Đam mê tạo thương hiệu từ nông sản Việt

07:26' - 03/03/2016
BNEWS Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tạo dựng được thương hiệu riêng từ chính sự đam mê với từng sản phẩm nông sản.
Công ty Cổ phần thực phẩm Minh Dương chế biến nông sản sấy khô như: bún, miến, đường…phục vụ dịp Tết Nguyên Đán năm 2016. Ảnh: Vũ Sinh-TTXVN

Xu hướng tiêu dùng trên thị trường quốc tế cũng như trong nước càng đòi hỏi sản phẩm nông sản cần phải có chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng...

Trong tiến trình hội nhập, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tạo dựng được thương hiệu riêng từ chính sự đam mê với từng sản phẩm nông sản.

Công ty cổ phần thực phẩm Minh Dương là đơn vị chuyên về hàng công nghiệp thực phẩm phụ trợ. Các nhà sản xuất bánh kẹo đều biết đến các sản phẩm maltose, maltodextrin, bột kem không sữa, bột sữa dừa, đường glucoza, gluten của Minh Dương.

Khi bước chân thêm vào lĩnh vực mới là mặt hàng thực phẩm tiêu dùng truyền thống, Minh Dương xác định sẽ rất vất vả để tạo dựng thương hiệu trên một chiến tuyến khác.

Ông Nguyễn Duy Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Minh Dương chia sẻ, khi doanh nghiệp bắt tay vào sản xuất và sản phẩm đầu tiên là miến dong. Nhiều thành viên trong ban quản trị đã đề nghị không lấy tên Minh Dương để an toàn cho sản phẩm, cho danh tiếng công ty.

Tuy nhiên, ông Hồng cương quyết “sống với nghề và cũng chết với nghề”. Với ông vấn đề chính là có tâm hay không có tâm, nhất là đối với các sản phẩm thực phẩm.

Sản phẩm thực phẩm làm ra đạt yêu cầu chất lượng của người tiêu dùng không có gì phải lo ngại. “Khi sản xuất ra sản phẩm mình phải là người ăn đầu tiên, dám ăn và ăn thường xuyên. Mình phải áp mình là người tiêu dùng và Minh Dương đã xây dựng thương hiệu với suy nghĩ đó”. - ông Hồng tâm sự.

Kế hoạch của Minh Dương trong 5 năm phải có thương hiệu, có chỗ đứng trên thị trường và trong lòng người tiêu dùng. Để được điều đó, ông Hồng xác định quan trọng là phải giữ chất lượng. Đi vào chuỗi sản phẩm miến dong, miến đậu xanh, bún gạo, mỳ gạo… là nông sản chế biến khô, công ty xác định đầu tiên là sản phẩm phải 100% không hóa chất.

Đó sẽ là điểm mạnh để sản phẩm đi vào thị trường vì nếu cho phèn (trong phụ gia thực phẩm phèn không bị cấm) nhưng cho vượt ngưỡng, người tiêu dùng ăn sẽ rất thích bởi sản phẩm giòn nhưng nếu không kiểm soát được sản phẩm sẽ có vị chua, gây hại đường ruột.

Đánh đúng tâm lý, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm sạch, ngon, Minh Dương xác định lấy lòng người tiêu dùng Thủ đô trước khi đi các tỉnh. Chỉ riêng thị trường Thủ đô, các doanh nghiệp chỉ sản xuất hàng nông nghiệp an toàn cấp cho 10 triệu dân đã là rất “khủng khiếp”. Đây là thị trường tiềm năng thực sự.

Đam mê tạo thương hiệu từ nông sản Việt. Ảnh: Trần Việt-TTXVN

Đến nay, tuy mới trải qua hai năm phát triển, các sản phẩm như miến dong, miến đậu xanh, bún gạo, mỳ gạo… đã được rất nhiều người tiêu dùng Thủ đô và nước ngoài biết đến.

Các sản phẩm đó đã được Minh Dương xuất khẩu sang Australia, Trung Quốc, Nga. Còn các nước khác như Nhật Bản và Hàn Quốc đang được đưa hàng đi thử nghiệm.

Để đến với người tiêu dùng thực chất nhất, Minh Dương cũng không chọn cách quảng bá sản phẩm bằng quảng cáo trên truyền hình. Minh Dương xây dựng cho mình cách truyền thông riêng và hiệu quả nhất.

Đó là giới thiệu sản phẩm thông qua các hội chợ, triển lãm do các đơn vị chức năng Nhà nước tổ chức; tổ chức cho người tiêu dùng đến trực tiếp công ty dùng thử sản phẩm, thăm quan dây chuyền sản xuất. Bằng cách giới thiệu sản phẩm trực tiếp tới người tiêu dùng, người tiêu dùng sẽ tự quảng bá sản phẩm cho công ty.

Không chọn mặt hàng về thực phẩm tiêu dùng như Minh Dương, Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex lại đến với những mặt hàng nông sản Việt Nam có thế mạnh trong xuất khẩu như cà phê, hồ tiêu.

Intimex đã tận dụng lợi thế này để xây dựng thương hiệu và đã được đáp lại khi Intimex liên tiếp trong nhiều năm qua độc chiếm ngôi vị dẫn đầu doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam.

“Chọn kinh doanh cà phê, hồ tiêu, bởi Intimex tin tưởng rằng, sản phẩm nông nghiệp phát triển tới đâu, doanh nghiệp phát triển tới đó”- ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội động quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Intimex nhớ lại lúc khởi nghiệp. Đến nay ông Nam đã được coi như  “ông vua” xuất khẩu cà phê Việt Nam.

Ông Đỗ Hà Nam tâm sự, thương hiệu không thể tự nhiên mà có, cũng không thể muốn mà có. Chúng ta phải xây dựng uy tín của mình. Thương hiệu tốt phải đặt uy tín lên hàng đầu để tạo ra niềm tin cho người mua, niềm tin cho nông dân khi bán hàng cho chúng ta.

Để tạo uy tín không hề đơn giản với Intimex. Khi giá lên, nông dân không muốn bán; khi giá xuống doanh nghiệp nước ngoài không muốn nhận hàng.

Vậy làm thế nào để đảm bảo lợi ích của các bên để không bị nông dân không muốn bán cho mình và không bị doanh nghiệp nước ngoài trả hàng về.

Rõ ràng nếu không xây dựng uy tín, doanh nghiệp sẽ luôn gặp phải tình trạng trên trong kinh doanh nông sản. Với Intimex, đơn vị nào có hành vi đó, Intimex cũng từ chối trao đổi mua bán.

Nguyên tắc của Intimex là các bên cùng có lợi, cùng chia sẻ. “Đã đặt chân vào thị trường, chữ tín rất quan trọng. Doanh nghiệp nào chỉ nghĩ đến lợi nhuận mà quên những người cung cấp nguyên liệu cho mình sẽ không tồn tại bền vững”- ông Nam cho hay.

Để giải quyết bài toán hài hòa lợi ích giữa quyền lợi của doanh nghiệp và nông dân để phát triển bền vững cũng như tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, theo ông Nam, Intimex đã tham gia cùng các tổ chức quốc tế để sản xuất đạt chứng chỉ như Utz Certified, 4C.

Theo đó, công ty đã hướng dẫn, đầu tư cho nông dân về kỹ thuật, quy trình sản xuất và thu mua với giá cao hơn so với sản phẩm thông thường.

Mỗi năm, doanh nghiệp đã có trên 100.000 tấn sản phẩm đạt chứng chỉ trên, hướng tới đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của các nước trên thế giới với chứng chỉ xuất xứ địa lý.

Thực hiện sản xuất theo chứng chỉ này đem lại lợi ích cho cả nông dân vào doanh nghiệp, đồng thời tạo nên sản phẩm riêng biệt của doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục