Đảm bảo quyền lợi cho người dân bị thu hồi đất

17:47' - 18/07/2023
BNEWS Năm 2017, UBND quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ thu hồi hơn 17 ha đất ở phường An Bình giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Hồng Phát (Công ty Hồng Phát) triển khai dự án Khu đô thị mới An Bình.

Cho rằng công bồi thường, hỗ trợ có bất cập khi mức giá đền bù quá thấp, một số hộ dân đã kiện UBND quận Ninh Kiều về quyết định thu hồi đất. Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ xử họ thua kiện.

 

Đến tháng 1/2022, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xử phúc thẩm đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ giải quyết lại. Từ đó đến nay, vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Người dân không đồng ý với mức giá bồi thường

Trước đây, gia đình ông Đinh Văn Thành (sinh năm 1964) và bà Lý Thị Phi Phụng (sinh năm 1964) sinh sống và canh tác trên diện tích khoảng 15.000 m2 đất tại khu vực 6, phường An Bình, quận Ninh Kiều. Theo bà Phụng, gia đình bà đã nhiều thế hệ sống tại đây. Với diện tích đất trên, họ trồng cây ăn trái, đào ao nuôi cá cho thu nhập khá. Năm 2017, UBND quận Ninh Kiều ra quyết định thu hồi đất để giao cho Công ty Hồng Phát làm dự án Khu đô thị mới An Bình.

Bà Phụng cho biết: “Giá bồi thường quá thấp, nếu nhận tiền, không đủ mua lại nơi khác để cả nhà sinh sống. Hai vợ chồng tôi còn có 3 đứa con trai, con dâu, cháu nội, tổng cộng 13 người. Chúng tôi chỉ mong muốn được đổi đất để chia cho các con cất nhà ở”. Mức giá đền bù chỉ có 432.000 đồng/m2. Trong khi thời điểm đó, giá đất nông nghiệp được giao dịch ở khu vực này đã lên tới 4 - 5 triệu đồng/m2. Đến giờ, bà Phụng vẫn giữ 5 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dù phần đất của bà đã được doanh nghiệp hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phân lô.

Ông Hoàng Tuấn Cường (sinh năm 1970, trú phường Ba Láng, quận Cái Răng, em rể bà Phụng) cho biết, trong hơn 14.000 m2 đất bị thu hồi có hơn 6.000 m2 là đất của ông. Ông Cường cũng không đồng ý với mức giá bồi thường nên quyết định khởi kiện, yêu cầu hủy các quyết định của UBND quận Ninh Kiều. Ông Cường cho biết: “Giá đất bồi thường quá rẻ so với giá thực tế nên tôi không đồng ý. Trong khi, một nền nhà ngay tại vị trí đất của tôi trước đây hiện được rao bán tới 40 - 50 triệu đồng/m2, tương đương 4 - 5 tỷ đồng cho mỗi nền 100 m2”.

Theo ông Cường, khi nghe chính quyền thông báo thu hồi đất, gia đình ông không đồng ý việc thu hồi đất giao cho doanh nghiệp phân lô, bán nền. Sau khi gia đình khiếu nại, mức giá đền bù được tăng lên 980.000 đồng/m2.

Do không đồng ý với mức giá bồi thường, các hộ dân đã khởi kiện UBND quận Ninh Kiều về quyết định thu hồi đất trên ra Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ. Ở phiên tòa sơ thẩm diễn ra ngày 28/9/2020, Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ tuyên người dân thua kiện. Tuy nhiên, tại phiên phúc thẩm ngày 21/1/2022, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên hủy bản án sơ thẩm do còn nhiều điểm chưa được làm rõ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện giá đất nền thương mại tại Khu đô thị mới An Bình do Công ty Hồng phát làm chủ đầu tư được rao bán trên các trang web chuyên về bất động sản với giá khoảng 30 - 35 triệu đồng/m2. Các nền nằm ở trục chính sẽ có giá cao hơn.

Nhiều điểm chưa được làm rõ

Tòa cấp cao cho rằng, Công ty Hồng Phát làm chủ đầu tư nhưng lại mời đơn vị tư vấn thẩm định xây dựng giá đất là không khách quan; trong khi trách nhiệm này thuộc về Sở Tài nguyên và Môi trường. Khu đô thị mới An Bình có diện tích 17,8 ha; trong đó có hơn 16 ha đất lúa. UBND quận Ninh Kiều ra quyết định thu hồi nhưng không có văn bản đồng ý của Thủ tướng Chính phủ là trái quy định pháp luật.

Luật sư Hoàng Văn Hướng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nhận định, tại khoản 1 điều 58 Luật Đất đai 2013 quy định rõ, đối với các dự án đầu tư sử dụng từ 10 ha đất lúa trở lên, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất khi có văn bản chấp thuận của Thủ tướng. Việc thu hồi hơn 17 ha đất, trong đó có hơn 16 ha đất lúa tại thời điểm trên mà không có sự chấp thuận, đồng ý của Thủ tướng là trái quy định. Do đó, cần xem xét, xử lý theo quy định pháp luật về vấn đề trái thẩm quyền để lại hệ lụy hiện nay.

Cũng theo luật sư Hoàng Văn Hướng, theo quy định tại Điều 130 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, thời hạn chuẩn bị xét xử đối với vụ án khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính là 4 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với vụ án phức tạp hoặc trở ngại khách quan, Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn, hạn chuẩn bị xét xử một lần, nhưng không quá 2 tháng đối với vụ án khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính.

Theo một lãnh đạo UBND quận Ninh Kiều, chủ trương triển khai Khu đô thị mới An Bình là do UBND thành phố Cần Thơ quyết định. Việc cấp phép cho chủ đầu tư, mời thầu, thẩm định giá đất là do các sở, ngành của thành phố thực hiện. UBND quận tiến hành giải tỏa, đền bù, tái định cư cho người dân. Đối với diện tích hơn 10 ha đất lúa trong tổng số hơn 17 ha của dự án, lãnh đạo UBND quận cho biết, thực tế thời điểm thẩm định không còn hộ dân nào trồng lúa. Khi áp giá, Hội đồng đã xem xét các nội dung. Vấn đề này đã được báo cáo về UBND thành phố.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ cho biết, trước đây, dự án Khu đô thị mới An Bình là chủ trương của thành phố. Hồ sơ thẩm định dự án trên UBND thành phố đã giao cho Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành thanh tra lại các vấn đề, trong đó có thời điểm thu hồi đất. Về nguyên tắc, người dân đã khởi kiện, sẽ chờ Tòa án tuyên. Tòa cấp cao đã có nhận định và chuyển cho Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ nên để tòa xử. Khi nào có bản án chính thức sẽ căn cứ vào đó để xử lý.

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vừa diễn ra, Quốc hội đã thảo luận dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư; trong đó việc thu hồi đất xây dựng nhà ở thương mại phải đảm bảo hài hòa lợi ích cho người dân. Để tránh khiếu kiện về đất đai, chủ đầu tư được phép thỏa thuận với người sử dụng đất trong việc nhận chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở thương mại. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến người dân bị thu hồi đất vì họ ở thế bị động, có khả năng mất chỗ ở cũ hoặc mảnh đất mưu sinh. Do vậy, Luật cần chú trọng hơn nữa đến chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư để người dân bị thu hồi đất không thiệt thòi.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, việc thu hồi đất thực hiện nhà ở thương mại, sử dụng đất 100% đất nông nghiệp, chủ đầu tư có thể thỏa thuận nhận chuyển nhượng đất để thực hiện dự án. Cá nhân, hộ gia đình có đất tham gia với chủ đầu tư dưới hình thức chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Trường hợp không thỏa thuận được, Nhà nước thu hồi đất giao cho nhà đầu tư thực hiện.

Trong phiên thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) diễn ra chiều 21/6, giải trình và làm rõ những nội dung mà đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư cần phải bảo đảm cho người dân có đất bị thu hồi có được nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Trong đó, để có cuộc sống của người dân bằng và hơn nơi ở cũ không chỉ về điều kiện sống, hạ tầng mà còn phải chọn vị trí tái định cư để vừa ở vừa sản xuất là rất quan trọng, phù hợp với phong tục tập quán, bản sắc văn hóa, với tính cộng đồng, dân tộc. Chính quyền địa phương phải quyết định được việc tái định cư; bảo đảm sinh kế của nhân dân, về lâu dài, tiếp tục đào tạo, hỗ trợ lao động phù hợp với từng độ tuổi.

Vụ việc của người dân chưa được giải quyết. Hiện nay, chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới An Bình đã xây dựng hạ tầng, bán nền thương mại với giá cao hơn hàng chục lần so với mức giá đền bù cho các hộ dân. Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho người dân, trong quá trình giải quyết khiếu nại, khiếu kiện, ngành chức năng cần xem xét khách quan, thấu đáo để các trường hợp có đất bị thu hồi có được nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục