Xây dựng quy định hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam

18:21' - 29/08/2019
BNEWS Gỗ khai thác trái phép và doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này sẽ không được phép tham gia vào chuỗi cung ứng trong hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp mà Việt Nam đang trong quá trình thực thi VPA/FLEGT.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Chiều 29/8, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ  tổ chức hội thảo trao đổi kỹ thuật về trách nhiệm giải trình và xác minh tuân thủ trong xây dựng Nghị định quy định Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS).

Hội thảo nhằm thúc đẩy hiểu biết và trao đổi kinh nghiệm giữa các thành viên của ban soạn thảo dự thảo nghị định với các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng như nhân sự trong ngành gỗ về trách nhiệm giải trình và xác minh tuân thủ trong kiểm soát nhập khẩu gỗ. 

Tại đây, các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia đến từ Mỹ và EU, các hiệp hội, doanh nghiệp ngành gỗ, các cơ quan nghiên cứu và các tổ chức dân sự xã hội trong nước chia sẻ bài học kinh nghiệm về việc chuẩn bị cho việc xây dựng và triển khai hệ thống VNTLAS theo các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT).

Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, Nghị định quy định hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam sẽ hướng dẫn thực thi, cụ thể hóa một số điều của Hiệp định VPA/FLEGT và Luật Lâm nghiệp. Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo hiệp định là trách nhiệm giải trình và xác minh.

Đây là hai nội dung rất mới với Việt Nam và sẽ rất khó đối với cơ quan soạn thảo. Trong quá trình xây dựng dự thảo, Ban soạn thảo nhận được nhiều ý kiến góp ý của các đối tượng chịu tác động của nghị định này. Các ý kiến góp ý, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu một các tối ưu nhất để nghị định sau khi được ban hành sẽ được thực thi hiệu quả.

Ông Koen Duchateau, Trưởng Ban hợp tác, phái đoàn EU đánh giá, Chính phủ Việt Nam đã cam kết xây dựng hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam, nâng cao hiệu quả cơ chế phát hiện, xử lý vi phạm và đảm bảo hiệu lực thực thi pháp luật. Phạm vi của cam kết này bao gồm gỗ nhập khẩu, một trọng điểm đã được EU ưu tiên trong suốt quá trình đàm phán.

Nói cách khác, gỗ khai thác trái phép và các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này sẽ không được phép tham gia vào chuỗi cung ứng trong hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp mà Việt Nam đang trong quá trình xây dựng và chuẩn bị triển khai.

Quá trình thực thi Hiệp định VPA/FLEGT, bao gồm cả hệ thống VNTLAS đòi hỏi sự tham gia của đại diện nhiều bên liên quan khác nhau. Bao gồm: các cơ quan nhà nước (đặc biệt địa phương), khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội dân sự và các đơn vị trồng rừng. Ông Koen Duchateau kỳ vọng, các bên sẽ hợp tác chặt chẽ để tìm ra phương pháp hiệu quả nhằm đảm bảo tính hợp pháp của sản phẩm gỗ sản xuất tại Việt Nam.

Chia sẻ về tính hợp pháp về sản phẩm cho các tổ chức và hộ gia đình, bà Dorte Pardo Lopez, cán bộ chính sách, Tổng cục Môi trường - Ủy ban châu Âu cho rằng có 7 nguyên tắc. Đó là, khai thác hợp pháp trong nước; quy định xử lý gỗ tịch thu; quy định nhập khẩu gỗ - khai thác hợp pháp, hoạt động lâm nghiệp và thuế phí phải được đảm bảo tương đương như đối với gỗ khai thác trong nước; quy định về hoạt động vận chuyển và thương mại gỗ; quy định về hoạt động chế biến; thủ tục hải quan cho xuất khẩu, thuế.

Việc thực hiện trách nhiệm giải trình áp dụng với tất cả nhà nhập khẩu, tất cả sản phẩm gỗ, bất kể chiều dài của chuỗi cung ứng. Việc kiểm tra sẽ được thực hiện bởi cơ quan hải quan trong quá trình thông quan nhập khẩu, kiểm tra sau thông quan cũng có thể được tiến hành; xem xét các quy định về kiểm soát rủi ro của hải quan để xác minh hình thức kiểm tra cần thiết. Trong quá trình kiểm tra, xác minh, cơ quan hải quan sẽ phải kết hợp với kiểm lâm.

Liên quan đến việc xác minh gỗ nhập khẩu tại Việt Nam, ông Đỗ Quang Tùng, Quyền Cục trưởng Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, hiện nay iệc xác minh gỗ nhập khẩu tại Việt Nam đang được thực hiện theo Thông tư số 27/2018/TT-BNNNPTNT. Theo đó bao gồm: tờ khai hải quan, bảng kê lâm sản, giấy phép theo Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) nhập khẩu đối với lâm sản thuộc phụ lục CITES, các tài liệu về nguồn gốc lâm sản theo quy định của nước xuất khẩu.

Với dự thảo Nghị định quy định Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam, hồ sơ nhập khẩu sẽ bao gồm: hồ sơ hải quan theo quy định của Luật Hải Quan; bảng kê lâm sản; giấy phép CITES nhập khẩu do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp đối với đối với sản phẩm thuộc các phụ lục CITES; giấy phép FLEGT  hoặc giấy phép xuất khẩu của nước xuất khẩu có quy định cấp giấy phép xuất khẩu gỗ theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Trường hợp gỗ nhập khẩu không có các loại giấy phép quy định hoặc gỗ khai thác từ quốc gia không thuộc danh sách quốc gia tích cực xuất khẩu gỗ vào Việt Nam, chủ gỗ nhập khẩu phải có bản kê khai giải trình kèm theo tài liệu chứng minh và chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung giải trình./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục