Đạm Cà Mau: Mối lo thiếu khí sau bảo dưỡng

10:38' - 21/08/2019
BNEWS PVCFC cho biết, sau đợt bảo dưỡng 14 ngày tới đây, Nhà máy đạm Cà Mau có thể bị thiếu khí cho sản xuất phân bón.
Các kỹ sư Đạm Cà Mau chuẩn bị cho đợt bảo dưỡng tổng thể 2019. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Công ty Cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC, mã chứng khoán DCM) sẽ dừng máy trong 14 ngày để bảo dưỡng, sửa chữa cơ hội theo tiến độ cấp khí.

Trong thời gian này, Công ty sẽ kết hợp với nhà thầu nâng cấp một số cụm thiết bị. Ban Quản lý bảo dưỡng đã chủ động phối hợp với kế hoạch dừng cấp khí của Công ty Khí Cà Mau để lên kế hoạch bảo dưỡng hợp lý.

Thời gian bảo dưỡng Nhà máy bắt đầu từ 31/8/2019 đến 13/9/2019.

Theo kế hoạch, sẽ có hơn 2.093 hạng mục công việc của Nhà máy được bảo dưỡng trong đợt này.

500 cán bộ, kỹ sư và chuyên gia tại Nhà máy Đạm Cà Mau hiện đã sẵn sàng để kiểm tra, sửa chữa các thiết bị và hệ thống công nghệ nhà máy nhằm tăng tính ổn định, an toàn, đúng tiến độ và tăng công suất vận hành.

Với thời gian dự kiến dừng máy như trên, sản lượng sản xuất chính (phân đạm) của Nhà máy Đạm Cà Mau trong năm 2019 cũng dự kiến giảm 5%, tương đương 36.000 tấn so với công suất thiết kế 800.000 tấn/năm.

Các kỹ sư Đạm Cà Mau chuẩn bị cho đợt bảo dưỡng tổng thể 2019. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Đại diện PVCFC cho biết, đợt dừng máy bảo dưỡng lần này rơi vào thời điểm thấp vụ tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nên không ảnh hưởng lớn đến nguồn cung ra thị trường. Thời gian kết thúc đợt bảo dưỡng mới là thời điểm các đơn vị tập trung cung ứng nguồn hàng cho vụ Đông Xuân.

Tuy nhiên, việc sản xuất phân bón của PVCFC sẽ gặp khó khăn khi Nhà máy Đạm Cà Mau vận hành trở lại với công suất 110% nhưng nguồn khí bị  thiếu hụt.

Đây chính là mối lo hàng đầu của Đạm Cà Mau trong thời điểm này, đại diện PVCFC cho hay.

Theo đó, nguồn khí suy giảm sẽ gây ảnh hưởng đến lượng cung ra thị trường và tác động không nhỏ đến giá cả phân bón của vụ Đông Xuân.

Với kịch bản thiếu khí phải hoạt động cầm chừng, doanh nghiệp không thể tối ưu hóa lợi nhuận, dẫn đến hoạt động không hiệu quả. Đặc biệt trong bối cảnh PVCFC đang trong giai đoạn khấu hao, phải trả nợ gốc cộng lãi vay nên mỗi ngày dừng máy do không đủ nguồn cấp khí sẽ khiến doanh nghiệp thiệt hại trên 20 tỷ đồng.

Cuối tháng 7 vừa qua, nhà máy Đạm Cà Mau cán mốc sản xuất 6 triệu tấn sau 8 năm vận hành liên tục, đảm bảo sản xuất ổn định, phát triển kinh tế nông nghiệp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng.

Bên cạnh lợi ích mang lại cho nông dân và nông nghiệp, Nhà máy Đạm Cà Mau vận hành hiệu quả còn góp phần cải thiện môi trường đầu tư và phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ tỉnh Cà Mau, tăng nguồn thu cho ngân sách.

Đồng thời, sự vận hành hiệu quả của Nhà máy Đạm Cà Mau cũng đem lại hiệu quả cao về xã hội, tạo công ăn việc làm ổn định, lâu dài cho hơn 900 cán bộ công nhân viên; trong đó gần 50% là người dân địa phương Cà Mau và các tỉnh lân cận./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục