Đảm bảo vận hành hiệu quả, nhịp nhàng chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ khu vực APEC

23:02' - 05/06/2021
BNEWS Hội nghị Bộ trưởng APEC 27 tập trung vào vai trò quan trọng của thương mại trong việc tăng cường khả năng tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 và giữ cho hệ thống thương mại toàn cầu không bị đứt gãy.

 

Các nền kinh tế thành viên APEC cần phải tiếp tục các hoạt động thương mại, đầu tư tự do và mở; đồng thời, triển khai các sáng kiến bảo đảm vận hành hiệu quả, nhịp nhàng chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ khu vực, tạo thuận lợi cho lưu chuyển các hàng hóa thiết yếu. Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ 27 được tổ chức trực tuyến tối 5/6 (theo giờ Việt Nam).
Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ 27 do Bộ trưởng Bộ Thương mại và Tăng trưởng Xuất khẩu của New Zealand Damien O’Connor chủ trì, tập trung vào vai trò quan trọng của thương mại trong việc tăng cường khả năng tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 và các hàng hóa thiết yếu; đồng thời, giữ cho hệ thống thương mại toàn cầu không bị đứt gãy.
Hội nghị APEC 27 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và khó lường, gây nên những bất ổn kinh tế chưa từng có trong khu vực và trên toàn cầu. Tuy nhiên, với những nỗ lực mạnh mẽ trong việc sản xuất, triển khai tiêm chủng vaccine và các biện pháp tài khóa, kinh tế toàn cầu năm 2021 dự báo sẽ có những tăng trưởng rõ rệt.
Theo báo cáo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo đạt mức 6,6% trong năm 2021 và 4,4% năm 2022 so với sự sụt giảm 3,3% trong năm 2020. Ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các nhà phân tích vẫn lạc quan khi dự đoán tổng sản phẩm quốc nội GDP của toàn khu vực sẽ tăng trở lại, đạt mức 5,7% trong năm 2021 và 4,1% năm 2022 so với mức sụt giảm -1,9% trong năm 2020.

 

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, để bảo đảm kinh tế phát triển và duy trì ổn định xã hội, các nền kinh tế thành viên APEC cần đồng lòng, quyết tâm duy trì thương mại, đầu tư tự do và mở; tăng cường hội nhập kinh tế khu vực, bảo đảm vai trò đầu tàu của APEC tại châu Á – Thái Bình Dương.
Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị các nền kinh tế thành viên APEC tập trung thảo luận với mục tiêu hoàn thành bản Kế hoạch thực thi tầm nhìn 2040 trong năm nay. Đây là nền tảng cơ bản, quan trọng, định hướng các hoạt động hợp tác của diễn đàn trong 2 thập kỷ tới. Vì thế, kế hoạch thực thi cần có những chỉ số cụ thể, đánh giá được tiến độ thực hiện của các nền kinh tế những năm sau này.
Cùng với đó, tiếp tục các hoạt động thương mại, đầu tư tự do và mở; đồng thời, triển khai các sáng kiến bảo đảm vận hành hiệu quả, nhịp nhàng chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ khu vực. Đặc biệt, thông qua việc triển khai các nội hàm đã được công bố tại Hội nghị Bộ trưởng APEC năm 2020 về tạo thuận lợi cho lưu chuyển các hàng hóa thiết yếu.
Ngoài ra, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế phải áp dụng giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thương mại điện tử và chuyển đổi số lại càng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và đời sống hàng ngày. Do vậy, APEC cần tăng cường hợp tác về đổi mới sáng tạo, thương mại số và Internet, bảo đảm cơ sở hạ tầng và kết nối số hiệu quả, nâng cao năng lực số cho doanh nghiệp và nguồn nhân lực, đặc biệt là nhóm yếu thế như phụ nữ và người khuyết tật.
Đặc biệt, vấn đề cấp bách hiện nay là sản xuất và phân phối vaccine. Đây là vấn đề nhân đạo và được xem là phương thức hữu hiệu nhất để đảm bảo sức khỏe cho người dân và cộng đồng. Vì vậy, Việt Nam ủng hộ các hoạt động hợp tác APEC, giúp bảo đảm cung ứng và sản xuất vaccine an toàn, hiệu quả, công bằng và kịp thời, giảm thiểu các rào cản về sở hữu trí tuệ, tăng cường chia sẻ thông tin và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine.
Với tinh thần đó, Bộ trưởng cho biết, Việt Nam nhất trí thông qua tuyên bố riêng của Hội nghị Bộ trưởng lần 27 về chuỗi cung ứng vaccine COVID-19.
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, những ngày qua Chính phủ Việt Nam tập trung cao độ, chủ động nỗ lực thực hiện có hiệu quả các biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian sớm nhất, đặt sức khỏe và tính mạng của nhân dân lên trên hết. Đồng thời, áp dụng các biện pháp phù hợp, hiệu quả, bảo đảm giữ vững, không để đứt gãy các hoạt động kinh doanh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nền kinh tế thành viên APEC để ứng phó với các thách thức đặt ra do dịch COVID-19 cũng như cùng nhau xây dựng một kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch để bảo đảm hỗ trợ cùng doanh nghiệp phát triển vững mạnh, duy trì an sinh xã hội.
Tại hội nghị năm nay, các Bộ trưởng APEC chú trọng thảo luận về các chính sách thương mại nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19. Những biện pháp được đưa ra bao gồm việc đảm bảo thị trường mở, thúc đẩy lưu chuyển thuận lợi của thương mại hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, tạo thuận lợi cho chuỗi cung ứng vaccine an toàn và hiệu quả.
Một nội dung quan trọng khác của Hội nghị MRT 27 là ủng hộ Hệ thống thương mại đa phương, bao gồm tiến độ thực thi cải cách của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và cập nhật diễn biến đàm phán trong nhiều lĩnh vực như: trợ cấp thủy sản, đối xử đặc biệt và khác biệt, trợ cấp công nghiệp, tiếp cận thị trường, nông nghiệp...
Các Bộ trưởng đã nghe bà Ngozi Okonjo-Iweala - tân Tổng Giám đốc của WTO cập nhật những diễn biến mới tại Tổ chức này trong thời gian qua cũng như việc chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12 dự kiến diễn ra vào tháng 12 năm nay.
Bà Ngozi Okonjo-Iweala nhấn mạnh, các thành viên WTO cần linh hoạt, thực tế và thể hiện quyết tâm chính trị trong giải quyết các vấn đề “nút thắt”, hoan nghênh APEC tiếp tục triển khai những sáng kiến, hoạt động góp phần thúc đẩy các nội dung thảo luận tương đồng trong WTO.
Đánh giá cao sự kiện WTO có Tổng giám đốc mới, các Bộ trưởng APEC bày tỏ hy vọng cải cách và tiến bộ trong đàm phán WTO sẽ đem lại những kết quả tích cực, góp phần củng cố vai trò của hệ thống thương mại đa phương cũng như hội nhập kinh tế toàn cầu và khu vực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục