Đàm phán giá điện làm sao để tránh lãng phí nguồn điện "sạch" 

14:57' - 31/05/2023
BNEWS Về lâu dài cần đàm phán giá điện sao cho hài hòa được lợi ích các bên; trong đó các nhà đầu tư đảm bảo được tỉ suất lợi nhuận hợp lý

Chưa có giá mua bán điện chính thức từ cơ quan chức năng, trong khi mức giá mua điện tạm thời được đánh giá là chưa đủ để giúp doanh nghiệp trang trải chi phí vận hành, lãi vay. Để tránh lãng phí nguồn lực xã hội do việc đàm phán dự kiến có thể kéo dài, đồng thời sớm sử dụng nguồn năng lượng tái tạo từ các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành xây dựng, đủ điều kiện phát điện, phóng viên TTXVN ghi nhận ý kiến từ các chuyên gia và doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng xung quanh nội dung này.

*Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Mặt trời Bình Thuận:

Hiện nay, có nhiều dự án đã gửi hồ sơ lên Công ty Mua bán điện (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) sau khi đánh giá những dự án đã đủ điều kiện về mặt kỹ thuật, EVN huy động lên lưới, ghi nhận số liệu về điện năng phát lên lưới và có thể xin Chính phủ, Bộ Công Thương cho phép cơ chế để EVN có thể tạm ứng tiền điện với mức 50% giá trần mà Bộ Công Thương đưa ra.

Điều này sẽ giúp các bên đều được an toàn về mặt cơ chế, còn việc đàm phán cứ tiếp tục. Với mức 50% giá trần cũng đủ để các nhà đầu tư trang trải các chi phí vận hành, còn hơn là cứ để máy móc hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng phơi nắng phơi sương như thế mà chẳng có đồng nào rất lãng phí. Bởi các doanh nghiệp chưa thể bán điện đang gặp nhiều khó khăn khi nợ ngân hàng vẫn trả, chi phí lãi vay cao trong khi doanh thu bán điện lại 0 đồng.

Hơn nữa, máy móc từ 1-2 năm không vận hành sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ, hư hao tài sản, chi phí bảo trì cao khiến doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn hơn.

Giá điện sạch chỉ cao hơn thủy điện, trong khi có những thời điểm EVN phải mua điện từ nhiệt điện than, điện chạy dầu có giá cao hơn. Do đó, về lâu dài cần đàm phán giá điện sao cho hài hòa được lợi ích các bên; trong đó các nhà đầu tư đảm bảo được tỉ suất lợi nhuận hợp lý. Trong thời gian chờ đàm phán giá điện, các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương ban hành chính sách để làm cơ sở pháp lý thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ. Các chính sách này phải thực sự thể hiện tinh thần mạnh dạn gỡ khó. Tuy nhiên, việc đàm phán chỉ nên thực hiện với những dự án đầy đủ hồ sơ pháp lý, không vi phạm các vấn đề về pháp lý nói chung; trong đó có vấn đề về quản lý đất đai, xây dựng…

*Chuyên gia năng lượng, TS Trần Văn Bình:

Tình trạng thiếu điện đang trở nên rõ ràng hơn trong những ngày nắng nóng gần đây, khi lưu lượng nước về các hồ thủy điện được EVN thông tin đã xuống rất thấp, cùng đó là thiếu các nguồn điện mới đưa vào. Do vậy, việc chậm đàm phán giá năng lượng tái tạo chuyển tiếp thời gian qua khiến áp lực thiếu điện càng tăng.

Theo như phản ánh của doanh nghiệp đầu tư dự án và ngành điện, khó khăn trong đàm phán ngoài việc tồn tại từ chính dự án thì còn do thiếu hướng dẫn cụ thể.

Hiện nay, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN khẩn trương thực hiện mua bán điện với các nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp. Giải pháp trong lúc này cần linh hoạt, tránh lãng phí nguồn lực từ doanh nghiệp, nguồn năng lượng từ các dự án đem lại.

Tuy vậy, thời gian tới, tôi cho rằng cần sớm có giá mua bán điện chính thức của các dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tránh lãng phí nguồn lực.

*Ông Trần Minh Tiến, đại diện Chủ đầu tư 4 dự án điện gió tại Quảng Trị và Gia Lai:

Thời gian qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã báo cáo các vướng mắc trong đàm phán giá điện các dự án nhà máy điện gió, mặt trời chuyển tiếp gửi Bộ Công Thương; trong đó nêu vướng mắc về thời hạn hợp đồng; phương pháp xác định giá đàm phán (phương pháp xác định các thông số đầu vào và nguyên tắc xác định giá điện) dẫn đến việc chưa có cơ sở để hoàn thành công tác đàm phán giá điện. EVN cũng đã kiến nghị Bộ Công Thương sớm ban hành Phương pháp xác định giá đàm phán và hướng dẫn các vấn đề còn vướng mắc làm cơ sở để EVN và các chủ đầu tư thực hiện.

Bản thân Bộ Công Thương và EVN trong thời gian gần đây đã rất nỗ lực, tổ chức nhiều cuộc họp để gỡ vướng các chủ đầu tư dự án.

Để tránh lãng phí nguồn lực xã hội, đồng thời sớm sử dụng nguồn năng lượng tái tạo từ các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành xây dựng, đủ điều kiện phát điện, 
Bộ Công Thương mới đây đã có văn bản chỉ đạo và yêu cầu EVN khẩn trương đàm phán với chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới điện khi đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định. Sau khi đàm phán xong, thống nhất giá thì sẽ được thanh quyết toán theo giá chính thức kể từ ngày phát lên lưới điện.

Chúng tôi kiến nghị Bộ Công Thương sớm xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư 15/2022/TT-BCT ngày 03/10/2022 và Quyết định 21/QĐ-BCT ngày 07/1/2023 theo Thông báo 182 và ban hành các văn bản hướng dẫn theo quy định để các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp sớm có giá mua bán điện chính thức./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục