Đang diễn ra "Không gian trưng bày sản phẩm tiêu biểu vùng Đông Bắc" tại Hà Giang

19:15' - 28/10/2023
BNEWS Không gian trưng bày sản phẩm tiêu biểu vùng Đông Bắc là một trong những hoạt động thiết thực giúp quảng bá, kết nối giao thương, hợp tác kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Nằm trong chuỗi các hoạt động của Lễ hội hoa Tam giác mạch tỉnh Hà Giang lần thứ IX năm 2023, trong 2 ngày từ 27 đến 28/10 tại Quảng trường 26/3 (thành phố Hà Giang), UBND tỉnh Hà Giang tổ chức Không gian trưng bày sản phẩm tiêu biểu vùng Đông Bắc.

Ông Hoàng Gia Long, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Không gian trưng bày sản phẩm tiêu biểu vùng Đông Bắc là một trong những hoạt động thiết thực mang ý nghĩa quan trọng trong công tác quảng bá, kết nối giao thương, hợp tác kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm tiêu biểu của các tỉnh khu vực Đông Bắc. Đặc biệt, tại sự kiện này các đại biểu, nhân dân Hà Giang và du khách thập phương sẽ được thưởng thức nghệ thuật pha trà và cảm nhận hương vị đặc sắc của sản phẩm trà Shan tuyết Hà Giang hàng trăm năm tuổi, ở độ cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý năm 2018.

 

Thông qua không gian trưng bày sản phẩm tiêu biểu vùng Đông Bắc năm 2023 tại Hà Giang cho thấy những thành tựu trong sản xuất nông nghiệp hàng hoá đặc trưng, sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ sản xuất, kinh doanh đối với lĩnh vực nông, lâm nghiệp mang đậm bản sắc văn hoá của các dân tộc trên địa bàn các tỉnh khu vực vùng Đông Bắc gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh. Đây sẽ là cơ hội để các tổ chức, cá nhân giao lưu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của địa phương đến với các đại biểu, du khách và người tiêu dùng trên mọi miền đất nước.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang Hoàng Gia Long mong muốn các tỉnh trong khu vực Đông Bắc nói riêng và các tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung tiếp tục phối hợp chặt chẽ và tăng cường hơn nữa trong xúc tiến, quảng bá tiêu thụ các sản phẩm nông sản tại thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu, góp phần kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, tăng giá trị hàng hóa của các địa phương. Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ sản xuất kinh doanh tiếp tục quan tâm để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, lấy chữ tín trong sản xuất kinh doanh để giữ vững thương hiệu đã có, tạo sự liên kết và hỗ trợ lẫn nhau nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tham gia không gian trưng bày sản phẩm tiêu biểu các tỉnh vùng Đông Bắc với 12 gian hàng của các doanh nghiệp, hợp tác xã đến từ 11 huyện, thành phố của tỉnh Hà Giang và gian hàng đại diện các tỉnh trong khu vực vùng Đông Bắc.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của đồng bào các dân tộc Hà Giang đã được công nhận đạt OCOP đã được trưng bày tại các gian hàng như: Mật ong bạc hà tại 4 huyện cao nguyên đá là Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ; sản phẩm cam huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên; thịt bò khô huyện Đồng Văn, Chè Shan tuyết và Shan tuyết cổ thụ tại các huyện vùng cao; các sản phẩm cây dược liệu; lợn đen Lũng Pù huyện Mèo Vạc, hồng không hạt của huyện Quản Bạ; gà xương đen tại 4 huyện cao nguyên đá và sản phẩm gạo Khẩu Mang huyện Đồng Văn…

Cũng tại không gian trưng bày sản phẩm tiêu biểu các tỉnh vùng Đông Bắc, tỉnh Hà Giang còn dành riêng một gian hàng giới thiệu tiềm năng, giá trị sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang. Chè Shan tuyết Hà Giang được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao về chất lượng, được xem là "báu vật" của núi rừng cực Bắc. Hà Giang hiện có gần 40 sản phẩm chè của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được phát triển thành sản phẩm OCOP địa phương. Trong đó 2 sản phẩm chè xanh và hồng trà nhãn hiệu bà cụ của Hợp tác xã Chế biến chè Phìn Hồ, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục