chưa được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt nhưng cần thiết phải bổ sung như: đối với các vị trí cầu đường bộ, đường sắt, các vị trí có nguy cơ cao xảy ra sự cố nhằm đảm bảo an toàn đường thủy nội địa và hạ tầng giao thông thủy nội địa, báo cáo bằng văn bản về Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, để rà soát và tổng hơp báo cáo Bộ Giao thông Vận tải xem xét, giải quyết.

Các đơn vị trong ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm yêu cầu chủ doanh nghiệp, thuyền trưởng, người lái phương tiện phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và hàng hóa khi tham gia lưu thông vào mùa mưa bão; phối hợp với các đơn vị liên quan của địa phương trong việc hướng dẫn nơi neo đậu, tránh trú an toàn cho các phương tiện và có các biện pháp đảm bảo an toàn về người, phương tiện khi có các tình huống bất ngờ xảy ra; phối hợp với các đơn vị liên quan yêu cầu các phương tiện không neo đậu gần các cầu vượt sông để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa trên tuyến được giao thực hiện quản lý bảo trì.

Lực lượng Thanh tra - An toàn đường thủy được Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chỉ đạo phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra tại các bến khách ngang sông, bến phà, bến tàu chở khách du lịch và sử dụng phương tiện nhỏ, thô sơ chở người hoạt động trên đường thủy; cương quyết đình chỉ hoạt động các bến đò ngang trái phép, các phương tiện chở khách không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, vi phạm quy định về đăng ký, đăng kiểm, không trang bị đủ dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, chở quá số người quy định, người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp;

Đặc biệt, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa tại Kế hoạch hành động bảo đảm trât tự an toàn giao thông đường thủy nội địa “Năm An toàn giao thông 2023 của Cục đường thủy nội địa Việt Nam…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục