Đàm phán NAFTA: Đối pháp của Canada (Phần 2)

06:30' - 21/03/2018
BNEWS Dù có hay không có NAFTA, Canada vẫn sẽ là một đối tác có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường Bắc Mỹ và vẫn là đối tác thương mại tự nhiên của quốc gia láng giềng phía Nam.

Với đối tác của Mỹ trong Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) là Canada, giới quan sát cho rằng hiện tại hầu hết các doanh nghiệp ở nước này đều lo lắng về nguy cơ NAFTA đổ vỡ. Những tiến triển “rùa bò” trong các vòng tái đàm phán NAFTA đã tạo tâm lý và môi trường không ổn định có thể gây nhiều bất lợi cho quá trình ra quyết định.

Những dấu hiệu hiện nay cho thấy dường như Canada quan tâm đến sự ổn định của NAFTA nhiều hơn Mỹ và điều này cũng không có gì quá ngạc nhiên vì Mỹ đa dạng hóa thương mại hơn nhiều so với Canada. Chưa kể, hiện Canada đang phụ thuộc tới 75% giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ. 
Tuy nhiên, NAFTA đã có điều khoản quy định rõ các nước thành viên phải thông báo trước ít nhất sáu tháng về ý định rút lui, nếu có. Quãng thời gian này đủ để các doanh nghiệp có thể đưa ra chiến lược thay thế, tìm thị trường mới cho các sản phẩm của mình cũng như tìm kiếm các đối tác nhập khẩu mới, do đó có thể giảm thiểu những tổn thất kinh tế tiềm ẩn từ việc NAFTA sụp đổ. 
Bên cạnh đó, còn một thực tế khác là dù có hay không có NAFTA, Canada vẫn sẽ là một đối tác có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường Bắc Mỹ và vẫn là đối tác thương mại tự nhiên của quốc gia láng giềng phía Nam.

Người dân hai nước chia sẻ đường biên giới chung, có chung ngôn ngữ, các giá trị văn hóa, xã hội tương đồng và tập quán cũng như sở thích tiêu dùng giống hệt nhau. Điều này sẽ giúp làm giảm các chi phí thương mại giữa hai nước ngay cả khi không có NAFTA
Trong trường hợp NAFTA thật sự đổ vỡ, Canada có thể sẽ phải khôi phục quy chế tối huệ quốc (MFN) vốn đang được Mỹ áp dụng với các nền kinh tế thành viên trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Với mức thuế trung bình chỉ khoảng 3,5%, các doanh nghiệp của Canada sẽ không bị mất đi quá nhiều lợi thế cạnh tranh trên thị trường Mỹ. 
Bên cạnh đó, Canada cũng có thể áp dụng một số biện pháp để giảm thiểu sự khó lường về NAFTA. Một trong số đó là đa dạng hóa thương mại để giảm thiểu đáng kể việc phụ thuộc vào một vài thị trường đích, mà đứng đầu là Mỹ nếu xét theo tỷ trọng xuất khẩu hiện nay. 
Chính phủ Canada đã và đang đẩy mạnh đa dạng hóa thương mại bằng cách ký Hiệp định Kinh tế và Thương mại Toàn diện (CETA) với Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với 10 quốc gia trên vành đai Thái Bình Dương. 
Trước đây, việc Canada quyết tâm theo đuổi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP - tiền thân của CPTPP) đã vô tình tác động phần nào đến suy nghĩ của Tổng thống Trump về hiệp định này. Nhà lãnh đạo Mỹ từng tuyên bố sẵn sàng thảo luận với bất kỳ quốc gia thành viên nào của TPP cả ở cấp độ song phương và khu vực.
Ngoài đa dạng hóa thương mại, Chính phủ Canada cũng cần tập trung vào việc cải thiện môi trường kinh tế để nâng cao sức cạnh tranh cho các công ty và doanh nghiệp đang hoạt động tại Canada.

Có rất nhiều cách thức cải thiện môi trường kinh tế phù hợp với quy định trong WTO và nằm trong khả năng của Canada như hỗ trợ nghiên cứu và phát triển nhằm thúc đẩy đổi mới và nâng cao khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp; hỗ trợ đổi mới công nghệ và giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận với công nghệ mới với chi phí ít nhất… 
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các tiến bộ công nghệ sẽ trở nên hữu ích hơn khi có sự hợp tác trực tiếp giữa các trường đại học và doanh nghiệp. Vì thế, cần khuyến khích các doanh nghiệp hỗ trợ và tài trợ nghiên cứu cho các trường đại học nhằm đảm bảo những lợi ích nghiên cứu sẽ hướng tới và phục vụ tốt nhất cho các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp ngày càng mạnh hơn trên thị trường thế giới.

Ở góc độ vĩ mô, chính phủ có thể khuyến khích các doanh nghiệp tài trợ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển thông qua hình thức giảm thuế. 
Cần nhớ rằng những công nghệ và sáng tạo mới cần được điều khiển bởi những công nhân lành nghề. Hiện tại, Canada có thể tận dụng lợi thế từ chính sách chống nhập cư của chính quyền Tổng thống Trump và thu hút nhiều lao động có kỹ năng từ khắp nơi trên thế giới.

Thực tế cho thấy những người nhập cư có kỹ năng lao động cao đã đóng góp đáng kể cho nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ. Vì thế Canada cần tăng cường nỗ lực thu hút các công nhân lành nghề bằng cách giảm tiêu chuẩn, thời gian và chi phí đối với những hồ sơ xin nhập cư của lao động kỹ năng. 
Một biện pháp thứ ba Canada có thể làm là xem xét lại chính sách “quản lý nguồn cung” vốn được đưa vào thực hiện từ năm 1970. Việc đánh giá lại chính sách này sẽ tác động trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của ngành nông nghiệp Canada.

Chính sách này cho phép Canada áp hạn ngạch sản xuất, hạn ngạch thuế và mức giá cố định để bảo vệ ngành sữa, trứng và gia cầm. Tuy nhiên, quy định này đã không mang lại sức cạnh tranh cho các ngành trên và Mỹ đang yêu cầu Canada tạm ngừng thực thi trong khoảng 10 năm.
Canada hiện có thị trường nội địa khổng lồ cho ngành nông nghiệp thực phẩm nhưng cơ chế quản lý nguồn cung đang tạo ra trở ngại lớn trên chính thị trường này.

Ví dụ Canada liên tục bị gia tăng thâm hụt thương mại trong ngành sữa, cho thấy ngành này đang phải phụ thuộc rất lớn vào việc nhập khẩu do nhu cầu trong nước lớn. Nhập khẩu sữa tăng cũng cho thấy ngay cả khi phải trả thuế, các nông dân nước ngoài vẫn dư sức cạnh tranh trên thị trường Canada. 
Đây là điều Canada cần nghiêm túc đánh giá lại và xem xét khả năng chấm dứt áp dụng chính sách quản lý nguồn cung để cải thiện khả năng cạnh tranh của các nông dân trong nước, đồng thời cung cấp cho người tiêu dùng Canada những sản phẩm trứng, sữa và gia cầm với mức giá cạnh tranh.

Không ít chuyên gia đang hỏi vì sao Chính phủ Canada sẵn sàng hy sinh quyền lợi của hàng triệu người tiêu dùng Canada vì lợi ích của một số ít nông dân.
Ngoài ra, còn một vài biện pháp khác nữa trong khuôn khổ WTO mà Chính phủ Canada có thể xem xét sử dụng để bảo vệ một số ngành nhất định, nếu như nhập khẩu tăng sẽ đe dọa hay gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho nền kinh tế Canada.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục