Đảm bảo minh bạch xuất xứ các mặt hàng gỗ

16:42' - 11/09/2019
BNEWS Theo Tổng cục Lâm nghiệp, các mặt hàng gỗ, đặc biệt là gỗ dán tiềm ẩn nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ hàng hóa để lợi dụng thuế nhập khẩu thấp hơn từ Việt Nam sang Mỹ.

Tại buổi làm việc với các doanh nghiệp và Hiệp hội ngành chế biến gỗ, ngày 11/9, tại Hà Nội, Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu lâm sản có khả năng đạt 11 tỷ USD, nhưng thị trường cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với các doanh nghiệp và hiệp hội ngành chế biến gỗ. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Điển hình là những cảnh báo về tiềm ẩn nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ hàng hóa với mặt hàng gỗ dán. Cùng với đó là những khó khăn về nguồn nhân lực, mặt bằng cho doanh nghiệp chế biến, thách thức về thương hiệu…

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, các mặt hàng gỗ, đặc biệt là gỗ dán tiềm ẩn nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ hàng hóa để lợi dụng thuế nhập khẩu thấp hơn từ Việt Nam sang Mỹ. Việc gian lận này chủ yếu theo hình thức, các doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm hoặc bán sản phẩm từ Trung Quốc sau đó sơ chế để xuất khẩu sang Mỹ với xuất xứ Việt Nam.

Trước tình hình trên, Thứ trưởng Hà Công Tuấn yêu cầu phải đảm bảo minh bạch xuất xứ hàng hóa. Đây là việc không chỉ đáp ứng yêu cầu với Hoa Kỳ mà với tất cả các thị trường khác mà Việt Nam có quan hệ thương mại. Việt Nam sẽ thực hiện truy xuất nguồn gốc từ quá trình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng… đến xuất khẩu.

Các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và các doanh nghiệp có xuất khẩu gỗ dán tăng sẽ phải thực hiện việc giải trình và phải chịu việc tăng một số thủ tục hành chính, nhưng đây là việc phải làm.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn giao Tổng cục Lâm nghiệp và Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đánh giá, dự báo về tình hình thương mại gỗ và đồ gỗ, nhất là mặt hàng gỗ dán và báo cáo Bộ trong tháng 9/2019. Nếu có tình trạng gian lận thương mại phải có biện pháp xử lý mạnh, thậm chí là cấm xuất khẩu.

Trong tháng 9/2019, Tổng cục Lâm nghiệp phải trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự thảo Nghị định quy định Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS) để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Việc xây dựng dự thảo Nghị định phải gắn kết với tình hình mới và đảm bảo việc truy suất nguồn gốc sản phẩm, kết hợp với ứng dụng công nghệ để tạo thương hiệu, uy tín cho nguyên liệu.

Để duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu lâm sản thời gian tới, ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương cho rằng, về nội lực, bài toán liên kết sẽ là mấu chốt, nhưng cơ chế nào lại là một vấn đề.

Điển hình ở Bình Dương chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ cả nước, nhưng liên kết lại rất yếu. Do vậy, cần thành lập khu công nghiệp tập trung cho ngành chế biến gỗ để tạo ra chuỗi liên kết với nhau.

“Cơ hội đã rõ, thậm chí khách hàng dồn đến ào ạt. Tuy nhiên, sau cơ hội lớn đó là quyền lựa chọn khách hàng, lựa chọn giá trị trong sản phẩm, nhưng để có quyền đó chúng ta phải có một cái “chợ” để khi khách hàng đến họ sẵn sàng vào “chợ” này”, ông Điền Quang Hiệp nói.

Theo ông Điền Quang Hiệp, so với các trung tâm triển lãm về đồ gỗ của Sinapore và Quảng Đông (Trung Quốc), ngành gỗ Việt Nam phát triển quá chậm.

Đặc biệt với sức ép từ cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung, nếu Việt Nam kkhoong nhanh chóng thay đổi thì các khách hàng sẽ chuyển sang nước khác. Việc chậm trễ này sẽ khiến doanh nghiệp mất 1, nhưng Nhà nước mất 10.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có đánh giá tổng kết Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 để xây dựng chiến lược mới phù hợp với diễn biến của thị trường.

Về nguyên liệu, ngoài phát triển trồng rừng gỗ lớn, ông Nguyễn Tôn Quyền cho rằng, quan trọng hơn là phát triển công nghệ để tiết kiệm nguyên liệu. bởi diện tích rừng trồng hạn chế, phát triển nguồn nguyên liệu cũng tới mức giới hạn.

Riêng thị trường xuất khẩu, ngoài các thị trường truyền thống, hiện có thêm nhiều thị trường mới. Các doanh nghiệp cần quan tâm, phát triển thị trường tại Nam Mỹ, Nga, Đông Âu cũ.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu lâm sản 7 tháng năm 2019 đạt 6,047 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó sản phẩm đồ gỗ các loại đạt 4,034 tỷ USD, chiếm 66,7% giá trị xuất khẩu, tăng 18,8% so với cùng kỳ 2018.

Về thị trường, xuất khẩu lâm sản Việt Nam đang có mặt tại 128 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu chủ yếu, đạt 5,3 tỷ USD, chiếm 87,7% giá trị xuất khẩu lâm sản./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục