Đạm Cà Mau vượt khó để về đích

17:11' - 26/10/2019
BNEWS Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, mã chứng khoán: DCM) đã hoàn thành 83% kế hoạch doanh thu, tương ứng với 5.740 tỷ đồng và 348 tỷ đồng lợi nhuận.

Từ đầu năm đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu thụ phân bón cho sản xuất nông nghiệp sụt giảm mạnh, nhưng nhờ triển khai các giải pháp đồng bộ, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, mã chứng khoán: DCM) vẫn hoàn thành 83% kế hoạch doanh thu, tương ứng với 5.740 tỷ đồng và 348 tỷ đồng lợi nhuận.

Tiết kiệm hàng chục tỷ đồng chi phí

Mô hình trình diễn sản phẩm N46 tại Campuchia. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

PVCFC cho biết, trong 10 tháng qua, Công ty phải đối mặt với nhiều khó khăn bởi nhu cầu tiêu thụ phân bón giảm mạnh. Đây là những khó khăn được dự báo trước với cả ngành phân bón khi điều kiện thời tiết không thuận lợi, giá cả nông sản thấp kỷ lục đã khiến nông hộ bỏ vụ, diện tích canh tác giảm mạnh.

Lường trước được những khó khăn để đưa ra nhiều kịch bản ứng phó phù hợp, PVCFC đã duy trì sản xuất ổn định với công suất 105%, đạt 640.000 tấn sản phẩm các loại. Đặc biệt, đợt bảo dưỡng thành công trong tháng 9 vừa qua không chỉ giúp Công ty tiết kiệm hàng chục tỷ đồng mà còn tạo tiền đề để PVCFC tiến một bước mới trong việc cung cấp dịch vụ vận hành bảo dưỡng cho các nhà máy có công nghệ tương đồng trên thế giới.

Cùng đó, PVCFC cũng tập trung mở rộng thị trường, thu hút khách hàng bằng các sản phẩm đa dạng chất lượng cao. Cụ thể, bộ sản phẩm mang thương hiệu Đạm Cà Mau – Hạt Ngọc Mùa Vàng đã được bà con nông dân Đồng bằng Sông Cửu Long ưu tiên lựa chọn. Ngoài sản phẩm chủ lực là ure hạt đục, đạm xanh Cà Mau (N46.Plus) với ưu thế tiết kiệm 30% lượng bón đã được đón nhận và tin dùng thay cho ure thường tại một số thị trường Tây Nam bộ và Campuchia.

Nhờ vậy, sản lượng tiêu thụ và doanh thu chỉ riêng tháng 10/2019 cũng ghi nhận mức cao hơn do khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và Campuchia đã vào chính vụ nên nhu cầu phân bón cũng tăng cao. Dự báo, Công ty sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.

Ngoài ra, trước những khó khăn của thị trường trong nước, Công ty đã đẩy mạnh tìm kiếm thị trường mới và đã xuất khẩu được 75.000 tấn sang thị trường Nam Á. Đây là minh chứng rõ nét về khả năng cạnh tranh của các sản phẩm phân bón Cà Mau tại thị trường quốc tế.

Khó khăn và thách thức

Quy trình đóng bao sản phẩm tại Nhà máy Đạm Cà Mau: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Tuy kết quả 10 tháng đầu năm 2019 tương đối khả quan, nhưng còn đó những khó khăn và thách thức do một số chính sách không phù hợp với ngành phân bón hiện nay vẫn chưa được xử lý.

Theo Hiệp hội phân bón Việt Nam, việc đưa mặt hàng phân bón từ diện chịu thuế VAT 5% sang diện mặt hàng không chịu thuế theo Luật 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 Quốc hội khóa XIII tiếp tục tạo ra những rào cản đối với sự phát triển của sản xuất phân bón trong nước; đồng thời tạo điều kiện cho phân bón nước ngoài “ồ ạt” vào Việt Nam.

Cụ thể, toàn bộ thuế VAT nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất phân bón không được khấu trừ và doanh nghiệp phải hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh làm cho giá thành sản phẩm phân bón tăng từ 5 - 8%, dẫn đến giá phân bón đến tay nông dân cũng tăng theo.

Với PVCFC, mỗi năm Công ty phải gánh chịu thêm ít nhất 350 tỷ đồng chi phí do những bất cập còn tồn tại trong chính sách thuế VAT này. 

Ngoài ra, Công ty phải đối mặt với các vấn đề về giá khí nguyên liệu cao khiến biên lãi gộp hoạt động kinh doanh của Đạm Cà Mau có khả năng giảm mạnh trong năm 2019.

Chi phí nguyên vật liệu tính từ đầu năm của Công ty đã tăng tới 71% với mức 2.446 tỉ đồng. Chỉ số biên lãi gộp giảm mạnh, từ mức 26% trong quý III/2018 xuống còn 8% trong năm nay.

Để PVCFC có thể hoàn thành các mục tiêu đề ra, ngoài những nỗ lực của doanh nghiệp thì rất cần cơ quan quản lý Nhà nước và Tập đoàn dầu khí Việt Nam cần có các giải pháp tháo gỡ và hỗ trợ kịp thời./.

>>> Nhà máy Đạm Cà Mau vận hành trở lại sau đợt bảo dưỡng tổng thể năm 2019

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục