Đảm bảo cung cấp điện cho Hà Nội đến năm 2020 - Bài 2: Gỡ vướng về mặt bằng

15:22' - 01/02/2018
BNEWS Theo EVNNPT, đến thời điểm này, dự án đã bàn giao cho các nhà thầu thi công 24/46 VT; trong đó, trên địa bàn huyện Hoài Đức còn 21/34 VT đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Đường dây 220 kV rẽ nhánh TBA 220 kV Tây Hà Nội. Ảnh: Mai Phương/TTXVN

Khu vực phía Tây Hà Nội gồm: các quận Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, thị xã Sơn Tây và các huyện: Thạch Thất, Ba Vì, Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai. Đây là khu vực có tốc độ phát triển phụ tải cao với sự xuất hiện ngày càng nhiều các khu quy hoạch hành chính, trung tâm văn hóa, khu đô thị mới, chung cư cao tầng...

Các quận: Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông hiện đang được cấp điện từ các trạm biến áp 220 kV: Chèm, Thành Công, Mai Động và Hà Đông. Đến năm 2020, các quận này sẽ được cung cấp thêm 500 MVA từ trạm biến áp (TBA) 220 kV Tây Hồ.

Khu vực thị xã Sơn Tây và các huyện: Thạch Thất, Ba Vì, Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai hiện đang được cấp điện từ các TBA 220 kV: Sơn Tây, Tây Hà Nội, Xuân Mai và một phần từ các TBA 220 kV: Hà Đông, Chèm. Đến năm 2020, các huyện, thị này sẽ được cung cấp thêm 500 MVA từ các TBA 220 kV Sơn Tây (máy 2), Tây Hà Nội (máy 2).

Để đảm bảo cấp điện cho khu vực phía Tây Hà Nội, trong năm 2017,  Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành đường dây 220 kV Hòa Bình - Tây Hà Nội (dài 50,7 km).

Trong năm 2018, EVNNPT sẽ hoàn thành đóng điện các dự án: TBA 500 kV Tây Hà Nội (công suất 900 MVA), đường dây 220 kV rẽ nhánh TBA 220 kV Tây Hà Nội (dài 12,7 km). Trong giai đoạn 2019 – 2020, Tổng công ty sẽ hoàn thành đóng điện các dự án đường dây 500 kV Tây Hà Nội - Thường Tín, TBA 220 kV Tây Hà Nội (máy 2).

Cụ thể, Đường dây 220kV rẽ nhánh trạm biến áp 220kV Tây Hà Nội được đầu tư xây dựng nhằm truyền tải công suất từ Nhà máy thủy điện Hòa Bình vào hệ thống điện Quốc gia, đáp ứng nhu cầu phụ tải khu vực phía Tây Hà Nội và vùng lân cận, góp phần đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy trong vận hành hệ thống điện.

Dự án có chiều dài 12,7 km, gồm 46 vị trí cột đi qua các địa bàn huyện Quốc Oai, Hoài Đức thuộc thành phố Hà Nội. Với tổng mức đầu tư 476,4 tỷ đồng, dự án được bố trí từ nguồn vốn vay WB và vốn EVNNPT, được khởi công 29/9/2016.

Theo kế hoạch, dự án đóng điện quý IV/2017 nhưng do khó khăn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn Hà Nội nên phải điều chỉnh kế hoạch đóng điện dự án vào quý II/2018.

Theo EVNNPT, đến thời điểm này, dự án đã bàn giao cho các nhà thầu thi công 24/46 VT; trong đó, trên địa bàn huyện Hoài Đức còn 21/34 VT đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Đoạn tuyến hành lang trên địa bàn huyện Hoài Đức, qua khảo sát sơ bộ, tuyến đường dây đi qua đất một số nhà, công trình làm trên đất nông nghiệp nên tại vị trí 36 thuộc địa bàn xã Đông La nằm trong khuôn viên nhà biệt thự xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

Bên cạnh đó có vị trí 16 thuộc địa bàn xã An Thượng nằm trên đất nông nghiệp nhưng xã bán trái thẩm quyền, hiện nay chưa xác định được chính xác nguồn gốc đất. Nhiều nhà xưởng xây dựng trên đất nông nghiệp trong hành lang đường dây. Các vướng mắc này tiềm ẩn nhiều khó khăn trong quá trình thi công kéo dây.

NPMB cho rằng nếu tiến độ giải phóng mặt bằng được đẩy nhanh thì dự án Đường dây 220kV rẽ nhánh trạm biến áp 220kV Tây Hà Nội mới có khả năng hoàn thành trong quý II năm nay. Ảnh minh họa: Mai Phương/TTXVN

Đánh giá của Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB) cho thấy, Dự án bị chậm chủ yếu do vướng mắc trong quá trình điều chỉnh tuyến và giải phóng mặt bằng.

Cụ thể như sau khi được Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố bàn giao mốc giới giải phóng mặt bằng trên thực địa, NPMB đã triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng. Trong quá trình triển khai, tại đoạn tuyến qua địa bàn xã Đông La, UBND xã Đông La không thống nhất và kiến nghị NPMB dịch chuyển hướng tuyến.

Tại cuộc họp ngày 14/4/2017 của UBND thành phố Hà Nội tiếp tục họp với các sở, ngành để giải quyết vướng mắc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản kết luận giữ nguyên hướng tuyến đường dây đã được UBND thành phố chấp thuận và yêu cầu UBND huyện Hoài Đức chỉ đạo triển khai giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên trên thực tế, việc giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Hoài Đức vẫn không thực hiện được do UBND xã Đông La không phối hợp thực hiện.

Đến ngày 18/8/2017, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục họp với các sở, ngành. Tại cuộc họp Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản giao UBND huyện Hoài Đức khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng cho Chủ đầu tư.

Đến thời điểm này, NPMB đang tích cực phối hợp với huyện Hoài Đức để lập, duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn xã Đông La.

NPMB cho rằng nếu tiến độ giải phóng mặt bằng được đẩy nhanh thì dự án Đường dây 220kV rẽ nhánh trạm biến áp 220kV Tây Hà Nội mới có khả năng hoàn thành trong quý II năm nay./.

>>> Đảm bảo cung cấp điện cho Hà Nội đến năm 2020 - Bài 1: Chia làm 4 vùng phụ tải

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục