Dân số thế giới sẽ đối mặt với những thách thức nào trong 2 thập kỷ tới?

05:30' - 05/08/2021
BNEWS Ngoài việc gia tăng về số lượng, các vấn đề về chất lượng cuộc sống và sự già hóa nói chung ở tất cả các quốc gia trên hành tinh cũng là những thách thức quan trọng đối với nền kinh tế thế giới.

Phân tích và dự đoán xu hướng phát triển dân số thế giới, tờ Les Echos số ra ngày 2/8 cho rằng trong hai mươi năm nữa, dân số thế giới sẽ tăng thêm 1,3 tỷ người, tương đương với dân số lục địa châu Phi hiện nay.  

Theo Les Echos khi nói về dân số, hai mươi năm là tương lai. Từ nay đến tương lai, những biến động bất ngờ có thể xảy ra. Ví dụ như một đại dịch mới thậm chí còn nguy hiểm hơn cả đại dịch COVID-19 hiện nay, một cuộc xung đột giữa hai cường quốc trên thế giới, một cuộc khủng hoảng nông nghiệp có thể gây ra cảnh khốn cùng và đói kém... Nhưng các sự kiện trên, dù có xảy ra, thì cũng chỉ có thể ảnh hưởng phần nào đến dân số thế giới chứ không thể làm thay đổi sự phát triển về lâu dài.

Với hơn 4 triệu người tử vong trong giai đoạn khủng hoảng y tế hiện nay, đại dịch COVID-19 có thể được coi là hiện tượng dịch tễ ảnh hưởng mạnh tới phát triển dân số. Dịch bệnh có thể sẽ làm giảm tuổi thọ trung bình ở Mỹ xuống 1,5 năm, thậm chí ở Nam Phi giảm đến hơn 3 năm, nhưng xu hướng gia tăng dân số trong những năm tới sẽ vẫn rất mạnh mẽ. 

Thậm chí, theo một số nhà khoa học, COVID-19 sẽ có thể có những tác động tích cực lâu dài đến tuổi thọ con người, vì đại dịch đã dạy chúng ta cách bảo vệ bản thân tốt hơn và giúp con người thay đổi những hành vi cũng như thói quen sinh hoạt hàng ngày khi phải đối mặt với loại virus rất dễ lây lan này.

Các số liệu từ quá khứ cho thấy, chỉ trong chưa đầy 40 năm (từ 1960 đến 2000), dân số thế giới đã tăng gấp đôi, từ 3 tỷ lên 6 tỷ người. Theo dự báo, con số này sẽ tăng từ 7,8 tỷ người năm 2021, lên 9,2 tỷ người năm 2041 và gần 10 tỷ người vào năm 2050. Hai khu vực chính thúc đẩy tăng trưởng dân số thế giới trong 20-30 năm tới là khu vực châu Phi phía Nam sa mạc Sahara và ở khu vực Trung Á (bao gồm Ấn Độ, Pakistan và Afghanistan). 

Dự kiến, khu vực châu Phi phía Nam sa mạc Sahara sẽ có dân số tăng gấp đôi vào năm 2050. Đến năm 2050, Nigeria cũng sẽ có thêm 195 triệu dân, và dân số thủ đô Lagos sẽ tăng lên đến 50 triệu dân, gấp 2,5 so với hiện nay, và gấp 5 lần dân số của một quốc gia như Hy Lạp. Trong khi đó, Ấn Độ sẽ là quốc gia có tăng trưởng dân số mạnh nhất vào năm 2050, với mức tăng 259 triệu dân, dẫn đầu về tăng trưởng dân số, và nước này dự báo sẽ vượt qua Trung Quốc từ đầu những năm 2030. 

* Người đông liệu có sống khỏe và tạo nên sức mạnh?

Câu hỏi đặt ra là liệu có thể đảm bảo điều kiện sống khỏe mạnh khi mà dân số quá đông? Theo Gilles Pison, Giáo sư tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Pháp, đồng thời là chuyên viên Viện Nghiên cứu Nhân khẩu học Quốc gia (INED), vấn đề sống khỏe không phụ thuộc ở số lượng đông mà do hành vi và cách sống của con người quyết định. 

Các nhà khoa học cho rằng muốn sống khỏe, trong vòng 20 năm tới, con người sẽ phải thay đổi thói quen vận động, cải thiện lối sống và chế độ ăn uống sao cho phù hợp. Ông Gilles Pison cho rằng nếu tài nguyên thiên nhiên được sử dụng đúng cách thì có thể đủ để nuôi sống 10 tỷ dân.

Về thực phẩm, trong những năm tới, con người sẽ phải thay đổi theo hướng đơn giản. "Ăn ít hơn, nhưng tinh hơn" sẽ là kim chỉ nam trong chế độ ăn uống. Tiêu thụ ít thịt hơn có thể là cách để con người tiết kiệm lương thực-thực phẩm. Thực tế hiện nay, cứ 10 calo ngũ cốc được tiêu thụ bởi một con bò, chỉ có 1 calo được con người hấp thụ dưới dạng thịt hoặc sữa.

Một nghịch lý hiện đang tồn tại. Con người đang là "nạn nhân" của chính những thành công và tiến bộ to lớn đạt được trong nông nghiệp. Nhờ các bước tiến và phát minh mới, sản lượng nông nghiệp đã đạt đến các mức cao mới và có thể nuôi sống ngày càng nhiều người. Nhưng đổi lại, nền nông nghiệp thâm canh cũng đang làm đất đai suy thoái đến mức nghiêm trọng.  

Thực trạng này lại dẫn đến một nghịch lý khác, đó là chưa bao giờ nạn đói ít như hiện nay, nhưng lại có đến 9% dân số thế giới rơi vào tình trạng thiếu dinh dưỡng (theo số liệu của Liên hợp quốc), và tỷ lệ suy dinh dưỡng này lại được ghi nhận phần lớn ở những khu vực dân số tăng mạnh trong vòng 20 năm tới. Vì vậy để nâng cao chất lượng cuộc sống, cần phải giải quyết những nghịch lý này.

Số lượng người đông có tạo nên sức mạnh? Câu trả lời không có gì là chắc chắn. Nếu nhìn vào một số quốc gia hiện đang lo ngại về nguy cơ dân số sụt giảm trong tương lai - ví dụ trường hợp của Trung Quốc - thì cũng không thể chứng minh được rằng sự tăng dân số tỷ lệ thuận với sự năng động kinh tế.

Các nền kinh tế châu Á như Hàn Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc), và ở mức độ thấp hơn là Thái Lan hay Việt Nam, đã chứng kiến tăng trưởng kinh tế vượt bậc trong những năm gần đây. Nguyên nhân một phần là do mức sinh giảm mạnh khiến tỷ lệ lực lượng lao động (do mức sinh cao của khoảng 20 năm trước đó) dồi dào hơn so với đối tượng phụ thuộc (bao gồm người già và trẻ em).  

Điều này được gọi là "lợi tức dân số" - hay những lợi ích mà cơ cấu nhân khẩu học đem lại, giúp đảm bảo phát triển kinh tế. Thậm chí, Hàn Quốc đã giảm tỷ lệ sinh ở phụ nữ từ hơn 6 trẻ em vào đầu những năm 1960 xuống dưới 1 trẻ em hiện nay.

Trong khi đó ở châu Phi, nơi tỷ lệ sinh không hề giảm, việc tăng dân số ở nhiều quốc gia thậm chí còn là trở ngại cho sự phát triển kinh tế. Khu vực châu Phi phía Nam sa mạc Sahara là nơi tỷ lệ sinh vẫn cao nhất thế giới, trong đó tại Nigeria tỷ lệ sinh ở phụ nữ là 5,4 con trong giai đoạn 2015-2020.  

Kết quả là 40% dân số châu Phi ngày nay ở độ tuổi dưới 15. Việc kiến tạo số lượng việc làm để hấp thụ dòng người tham gia vào thị trường lao động này trong vài năm tới sẽ là một thách thức lớn, điều mà châu Phi khó có thể giải quyết được.

Ngược lại với châu Phi, châu Âu hiện đang phải đối mặt sự suy giảm dân số chậm, nhưng dai dẳng. Đến năm 2041, các nước này sẽ là những quốc gia già nhất thế giới. Theo Julien Damon, nhà xã hội học kiêm nhà báo chuyên mục bình luận tại Les Echos, hệ quả đối với những nước này sẽ là tăng trưởng trì trệ, kinh tế thiếu sự năng động, chậm đổi mới. Bù lại, với những quốc gia dân số càng già thì càng có nhiều khả năng duy trì một nền dân chủ ổn định. Tuy nhiên, châu Âu cũng cần lưu ý chế độ lão quyền, chỉ toàn người già lãnh đạo.

Theo nhà kinh tế học Hippolyte d'Albis, những người trên 60 tuổi hiện nay vào khoảng 1,1 tỷ người trên toàn thế giới, con số này sẽ là 1,7 tỷ người trong 20 năm nữa. Khi tỷ lệ người phụ thuộc tăng lên, điều này sẽ gây áp lực lớn hơn đối với hệ thống bảo trợ xã hội ở nhiều quốc gia. Đối với những nước khác, vấn đề phức tạp hơn, đặc biệt là ở Trung Quốc. Ngay cả "lục địa trẻ" châu Phi cũng sẽ phải đối mặt với sự già hóa của một bộ phận dân số đáng kể. 

* Sẽ không có "làn sóng di dân" châu Phi

Những phân tích trên cho thấy, thách thức lớn về dân số của năm 2041 sẽ không chỉ là số lượng người trên Trái Đất, mà là sự phân bố của họ trên khắp năm châu lục. Tất cả các nước phát triển, bao gồm cả Trung Quốc, đang già đi với tốc độ nhanh, số lượng người cao tuổi tăng lên rõ rệt, và tỷ lệ giữa lực lượng lao động với lực lượng phụ thuộc ngày càng chênh lệch. Liệu làn sóng di cư Bắc - Nam có diễn ra để tái cân bằng lực lượng lao động trên hành tinh?

Theo dự báo, tình trạng di cư sẽ được duy trì trong vòng 20 năm tới, nhưng sẽ khó có thể có làn sóng di cư từ châu Phi mặc dù nguồn lao động trẻ nơi này rất dồi dào. Thứ nhất, là do các phong trào di cư được thực hiện trên quy mô lớn, nhưng chỉ trong lục địa châu Phi, mà ít có xu hướng lên các quốc gia phía Bắc. Hơn nữa các quốc gia này cũng đã mất đi một phần sức hấp dẫn do sự năng động kinh tế đã giảm, đặc biệt là ở châu Âu.

Thứ hai, bởi vì cư dân của khu vực châu Phi phía Nam sa mạc Sahara là một trong những nhóm người ít di động nhất trên hành tinh. "Quán quân vô địch" của các đợt di cư lại là người da đỏ với hơn 17 triệu người trên khắp thế giới, tiếp theo là người Mexico và người Trung Quốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục