Đảm bảo chất lượng Kỳ thi THPT quốc gia: Bài 1: Vẫn nên duy trì ổn định Kỳ thi 2 trong 1

08:56' - 28/07/2018
BNEWS Thời gian qua, dư luận xã hội và những người làm công tác giáo dục đều hết sức bức xúc khi xảy ra gian lận điểm thi trong Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia 2018 ở một số địa phương.

Các ngành chức năng đã vào cuộc nhanh chóng, những cá nhân vi phạm đã bước đầu được xử lý, song nhiều người vẫn chưa hết hoài nghi kết quả thi Trung học Phổ thông quốc gia.

Có ý kiến cho rằng cần bỏ Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia, trả lại việc tổ chức thi tuyển đại học cho các trường đại học như trước. Nhưng cũng có không ít ý kiến cho rằng cần giữ ổn định kỳ thi như hiện nay, không thể vì 1-2 địa phương gian lận mà hủy bỏ công sức, nỗ lực đổi mới, giảm áp lực thi cử của toàn ngành giáo dục...

Nhân dịp này, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) giới thiệu chùm 2 bài viết chủ đề “Đảm bảo chất lượng Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia” nhằm làm rõ những lợi ích, hiệu quả, cũng như "lỗ hổng" có thể xảy ra trong quy trình chấm thi của Kỳ thi 2 trong 1.

Mặt khác, bài viết cũng đưa ra phương án cải tiến để đảm bảo cho Kỳ thi thực sự an toàn, minh bạch, công bằng cho tất cả các thí sinh với ý kiến đóng góp từ chuyên gia...

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 vừa kết thúc. Ảnh minh họa: TTXVN

Bài 1: Vẫn nên duy trì ổn định Kỳ thi 2 trong 1

Mấy năm vừa qua, giáo dục nước ta đã có những chuyển biến tích cực, trong đó có việc gộp Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và Kỳ thi Đại học trong một kỳ thi chung duy nhất – Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia từ năm 2015. Đây là sự kiện quan trọng của ngành giáo dục, được gọi ngắn gọn là Kỳ thi 2 trong 1, thực hiện hai nhiệm vụ: Tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng, nhằm giảm bớt tình trạng học tủ, học lệch và giảm bớt chi phí…

* Giảm thiểu gánh nặng cho toàn xã hội

Kỳ thi 2 trong 1 được áp dụng thống nhất trên toàn quốc từ năm 2015 nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông trước đây và Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hình thức “3 chung”.

Các trường đại học sẽ dùng kết quả thi này để xét tuyển vào đại học, cao đẳng, đảm bảo tính trung thực, khách quan, giảm áp lực, giảm chi phí đối với thí sinh, gia đình và xã hội. Đây là nỗ lực rất lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm đảm bảo tính liên tục của lộ trình đổi mới thi, không gây xáo trộn cho giáo viên và học sinh, phù hợp với Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới.

Sau 4 năm triển khai Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia, những lợi ích mà Kỳ thi đem lại là không thể phủ nhận. Kỳ thi đã giảm thiểu được chi phí rất lớn cho xã hội, tạo thuận lợi cho học sinh, phụ huynh. Việc thí sinh không phải di chuyển về thành phố, thị xã để dự thi góp phần giảm bớt nhân lực trong công tác duy trì giao thông, an ninh, trật tự... Đại đa số nhân dân và xã hội thực sự đồng tình, ủng hộ Kỳ thi này.

Thêm vào đó, việc các thí sinh thi trắc nghiệm với đại đa số các môn thi trong Kỳ thi 2 trong 1, mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có 1 mã đề riêng, đã gần như loại trừ được hiện tượng thí sinh quay cóp, chép bài nhau. Học sinh không thể học lệch, học tủ mà phải nắm được kiến thức tổng quát mới đạt kết quả cao. Nhờ đó, không còn hiện tượng trường thi phủ trắng “phao thi”...

Cách ra đề và hình thức thi đã làm chuyển biến mạnh mẽ việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá trong nhà trường, hướng tới phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn.

Tuy nhiên, song hành cùng những lợi ích đem lại, những khó khăn, bất cập “lộ diện” trong quá trình tổ chức thi cũng là điều không thể tránh khỏi trên con đường đổi mới. Với tinh thần cầu thị và sự cố gắng của toàn ngành giáo dục, những hạn chế còn tồn tại của Kỳ thi năm trước đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo rút kinh nghiệm để điều chỉnh trong những năm sau.

Từ những kết quả đã đạt được, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giữ ổn định phương án tổ chức Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển sinh vào đại học, cao đẳng năm 2017 cho năm 2018 và các năm tiếp theo, với những điều chỉnh kỹ thuật trên cơ sở rút kinh nghiệm tổ chức thi, tuyển sinh từng năm, cho đến khi áp dụng đầy đủ chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ Giáo dục và Đào tạo trao đổi với phóng viên sau khi kết thúc buổi họp báo về những sai phạm trong kết quả thi Trung học Phổ thông quốc gia tại Sơn La. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2018 được tổ chức đã đáp ứng yêu cầu gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, tiết kiệm, giảm áp lực cho thí sinh, gia đình và xã hội.

Tuy nhiên, ngay sau khi công bố điểm thi, dữ liệu phân tích phổ điểm cho thấy có một số dấu hiệu bất thường về điểm thi tại một số địa phương.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẩn trương tổ chức kiểm tra, rà soát, xác minh và tìm ra gian lận, tiêu cực xảy ra trong công tác chấm thi tại tỉnh Hà Giang và Sơn La.

Sự việc đã dấy lên một “làn sóng” bất bình trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin về tính trung thực, khách quan của kết quả thi Trung học Phổ thông quốc gia. Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng, Kỳ thi 2 trong 1 đã hết sứ mệnh, nên trả kỳ thi tốt nghiệp về cho địa phương và việc xét tuyển đại học, cao đẳng để các trường tự quyết.

* Cần giữ ổn định Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia

Dư luận đang có nhiều luồng ý kiến về việc có nên giữ hay thay thế Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia hiện nay. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục, các trường đại học, trường phổ thông vẫn thống nhất cho rằng cần thiết duy trì Kỳ thi THPT quốc gia trong những năm tới đây.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Anh Tài, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (Đại học Thái Nguyên) chia sẻ: Tinh thần của Kỳ thi “2 trong 1” là rất thiết thực, các thí sinh chỉ phải thi một kì thi gọn, nhẹ, không lãng phí nhiều thời gian, công sức và tiền bạc đi thi ở nhiều nơi, nhiều trường.

Với một vài sự việc đáng tiếc diễn ra trong thời gian qua, không nên đánh giá cả Kỳ thi vì sai phạm là của một số cá nhân tham gia một số khâu của Kỳ thi. Nếu tất cả các cán bộ đều có trách nhiệm, công tâm, không vụ lợi cá nhân thì sẽ không xảy ra vụ việc như ở Hà Giang, Sơn La.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Anh Tài: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhanh chóng vào cuộc, xác minh sai phạm cũng như tích cực triển khai các biện pháp nhằm hạn chế, khắc phục. Như khi viết ra một phần mềm, người viết luôn mong muốn có phần mềm tối ưu nhất, nhưng nếu đã nhìn ra lỗ hổng, cần phải cập nhật phần mềm, điều chỉnh cho chặt chẽ hơn. Vì vậy, vấn đề cần được nhìn dưới góc độ tích cực, không chỉ vì sai sót của số ít mà phủ nhận những điểm tốt, tích cực của cả một Kỳ thi.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Anh Tài cho rằng, trước mắt, khi các trường chưa sẵn sàng tự chủ, chưa chuyển đổi, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn nên tổ chức Kỳ thi 2 trong 1 sau khi rà soát, điều chỉnh về cách thức triển khai, con người vận hành các khâu của Kỳ thi. Những vụ việc vừa qua chính là cơ hội để tìm ra lỗ hổng và bổ sung, vá lỗi.

Đồng quan điểm trên, thầy Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nhân Việt (Thành phố Hồ Chí Minh) nhận xét: Qua từng năm, Kỳ thi Trung học Phổ thông đã có những điều chỉnh hợp lý. Không nên quy chụp từ sự việc Hà Giang, Sơn La mà nghi ngờ đến sự nghiêm minh, nghiêm túc của các tỉnh, thành còn lại, của cả Kỳ thi.

Trước ý kiến của dư luận cho rằng, nên giao cho các Sở Giáo và Đào tạo địa phương xét tốt nghiệp, giao việc tuyển sinh cho các trường đại học, thầy Bùi Gia Hiếu cho rằng: Việc bỏ xét tốt nghiệp trước mắt chưa thực sự phù hợp, mà cần chờ tới khi Chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai. Lúc đó, việc chuẩn hóa công tác đánh giá học sinh được cải thiện, phù hợp với chương trình học mới nên xem xét, cân nhắc việc xét tốt nghiệp...

Ông Nguyễn Minh Tường, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ cũng cho rằng: Sai phạm của Hà Giang hay Sơn La không thể là đại diện cho 63 tỉnh, thành trên cả nước, không thể vì những sai phạm đó mà chùn bước. Trách nhiệm của nhà quản lý phải nhìn được nguyên nhân của sai phạm để tham mưu và chỉnh sửa. Do vậy, việc giữ ổn định Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia là cần thiết; đồng thời cần có những biện pháp đồng bộ, chặt chẽ hơn nhằm hạn chế thấp nhất và triệt tiêu những tiêu cực ở tất cả các khâu của Kỳ thi./.

>>> Bài 2: “Vá lỗ hổng”, hoàn thiện các khâu của Kỳ thi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục